Thứ Bảy, 25 tháng 4, 2009

Vipassana Trong Quá Khứ và Trong Tương Lai

Tác giả: Thiền Sư Dhammapala, Pa-Auk Tawya Meditation Center, Myanmar

Có một vấn đề thường gặp, đó là, chúng ta có nên hành thiền Vipassana trên ngũ uẩn quá khứ và tương lai? Mặt khác, Đức Phật lại dạy là không nên truy tầm ngũ thủ uẩn trong quá khứ hay khát vọng chấp thủ vào thân ngũ uẩn trong tương lai. Ngài nói điều này rất rõ và nhấn mạnh nhiều lần rằng hành giả cần thực tập hành thiền Vipassana trên đối tượng ngũ thủ uẩn trong quá khứ, tương lai, hiện tại, trong, ngòai, thô tế, cao thượng, hạ liệt, xa và gần. Vậy làm thế nào để thấy sự đồng nhất giữa hai lời dạy này?

Đức Phật đã dạy trong 1 bài kệ:

Quá khứ không truy tầm

Tương lai không ước vọng

Quá khứ đã đoạn tận

Tương lai lại chưa đến

Chỉ có Pháp hiện tại

Tuệ quán chính là đây

Đây là lời dạy tóm tắt và chúng ta phải rất thận trọng khi học những lời dạy tóm tắt như vậy. Ở đây, Đức Phật nói mỗi người không được quay trở lại với quá khứ có nghĩa họ không được hồi tưởng lại những kinh nghiệm quá khứ (trong đời này và những đời trước) với sự thích thú, tức là không có tham ái và tà kiến hợp với tham tức là có tôi, ta, bản ngã ở trong.

Cũng vậy Ngài dạy không ước vọng về tương lai, có nghĩa họ không được khao khát những kinh nghiệm sẽ xảy đến trong tương lai (của kiếp này hay những kiếp sống tới) với niềm vui thích, khát khao, thèm muốn.

Ở đây, Đức Phật muốn ám chỉ tới những người phàm không có trí tuệ và không hiểu biết đúng đắn Giáo Pháp về Pháp học và Pháp hành. Theo như Ngài giải thích rằng, những người như vậy không những thường chấp thủ ngũ uẩn trong quá khứ, tương lai và ngay cả ở đời hiện tại. Tại sao vậy? Bởi không được học Giáo Pháp, họ không thực hành Vipassana.

Thí dụ: Có thể có một người biết là trong kiếp quá khứ họ đã từng là Chư Thiên hay một người rất giàu có, hưởng rất nhiều dục lạc. Nếu họ thích thú về kinh nghiệm quá khứ này, nghĩ rằng “Ta đã từng là 1 vị Chư thiên nữ rất xinh đẹp trong quá khứ” thì người này không thể tiến bộ trong việc hành thiền.

Giải thích của Đức Phật về bài kệ này, Đức Phật dạy cách để không nghĩ về ngũ uẩn trong quá khứ theo cách đó. Ngài nói khi hướng về ngũ uẩn quá khứ hay tương lai chúng ta đều không được để sự thích thú sanh khởi trong tâm.

Ví dụ:

  • Nếu thấy kiếp quá khứ là một Chư thiên, họ chỉ thấy Danh và Sắc của Chư thiên ấy và hiểu rõ Danh Sắc này là Vô thường, khổ, vô ngã.

Khi giải thích về bài kệ này, Tôn giả Đại Ca Diếp có nói chúng ta nên quán sát các nội/ngoại xứ trong quá khứ với một cái tâm không bị dính mắc vào tham muốn và khát khao. Cũng như vậy, họ không hướng về nội/ngoại xứ trong tương lai với tâm mong mỏi thành tựu được những điều chưa toại nguyện, chưa đạt được trong hiện tại.

Có nghĩa trong cả hai trường hợp, Tôn giả Đại Ca Diếp đều dạy rằng: không để tâm dính mắc, thích thú sanh khởi lên.

Cả Đức Phật và Tôn giả Đại Ca Diếp đều không cấm một người hiểu về ngũ uẩn của quá khứ và tương lai bằng Tuệ Minh Sát.

Sở dĩ có sự hiểu sai lầm và không đầy đủ như vậy vì chúng ta chỉ đọc riêng bài kệ này theo chữ mà lại không đọc nó theo nghĩa được giải thích rõ ràng bởi Đức Phật và Tôn giả Đại Ca Diếp.

Khi chúng ta hiểu bài kệ đúng nghĩa, thì rõ ràng chúng ta không được truy tầm ngũ thủ uẩn trong quá khứ, hiện tại, tương lai với tâm tham ái và hiểu được ta cần phải thấy được ngũ thủ uẩn trong quá khứ và tương lai mà không để tham ái và tà kiến phát triển trong tâm.

Nói cách khác phải hiểu và quán sát ngũ thủ uẩn quá khứ, tương lai với tâm tham đã bị diệt trừ bởi chánh kiến có được nhờ Vipassana.

Một khi hiểu được điều này, ta hiểu rằng các lời dạy có vẻ khác nhau nhưng lại cùng chung ý nghĩa.

Tại sao lại cần phải hiểu về ngũ thủ uẩn trong quá khứ và tương lai? Lý do bởi vì muốn chấm dứt khổ đau, chúng ta không những hiểu về khổ - tức cái ngũ uẩn này, mà phải hiểu rõ cả nguyên nhân của khổ - đó chính là quán xét về Thập nhị duyên khởi và bây giờ chúng ta sẽ bàn về nó.

Để chấm dứt khổ đau hành giả cần biết và hiểu thấu đáo về Tứ Thánh Đế bằng Tuệ Minh Sát của mình, trong đó có Tập đế tức Thập nhị nhân duyên, vì nó cho chúng ta biết cách khổ được sinh khởi.

Khổ chính là ngũ uẩn và chúng xuất hiện ngay từ Sát na tái sanh. Ví dụ, đối với kiếp người khi Kiết sanh thức đi vào bụng người mẹ trong Sát na đầu tiên của kiếp tái sanh đồng thời Danh và Sắc cũng được hình thành.

Nhóm sắc có 3 loại: Sắc tánh, sắc trái tim, thân tịnh sắc.

Danh 34 tâm hành nếu cận tử nghiệp đời trước có yếu tố hỷ

Danh 33 tâm hành nếu cận tử nghiệp đời trước không có yếu tố hỷ

Đây chính là Sát na sanh khởi đầu tiên của ngũ uẩn trong kiếp một con người. Nó sanh khởi do những nghiệp thiện trong quá khứ: Nghiệp là nhân, thân ngũ uẩn chính là quả.

Bây giờ tôi sẽ hỏi quý vị: cái nào có trước, nhân có trước hay quả có trước?

Nhân luôn có trước và quả có sau. Vậy nếu thân ngũ uẩn này là quả, và nghiệp thiện quá khứ là nhân thì cái nào có trước?

Đó là thiện nghiệp.

Có thể chúng ta đều nhất trí về điều này.

Vậy khi hành giả ngồi thiền và muốn hiểu về nhân sinh ra ngũ uẩn và nếu nhân này xuất hiện ngay ở sát na tái sanh trong đời này, thì hành giả phải tìm nguyên nhân ở đâu bây giờ? Ở tại sát na hiện tại lúc quý vị đang ngồi Thiền, hay tại một sát na của kiếp trước.

Hãy nghe Đức Phật giảng điều này cho Tôn giả Ananda. Trong bài kinh “Maha Nidara” – Kinh Đại Duyên

Do vậy, này Ananda, như vậy là do nhân, như vậy là Duyên, như vậy là Tập khởi (tức nguyên nhân của sự sanh khởi), như vậy là nhân duyên của Thức – tức là Danh Sắc.

Này Ananda, chính vì điều trên mà con người cứ lăn trôi trong giới hạn của sanh/già/chết, rồi tiếp tục rời vào các cảnh giới và rồi lại tái sanh.

Chính vì thế mà kéo dài mãi con đường của chế định, của khái niệm, của những phạm trù hiểu biết.

Và vòng luân hồi sanh tử sẽ còn tiếp diễn mãi cho tới lúc nào trong kiếp sống, người đó có thể có Tuệ tri Thức và Danh Sắc theo lý duyên khởi.

Ở đây, Đức Phật giải thích rằng trong vòng kiếp sống này, quý vị không thể hiểu nhiều hơn được ngoài 2 mắt xích là Thức và Danh/Sắc.

Có nghĩa, trong kiếp sống này, hành giả phải có khả năng hiểu được nguyên nhân đầu tiên trong vòng duyên khởi là Vô minh và Hành – nguồn gốc dẫn đến có Kết Sanh Thức trong kiếp sống này.

Như chúng tôi vừa giải thích, nguyên nhân của Thức phải là cái có trước Thức. Vì Kết sanh thức là tâm đầu tiên trong đời sống hiện tại nên nhân của Kết sanh thức phải được tìm trong kiếp sống quá khứ vừa qua.

Giờ đây có thể quý vị có thể hiểu được những lời dạy của Đức Phật, quý vị vẫn không thể thấy và biết về Thập nhị Duyên Khởi bằng tri thức trừ khi quý vị đã thấu đáo về những kiếp sống quá khứ và tương lai.

Và xin quý vị đừng nên nghĩ rằng mình có thể hiểu được dựa trên những điều nghe, nói hay suy luận.

Không thể đủ được nếu chỉ hành Thiền rồi nghĩ rằng “Tôi biết rằng ngũ uẩn này là quả của nghiệp quá khứ”. Vì điều này chỉ dựa vào lời nói của người khác mà thôi. Nó không phải là cách mà các bậc Thánh, với thấy trước của mình đã xuyên thấu Tập Thánh Đế.

Các ngài hiểu biết rõ ràng và sâu sắc điều này, như thấy rõ viên ngọc trong tay mình vậy.

Xin đừng quên những lời dạy sau của Đức Phật.

Pháp mà ta chứng ngộ được thật vô cùng thâm sâu, khó có thể thấy và hiểu được, an tịnh và vi diệu, nó không thể nào thành tựu được chỉ bằng suy luận, mà chỉ có thể được tuệ tri bởi những bậc trí tuệ.

Quý vị không thể đoạn tận khổ đau bằng cách thực hành Vipassana trên đối tượng Tục Đế (sự thật hình thành do khái niệm và chế định).

Vipassana đúng đắn chỉ lấy đối tượng Chân đế mà thôi. Cho nên, nếu nhân của ngũ uẩn ở trong kiếp quá khứ, thì hành giả không thể xuyên thấu và biết rõ được nhân này trong kiếp hiện tại được mà phải biết nó trong kiếp quá khứ.

Và điều này là sự thật.

Nếu quý vị muốn diệt khổ, quý vị phải biết Thập nhị Duyên Khởi bằng Thắng Trí (trí tuệ thù thắng có được nhờ chứng nghiệm)

Vì có Vô minh, Hành sanh khởi

Vì có Hành nên Thức sanh khởi

Vì có Thức sanh khởi nên Danh sắc sanh khởi

.

Hành đây là nghiệp cũ trong quá khứ, có nguồn gốc từ vô minh trong quá khứ.

Thức và Danh Sắc chính là sự sanh khởi của ngũ uẩn. Cũng như vậy quý vị cần thấy quá trình tương tự diễn ra trong những kiếp tương lai, và quý vị biết cách chấm dứt hay làm dừng lại tiến trình này trong tương lai.

Quý vị cần thấy và biết về ngũ uẩn quá khứ, hiện tại, tương lai bằng Thắng Trí của mình và nó chính là đối tượng của Tuệ Minh Sát

Không quán xét được Danh Sắc quá khứ, hiện tại, tương lai thì quý vị không thể thấy được sự sinh khởi, hoại diệt của các nhân và các quả; không thể quán tam tướng Vô thường, Khổ, Vô ngã của các nhân quả này.

Nếu không thể làm những điều này, đồng nghĩa quý vị không thể chấm dứt được tái sanh và không làm được những điều cần phải làm trong kiếp sống này.

Hãy nghe giải thích trong Thanh Tịnh Đạo:

Không có ai dù trong mơ có thể thoát khỏi vòng luân hồi sanh tử đáng khiếp sợ này, cái đã từng hủy diệt con người như một tiếng sét, trừ phi khi người ấy dùng kiếm trí tuệ được mài sắc bén trên phiến đá định, siêu phàm, vững chắc và thâm sâu, để Bánh xe của Vòng luân hồi không còn chỗ đứng. Nhưng điều này khó có thể thành tựu do quá nhiều pha trộn của các pháp môn.

Đây là điều được giảng dạy bởi Đức Thế Tôn.

Sau đó Thanh Tịnh Đạo trích dẫn lời Đức Phật dạy trong Kinh “Maha Dinana” hay Kinh “Đại Duyên”: Này Ananda, giáo Pháp Duyên Khởi này thâm thúy, thực sự thâm thúy. Chính vì không giác ngộ, không thâm hiểu giáo Pháp này mà chúng sanh hiện tại bị rối loạn như 1 ổ kiến, rối ren như 1 ống chỉ, giống như cỏ Murja và lau sậy, không thể nào ra khỏi Khổ xứ, ác thú, đọa xứ, sanh tử”

Xin hãy đừng quên những lời dạy này của Đức Phật. Thập nhị Duyên Khởi thật sự uyên thâm.

Nếu quý vị không thể biết về quá khứ, tương lai, quý vị không thể hiểu hay xuyên thấu được điều này.

KHÔNG BIẾT QUÁ KHỨ

Đức Phật có chỉ rõ ràng trong Kinh “Vekhanassa” giảng rõ cho du sĩ Kaccana rằng: “Này Kaccana, bất cứ 1 vị Khổ hạnh hay Bà la môn nào không biết được về quá khứ, không thể thấy được tương lai mà lại dám tuyên bố rằng “Sanh đã tận, Phạm hạnh đã thành, những điều cần làm đã làm, sau đời này không còn tái sanh đời nào nữa”. Những tuyên bố kiểu như vậy theo Giáo Pháp là hoàn toàn sai lầm”

Nếu quý vị nhớ là Đức Phật nói chúng ta cần Thắng/Biết/Quán về ngũ uẩn quá khứ/hiện tại/tương lai/trong ngoài/thô tế/cao thượng/hạ liệt/xa/gần thì sẽ không khó để hiểu được câu kinh trên.

Xin chấm dứt bài giảng của chúng tôi. Giải thích cách mà các hướng dẫn trong bản Pali có thể giúp chúng ta 1 cách chính xác đúng đắn về lời dạy của Đức Phật trong Kinh “Samma Phala”, nói về những Tuệ và Kiến của Tỳ Kheo khi họ quán sát về Tâm và Thân. Cũng như khi Đức Phật trong Kinh “Đại Niệm Xứ” có dạy Tỳ Kheo quán sát Tứ Niệm Xứ trên nội thân, ngoại thân cả nội và ngoại thân quán sát Pháp sinh, Pháp diệt, Pháp Sinh Diệt.

Không có nhận xét nào: