(Ditthivisuddhi-niddesa)
-ooOoo-
1. Ở một chương trước (Ch. XIV, đ. 32) có nói: "Vị ấy nên trước hết, tăng trưởng tri kiến bằng sự học hỏi về những gì là đất sau khi đã viên mãn hai thứ thanh tịnh là thanh tịnh giới và thanh tịnh tâm, được gọi là những gốc rễ. Về những gốc rễ này, thì thanh tịnh giới là Giới hoàn toàn thanh tịnh về cả bốn phần, tức sự chế ngự với chế ngự của giới bổn v.v... đã được đề cập chi tiết ở phần nói về Giới (Ch. I - II), Tâm thanh tịnh là tám thiền chứng cùng với định cận hành, cũng đã được bàn chi tiết trong phần mô tả Ðịnh (Ch. III đến XIII), được kể dưới mục Tâm trong bài kệ dẫn nhập. Hai thanh tịnh này cần được hiểu chi tiết như vậy.
2. Nhưng trên đây có nói (đ. 32, Ch. XIV) năm thanh tịnh gồm Kiến thanh tịnh, đoạn nghi thanh tịnh, Ðạo phi đạo tri kiến thanh tịnh, Ðạo tri kiến thanh tịnh và tri kiến thanh tịnh, được gọi là những thân cây". Ở đây, Kiến thanh tịnh là sự thấy đúng danh-sắc.
[Chú thích: Danh đây cần xem như là bốn uẩn thọ, tưởng, hành, thức thuộc cả ba bình diện (cõi), không bỏ bớt thức như trong trường hợp "Do duyên thức, co danh sắc, và không bao gồm các uẩn siêu thế tương ưng Niết bàn. - Pm. 744).
3. Một người muốn hoàn tất việc này, trước hết nếu vị ấy tu theo chỉ thừa (cỗ xe tịnh chỉ), thì hãy xuất định từ một thiền thuộc sắc hay vô sắc nào cũng được, trừ phi tưởng phi phi tưởng xứ,
[Chú thích: người khởi sự làm công việc này thường gặp khó khăn khi phân biệt hình thức hữu cao nhất, tức phi tưởng phi phi tưởng xứ"-- Pm. 744. Sở dĩ như vậy là vì tưởng giảm tới độ vị tế (xem M. iii, 28)] và vị ấy nên phân biệt theo đặc tính, nhiệm vụ, v.v... những thiền chi tầm, tứ, ... cùng các pháp tương ưng với chúng (nghĩa là thọ, tưởng, v.v... ). Khi vị ấy đã làm như vậy, tất cả các pháp ấy cần được định nghĩa là danh (nama) theo định nghĩa nghiêng về (namana), vì nó nghiêng về phía đối tượng. Nghiêng về phía một đối tượng có nghĩa rằng không có sự sanh khởi nếu không có một đối tượng hoặc có nghĩa là đặt tên cho đối tượng - Pm. 744)].
4. Rồi, cũng như một người, nhờ theo dấu một con rắn đã bắt gặp trong nhà, tìm ra được hang ổ của nó, cũng vậy, hành giả dò xét cái danh ấy, tìm cho ra sự sanh khởi của nó nương vào cái gì, và thấy rằng, nó y cứ vào sắc chất của trái tim. Sau đó, vị ấy phân biệt là "sắc" các đại chủng làm chỗ nương cho tim, và các loại sở tạo sắc khác có tứ đại làm chỗ tựa. Vị ấy định nghĩa tất cả đó là sắc (rùpa) vì nó bị quấy nhiễu (ruppana) bởi lạnh nóng. Rồi vị ấy định nghĩa vắn tắt là danh sắc cái danh có đặc tính nghiêng về, và cái sắc có đặc tính bị quấy nhiễu.
5. Nhưng một người theo quán thừa, cỗ xe trí tuệ thuần túy, hay cũng người theo chỉ thừa nói trên, phân biệt bốn đại vắn tắt và chi tiết, theo một trong nhiều cách đã nói trong chương Phân biệt Giới (Ch. XI, đ. 27). Khi các giới đã rõ rệt trong đặc tính chính xác của chúng, thì trước hết, trong trường hợp tóc do nghiệp sanh, hiện rõ mười loại sắc thuộc thân thập pháp là:bốn đại, màu, mùi, vị, thực tố, mạng và thân-tịnh-sắc. Và vì tánh thập pháp cũng hiện diện ở đấy, nên có thêm mười sắc pháp nữa (tức chín thứ trước thêm tánh thay vì thân tịnh sắc). Và vì ba nhóm 8 pháp (với thực tố thứ tám, nghĩa là 4 đại, màu, mùi, vị và thực tố) thực sanh, thời sanh và tâm sanh cũng hiện diện nên còn có 24 sắc pháp khác. Như vậy có tất cả 44 sắc pháp trong mỗi phần thuộc 24 thân phần do cả bốn nguồn gốc sanh (nghiệp, tâm, thời, thực). Còn bốn thứ: mồ hôi, nước mắt, đờm, nước mũi do thời sanh và tâm sanh, thì có 16 sắc pháp tứ hai nhóm tám (thực tố thứ tám trong mỗi nhóm). Bốn món gồm bao tử (tức đồ ăn chứa trong đó), phân, mủ, nước tiểu, do thời sanh, thì chỉ có tám sắc pháp (thực tố là thứ tám) do thời sanh mà thôi. Ðất là phương pháp, trong trường hợp 32 khía cạnh của thân thể.
6. Nhưng có mười khía cạnh khác trở nên rõ rệt khi 32 khía cạnh này đã rõ. [Chú thích: 4 khía cạnh thuộc hỏa đại: cái gì làm nóng, tiêu hủy, đốt cháy, tiêu hóa và 6 thuộc phong đại: gió (hay năng lực) di lên, gió đi xuống, gió trong bụng, gió trong ruột, gió trong tứ chi, hơi thở]. Và về những thứ này, trước hết 9 sắc pháp mạng căn (nhóm tám với thực tố thứ tám, thêm mạng), cũng trở nên rõ rệt trong cái phần hỏa do nghiệp sanh, làm tiêu hóa thực phẩm được ăn vào, v.v... Cũng rõ rệt thanh cửu pháp (nhóm tám như trên thêm âm thanh) trong cái phần phong đại do tâm sinh, là hơi thở, và 33 sắc pháp gồm mạng-cửu-pháp nghiệp sanh, và ba nhóm 8 với thực tố thứ tám, trong trường hợp mỗi phần còn lại trong tám (phần) thuộc bốn nguồn gốc sanh.
7. Khi những sở-tạo-sắc (do chấp thủ) này đã trở nên rõ rệt trong 42 cạnh nói trên nghĩa là, 32 thân phần, 4 kiểu hỏa và 6 kiểu phong), thì 60 sắc pháp khác cũng trở nên rõ rệt với thập pháp tâm-cơ hay sắc căn, và năm căn môn mỗi thứ 10: thập pháp mắt, tai, v.v... Gom tất cả lại dưới đặc tính "bị bức não", hành giả xem chúng là sắc.
8. Khi vị ấy đã phân biệt sắc như thế, thì các pháp vô sắc trở nên rõ rệt theo căn môn, nghĩa là: - 81 loại tâm thế gian gồm hai bộ năm (34-38 và 50-54 xem đồ biểu), ba loại ý giới (39, 55 và 70), và 68 ý thức giới; - và 7 tâm sở (biến hành): xúc, thọ, tưởng, tư, mạng căn (7), nhất tâm (8) và tác ý (30). Bảy tâm sở này luôn luôn câu sanh với 81 loại trên. Nhưng các loại tâm siêu thế thì không thể được biết rõ bởi một người thực hành càn tuệ hay một người thuộc chỉ thừa (cỗ xe tịnh chỉ), vì những loại tâm ấy vượt ngoài tầm họ. Gom tất cả vô sắc pháp này lại dưới đặc tính "nghiêng về", hành giả xem chúng là danh.
Ðấy là cách một thiền giả phân biệt danh-sắc một cách chi tiết, qua phương pháp phân biệt bốn đại chủng.
9. Một người khác phân biệt bằng 18 giới. Như thế nào? Ở đây, một tỷ kheo quán xét các giới như sau: "Trong người này đây là nhãn giới... đây là ý thức giới." Thay vì chấp cục thịt loang lổ với các vòng tròn đen, trắng, có bề dài bề ngang, được mắc vào lỗ con mắt với đường gân, mà thế gian gọi là "một con mắt", hành giả định nghĩa là "nhãn giới" cái phần mắt tịnh-sắc thuộc loại đã tả dưới mục các sở-tạo-sắc trong phần nói về các Uẩn. (Ch. XIV, đ. 47).
10. Nhưng vị ấy không định nghĩa là "nhãn giới" những sắc pháp còn lại gồm 53 tất cả, tức 9 câu sanh sắc là bốn đại chủng làm sở-y cho nó, màu, mùi, vị, thực tố và mạng căn; 20 sắc nghiệp sanh cũng ở đấy, là thán thập pháp và tánh thập pháp; và 24 sắc phi-chấp-thủ là ba nhóm 8 (với thực tố thứ tám) thực sanh, vân vân. Cùng phương pháp ấy áp dụng cho nhĩ giới vân vân. Nhưng trường hợp thân giới, thì những sắc pháp còn lại gồm 43 tất cả, có người nói 45, cọng thêm hai thanh cửu pháp thời sanh và tâm sanh.
11. Vậy năm tịnh sắc này cùng năm ngoại trần tương ứng, là sắc thanh hương vị xúc, làm thành 10 sắc pháp, hay mười giới trong mười tám giới. Những sắc pháp còn lại chỉ là pháp giới mà thôi.
Tâm khởi lên với con mắt làm chỗ y cứ, và tùy thuộc một sắc pháp, gọi là nhãn thức. Tương tự, với tai, v.v... . Với cách đó hai bộ năm tâm là năm thức giới, ba loại tâm (39, 55 và 70) là ý giới duy nhất; 68 loại ý thức giới là ý thức giới. Tất cả 81 tâm thế gian làm thành bảy loại thức giới; và xúc, v.v... tương ưng là pháp giới.
Vậy mười rưỡi giới là sắc và bảy rưỡi giới là danh. Ðấy là định nghĩa danh-sắc qua 18 giới.
12. Một người khác định nghĩa danh-sắc bằng 12 xứ như sau. Vị ấy định rõ "nhãn xứ" chỉ là tịnh sắc mà thôi, để ra ngoài 53 sắc pháp còn lại, theo cách đã nói về nhãn giới. Cũng thế vị ấy định nghĩa tai, mũi, lưỡi, thân là "nhĩ xứ, tỉ xứ, thiệt xứ, thân xứ" theo cách đã nói trong phần nhãn giới. Vị ấy định nghĩa năm lĩnh vực đối tượng của chúng là "sắc xứ, thanh, hương, vị, xúc xứ". Vị ấy định nghĩa bảy thức giới thuộc thế gian là "ý xứ". Xúc, v.v... tương ưng với chúng, và các sắc pháp còn lại, là "pháp xứ". Vậy mười rưỡi xứ là sắc và một rưỡi xứ là danh. Ðấy là cách thiền giả định nghĩa danh-sắc theo 12 xứ.
13. Một người khác định nghĩa danh-sắc một cách vắn tắt theo năm uẩn, như sau. Ở đây, vị tỷ kheo định nghĩa "sắc uẩn" tất cả 27 sắc sau đây, là 17 sắc pháp gồm 4 đại chủng thuộc bốn nguồn gốc sanh trong thân này, màu, mùi, vị, thực tổ phụ thuộc, năm tịnh sắc mắt tai mũi lưỡi thân, sắc chất của tâm cơ, tánh, mạng, căn, và thanh thuộc cả hai nguồn gốc sanh. Mười bảy sắc pháp này dễ hiểu vì chúng được sản sanh, và là những sắc pháp cụ thể. Và mười sắc pháp khác là thân biểu, ngữ biểu, không giới, khinh khoái, nhu nhuyến, kham nhậm, tăng trưởng, tuơng tục, lão, vô thường của sắc. Mười sắc này khó lĩnh hội vì chúng chỉ là biến hóa sắc, hạn giới sắc, chúng không được phát sinh và cũng không là những sắc cụ thể, nhưng được kể là sắc pháp vì chúng làm biến đổi sắc thái và định giới hạn cho những sắc pháp khác nhau. Như vậy, vị ấy định nghĩa 27 sắc pháp này là "sắc uẩn". Vị ấy định nghĩa thọ khởi lên theo 81 loại tâm là "thọ uẩn", tưởng tương ưng với chúng là "tưởng uẩn", hành tương ưng là "hành uẩn", và tâm là "thức uẩn".
Như vậy, bằng cách định nghĩa sắc uẩn là sắc và bốn tâm uẩn là danh hành giả định nghĩa danh-sắc nhờ năm uẩn.
5. Ðịnh Nghĩa Vắn Tắt Căn Cứ Bốn Ðại
14. Một người khác phân biệt "sắc" trong người mình một cách vắn tắt như sau: "Bất cứ loại sắc nào cũng đều gồm trong bốn đại và sở tạo sắc xuất phát từ bốn đại". (M. i, 222). Cũng vậy, vị ấy phân biệt ý xứ và một phần của pháp xứ là danh. Rồi vị ấy phân biệt danh-sắc một cách vắn tắt như sau: "Danh này, và sắc này, gọi là danh-sắc".
15. Khi phân biệt sắc theo một trong những cách trên, mà vô sắc vẫn không rõ rệt do tính chất vi tế của nó, thì hành giả không nên bỏ cuộc mà nên nhiều lần tìm hiểu, tác ý, phân biệt, và chỉ định rõ sắc mà thôi. Vì khi sắc càng được xác định, được phăng ra manh mối, càng sáng tỏ, thì các pháp vô sắc, cái có sắc ấy làm đối tượng, cũng trở nên rõ rệt.
16. Cũng như khi một người đưa mắt tìm bóng mặt mình trong một tấm gương dơ nhưng không thấy được, thì anh ta không vì vậy mà quăng bỏ tấm gương soi, trái lại y đánh bóng tấm gương nhiều lần, và khi ấy cái bóng tự nhiện hiện rõ khi gương đã sạch. Hoặc như người làm dầu mè, đổ mè vào chảo tẩm ướt, ép một hai lần mà không thấy dầu chảy ra, thì người ấy không quẳng bỏ bột mè, mà tẩm thêm nước nóng rồi vắt, ép, và khi làm thế, chất dầu trong sẽ xuất hiện. Cũng vậy, vị tỷ kheo không nên bỏ cuộc, mà nên tiếp tục nhiều lần tìm hiểu, tác ý, phân biệt để định rõ sắc.
17. Vì khi sắc càng trở nên xác định, càng được phăng ra manh mối, càng rõ rệt đối với hành giả, thì những cấu uế chướng ngại sẽ lắng xuống, tâm trở thành trong suốt như nước đã lắng bùn, các vô sắc pháp có sắc kia làm đối tượng sẽ tự nhiên rõ rệt. Và ý nghĩa này cũng có thể làm sáng tỏ bằng những ví dụ khác, như sự ép mía, tra khảo tội nhân, luyện trâu bò, đánh ván sữa để làm bơ...
Ba Cách Làm Cho Vô Sắc Pháp Hiện Rõ
Khi hành giả đã hoàn tất sự phân biệt sắc, thì các vô sắc pháp trở nên rõ rệt qua một trong ba phương tiện là xúc, thọ và thức. Như thế nào?
19.1.a. Khi vị ấy phân biệt boná giới theo cách: "Ðịa giới có đặc tính cứng" (Ch. XI, 93), xúc trở nên rõ rệt cho vị ấy kể như chặng đầu. Rồi thọ tương ưng là hành uẩn, tư và xúc tương ưng là hành uẩn, và thức tương ưng là thức uẩn.
b. Cũng vậy, khi hành giả phân biệt như sau: "Trong tóc, chính địa giới có tánh cứng... Trong hơi thở vô-ra, địa giới có tánh cứng." (Ch. XI, 31), xúc trở nên rỏ rệt kể như chặng đầu, rồi thọ tương ưng là thọ uẩn, tưởng... thức tương ưng là thức uẩn.
Ðấy là cách làm vô sắc pháp trở nên rõ rệt nhờ xúc.
20.2.a. Với một người khác phân biệt bốn đại chủng theo cách: "Ðịa giới có đặc tánh cứng", thọ có địa giới ấy làm đối tượng, và cảm nhận kích thích của nó (vấn đề dễ chịu, v.v... ), trở nên rõ rệt là thọ uẩn, tưởng tương ưng là tưởng uẩn, xúc và tư tương ưng là hành uẩn, và thức tương ưng là thức uẩn.
b. Cũng vậy, với một người phân biệt chúng như sau: "Trong tóc, chính địa giới có đặc tánh cứng"... Trong hơi thở vô-ra, chính địa giới có đặc tánh cứng", thọ có địa giới ấy làm đối tượng và cảm nhận kích thích của địa giới trở nên rõ rệt là thọ uẩn, và thức tương là thức uẩn.
Ðấy là cách vô sắc pháp trở nên rõ rệt qua thọ.
21.3.a. Với một người khác phân biệt bốn đại chủng như sau: "Ðịa giới có đặc tánh cứng", cái thức nhận ra đối tượng trở nên hiển nhiên là thức uẩn, thọ tương ưng là thọ uẩn, tưởng tương ưng là tưởng uẩn, xúc và tư tương ưng là hành uẩn.
b. Cũng vậy với người phân biệt chúng như sau: "Trong tóc, chính địa đại có tánh cứng... Trong hơi thở vô ra, chính đại có tánh cứng", nhận thức ra đối tượng trở nên hiển nhiên là thức uẩn... xúc và tư tương ưng là hành uẩn, thức tương ưng là thức uẩn.
Ðấy là vô sắc trở nên rõ rệt thức.
22. Trong cách phân biệt sắc thành 42 khía cạnh khởi từ tóc (xem đoạn 6), hoặc phân biệt theo cách vừa kể, hoặc theo phương pháp: "Trong tóc do nghiệp sanh, chính địa giới có tánh cứng", cũng như trong cách phân biệt sắc thành mắt, v.v... (18 giới), nhờ bốn đại chủng trong mỗi món, sự giải thích cần thực hiện bằng cách vạch ra tất cả những khác nhau trong mỗi phương pháp.
23. Chỉ khi nào hành giả đã hoàn toàn nắm vững sự phân biệt sắc theo cách ấy, vô sắc mới hiện rõ ở ba khía cạnh. Bởi thế, vị ấy chỉ nên bắt tay vào công việc phân định vô sắc khi đã hoàn tất về phân biệt sắc pháp, không cách nào khác hơn. Nếu vị ấy rời bỏ phân biệt sắc khi mới chỉ một hai sắc pháp hiện rõ, để khởi sự phân biệt vô sắc, thì vị ấy sẽ rơi khỏi đề mục thiền, như con bò cái đã nói ở phần mô tả biến xứ đất (Ch. IV, 130). Nhưng nếu hành giả khởi sự phân biệt vô sắc sau khi đã hoàn toàn bảo đảm về phân biệt sắc, thì đề mục thiền sẽ đi đến chỗ thành tựu, tăng trưởng, viên mãn.
Không Có Con Người Ở Ngoài Danh Sắc
24. Hành giả phân biệt bốn vô sắc uẩn đã trở nên rõ rệt qua xúc, v.v... là danh, và đối tượng của chúng, tức bốn đại và sắc do bốn đại tạo, là sắc. Vậy, như người dùng dao mở hộp, như người tách một trái cau làm đôi, vị ấy phân biệt tất cả pháp thuộc ba cõi: 18 giới, 12 xứ, năm uẩn theo hai đường là danh và sắc, và kết luận rằng ngoài danh-sắc, không co ùmột cái gì gọi là cái ngã, hay con người, chư thiên hay Phạm thiên.
25. Sau khi phân biệt danh-sắc theo thật tánh của nó như vậy, hành giả, để từ bỏ quan niệm thế tục về ngã, nhân một cách triệt để, để vượt qua tình trạng mê mờ về chúng sanh, và để an lập tâm trên bình diện không mê mờ, hành giả kkểm lại cho chắc ăn, rằng ý nghĩa "chỉ có danh-sắc, không có ngã, nhân" quả có được kinh điển xác chứng. Vì điều này đã được nói trong kinh Tương ưng:
Như bộ phận quy tụ
Tên "xe" được nói lên
Cũng vậy, uẩn quy tụ
Thông tục gọi "chúng sanh" - (S. i, 135)
26. Lại nữa, điều này được nói: "Cũng như khi một khoảng không gian được bao bọc bằng gỗ, dây leo, cỏ, đất sét, thì có ra danh từ "nhà", cũng thế, khi một khoảng không gian được vây kín bằng xương, gân, thịt, da, thì có ra danh từ "sắc" (M. i, 190)
27. Lại có nói;
Chỉ có Khổ sanh
Khổ tồn tại, Khổ diệt
Ngoài Khổ, không gì sanh
Ngoài Khổ, không gì diệt. (S. i, 135)
28. Như vậy, trong nhiều trăm bản kinh, chỉ có danh-sắc được thuyết minh, không phải một cái ngã, một con người. Bởi thế, như khi những thành phần như trục, bánh xe, khung, dàn... được xếp đặt theo cách nào đó, thì có ra danh từ thông dụng là "xe", nhưng theo ý nghĩa tuyệt đối, khi mỗi phần tử được xem xét, thì không có "xe". Cũng vậy, khi có năm uẩn kể như đối tuợng chấp thủ, thì có ra danh từ thông dụng là "chúng sanh" "ngã", nhưng theo nghĩa tuyệt đối, khi mỗi phần tử được xét đến, thì không có một tự ngã nào làm căn cứ cho giả thuyết "tôi" hoặc "tôi là". Theo nghĩa tối hậu, chỉ có danh-sắc. Cái thấy của người thấy như vậy gọi là chánh kiến.
29. Nhưng khi một người chối bỏ cách thấy đúng này, mà cho rằng có một cái ngã hiện hữu, thì người ấy phải kết luận ngã ấy sẽ đoạn diệt, hoặc sẽ không đoạn diện. Nếu y kết luận rằng nó không đi đến đoạn diệt, thì rơi vào thường kiến. Nếu y kết luận, ngã ấy đi đến đoạn diệt, thì rơi vào đoạn kiến. Tại sao? Vì sự quyết đoán ấy loại trừ mọi biến chuyển tuần tự như sự biến chuyển của sữa thành ván sữa. Vậy người ấy hoặc bất cập, mà kết luận rằng ngã ấy là thường, hoặc thái quá, mà kết luận ngã ấy là đoạn.
30. Do đó đức Thế Tôn dạy: "Có hai loại kiến chấp, này các tỷ kheo, và khi chư thiên và loài người bị các kiến chấp ấy ám ảnh, thì một số bất cập còn một số thái quá. Chỉ có người có mắt mới trông thấy. Thế nào là bất cập? Chư thiên và nhân loại ưa thích hữu, thích thú trong hữu, ái lạc hữu... khi Pháp được giảng dạy cho chúng để chấm dứt hưũ, thì tâm chúng không thâm nhập Pháp ấy, được an lập, vững vàng, quyết định. Ðó là hạng bất cập. Và thế nào là thái quá? Một số thì hổ thẹn, chán nản, sỉ nhục vì hữu này, chúng quan tâm đến phi hữu như sau: "Chư hiền, khi nào, cùng với sự tan rã của thân này, tự ngã đoạn diệt, cắt đứt, không còn sanh lại sau khi chết, thì đấy là an lạc thù thắng, chân thật". Như thế là những người thái quá. Và thế nào là người thấy rõ với con mắt? Ở đây, một tỷ kheo thấy hữu là hữu, sau khi thấy như vậy, vị ấy đi vào đạo lộ ly tham, tịch diệt đối với hữu. Ðấy là người thấy rõ với con mắt." (Iti. 43; Ps. i, 159)
31. Bởi thế, cũng như một hình nhân là trống rỗng, không tựï ngã, không có tò mò, đi đứng chỉ nhờ gỗ và giây giật, nhưng lại có vẻ như có tò mò, quan tâm; cũng vậy, danh-sắc này trống rỗng, không ngã, không tò mò, và trong khi nó đi đứng chỉ nhờ sự phối hợp hai thứ danh và sắc, nó có vẻ như có sự tò mò, quan tâm. Ðây là cách quan sát. Do đó cổ đức nói:
Danh và sắc thực có ở đây,
Nhưng không có con người nào cả
Vì nó trống rỗng và được tạo ra như một hình nhân,
Chỉ là khổ chồng chất, như cỏ và cọng củi.
32. Và điều này cần được giải thích không chỉ bằng ví dụ hình nhân, mà còn bằng những ẩn dụ "bó lau", vân vân . Cũng như khi hai cụm lau tựa vào nhau, cụm này làm chỗ tựa vững chắc cho cụm kia, và khi cụm này đổ, thì cụm kia đổ, cũng thế trong ngũ uẩn hữu, danh sắc sanh khởi lệ thuộc lẫn nhau, phần này làm chỗ nương và củng cố cho phần kia, và khi một phần rơi xuống do cái chết, thì phần kia cũng sụp đổ. Do đó nói:
Danh và sắc sanh đôi
cái này đỡ cái kia
khi một cái tan rã
cả hai cùng tan rã
do hỗ tương duyên tánh.
33. Và cũng như khi tiếng sanh ra có chỗ y cứ là trống do dùi đánh,trống khác, không lẫn lộn; trống không tiếng, tiếng không trống, cũng thế khi tâm sanh có chổ nương là sắc được gọi là thân-sở-y, căn môn và đối tượng, thì khi ấy, danh là một sắc là một, danh, sắc không lẫn lộn với nhau, danh không có sắc, sắc không có danh. Nhưng danh (tâm) sanh do sắc, như tiếng sanh do trống. Do đó cổ đức dạy:
Năm thứ y cứ vào xúc không đến từ con mắt,
Hay từ sắc, hay một cái gì ở giữa,
Do một nguyên nhân nó sanh ra, thành hình,
Như tiếng sanh từ trống bị đánh.
Năm thứ y cứ vào xúc không đến từ lỗ tai
Hoặc từ tiếng, hoặc từ một cái ở giữa
Do một nguyên nhân...Năm thứ y cứ vào xúc không đến từ lỗ mũi
hay từ mùi, hay một cái gì ở giữa
Do một nguyên nhân
Năm thứ y cứ vào xúc không đến từ lưỡi
hay từ vị, hay cái gì ở giữa
Do một nguyên nhân...Năm thứ y cứ vào xúc không đến từ thân
hay từ xúc, hay cái gì ở giữa,
Do một nguyên nhân ...Khi được tạo thành, nó không do sắc xứ
cũng không do pháp xứ,
Do một nguyên nhân, nó sanh ra và được thành hình
cũng như tiếng xuất phát từ trống bị đánh
34. Lại nữa, danh không có quyền năng hữu hiệu, không thể tự sanh. Nó không ăn uống, nói năng, đi đứng nằm ngồi. Và sắc cũng không có năng lực hữu hiệu, không thể tự sanh, vì nó không có cái ý muốn ăn, uống, nói đi đứng nằm ngồi. Nhưng khi y cứ vào sắc thì tâm sanh, y cứ vào tâm, sắc sanh. Khi danh có ý muốn ăn, uống, nói, đi đứng nằm ngồi, thì chính sắc làm cái việc ấy.
35. Ví như một người mù từ sơ sanh, và một người què, muốn đi đến một nơi nào đó, anh mù bảo: "Này, tôi có thể làm việc bằng đôi chân, nhưng không có mắt để thấy đường". Anh què bảo: "Tôi có thể làm việc bằng con mắt, nhưng không có chân để đi." Người mù vui vẻ bảo anh què leo lên vai. Ngồi trên lưng người mù, anh què hương dẫn: "Bỏ trái, qua phải, bỏ phải, quẹo trái... "
36. Do đó nói:
Chúng không sanh do tự lực
Hay tự duy trì bằng năng lực của mình
Nhưng nhờ nương vào các pháp khác,
- những pháp cũng yếu kém, sở-tạo như chúng-
mà các pháp này sanh ra.
Chúng được sanh do duyên cái khác (y tha)
Ðược khơi dậy bởi cái khác làm đối tượng,
Chúng được phát sinh do đối tượng và duyên
Và mỗi thứ đều sanh do cái khác với nó.
Ví như người nương vào
Thuyền bè để vượt biển,
Cũng vậy, danh-thân (tâm)
Cần sắc-thân để sanh;
Như thuyền lệ thuộc người
Ðể vượt qua biển lớn
Thân vật lý lệ thuộc
Thân tâm lý để sanh.
Chúng phụ thuộc lẫn nhau,
- thuyền và người đi biển,
cũng thế danh và sắc,
hai thứ lệ thuộc nhau.
37. Sự thấy đúng danh và sắc như vậy, một sự thấy đã được an lập trên sự không mê mờ do đã vượt qua ngã tưởng, sau khi phân biệt danh-sắc bằng những phương pháp nói trên, - sự thấy đúng ấy gọi là Kiến thanh tịnh, cũng gọi là phân biệt danh sắc, cũng gọi là Ðịnh giới các hành.
Chương 18 này mô tả Kiến thanh tịnh, trong Luận về tu tập Tuệ, thuộc Thanh tịnh đạo, được soạn thảo vì mục đích là hoan hỉ những người lành.
-ooOoo-
(Kankhàvitarana-Visuddhi- Niddesa)
-ooOoo-
1. Cái trí được thiết lập do vượt qua hoài nghi về ba thời bằng cách phân biệt các duyên của danh-sắc, gọi là thanh tịnh nhờ đoạn nghi.
Các Cách Phân Biệt Nhân Và Duyên
2. Vị tỷ kheo muốn viên mãn việc này, khởi sự đi tìm nhân và duyên của danh-sắc, cũng như khi lương y đứng trước một cơn bệnh tìm nguyên nhân gây bệnh, hay khi người giàu lòng bi mẫn trông thấy một đứa trẻ nằm trên đường, phải tự hỏi cha mẹ nó là ai.
Không Do Một Ðấng Tạo Hóa Sanh, Cũng Không Phải Vô Nhân
3. Ðể bắt đầu, người ấy xét như sau: "Trước hết, danh-sắc này không phải vô nhân, vì nếu vô nhân thì kết quả sẽ là danh-sắc giống nhau ở khắp nơi, vào mọi thời. Nó không có một Sáng tạo chủ, vì không hiện hữu một Sáng tạo chủ, v.v... (xem Ch.XVI, 85) ngự trị trên danh-sắc. Nếu người ta biện luận rằng danh-sắc chính nó là sáng tạo chủ v.v... của nó, thì kết quả là cái danh-sắc ấy, mà họ xem là Sáng tạo chủ, chính nó sẽ là thành vô nhân. Do vậy, phải có nhân và duyên cho danh sắc. Ðó là những gì?
4. Sau khi hướng sự chú ý đến nhân và duyên của danh-sắc, hành giả trước hết phân biệt nhân và duyên của cái thân vật lý (sắc) như sau: "Khi thân này sanh ra, nó không phải sanh ra trong một bông sen, bóng sáng màu xanh, đỏ hay trắng v.v... hay trong một kho ngọc ngà châu báu nào cả, trái lại, như một con dòi sanh trong cá thối, thây thối, bột thối, trong rãnh nước dơ, trong hố phân. Nó được sanh ra ở giữa bọc chứa thức ăn chưa tiêu và bọc chứa thức ăn đã tiêu, ở đằng sau màng bụng, trước xương sống, vây quanh bởi lòng và ruột, trong một chỗ hôi hám, ghê tởm buồn nôn như thế. Khi được sanh ra kiểu ấy, nhân của nó là bốn thứ: vô minh, ái, thủ và nghiệp. Vì chính những thứ này làm ra sự sanh của thân xác. Và thức ăn là duyên của nó, vì chính thực phẩm củng cố thân xác. Như vậy, có năm món làm nên nhân và duyên cho sắc thân. Và trong năm thứ này, thì ba thứ vô minh, ái, thủ là nhân - y duyên cho thân, như bà mẹ đối với hài nhi, và nghiệp sanh ra nó, như cha đối với đứa bé, thực phẩm bảo trì nó, như vú nuôi đối với trẻ.
Sự Sanh Ra Của Nó Luôn Luôn Có Ðiều Kiện
5. Sau khi phân biệt duyên của sắc thân như vậy, hành giả lại phân biệt danh-thân (tâm) như sau; "Do con mắt và sắc, nhãn thức sanh". (S. ii, 72) Khi hành giả đã thấy rằng sự sanh khởi của danh-sắc là do nhiều duyên hay điều kiện thì cũng thấy rằng, trong hiện tại đã vậy, thì trong quá khứ và tương lai cũng vậy, danh-sắc sanh do nhiều duyên.
6. Khi hành giả thấy vậy, tất cả nghi hoặc được rũ bỏ. Ðó là năm mối nghi về quá khứ như: "Trong quá khứ ta có mặt? hay không có mặt? Ta là gì trong quá khứ? Ta như thế nào trong quá khứ? Ta đã là cái gì sau khi là gì, trong quá khứ?"
Và năm nghi hoặc về tương lai như sau: " Trong tương lai ta có mặt? hay không có mặt? Ta sẽ là gì trong tương lai? Ta sẽ như thế nào trong tương lai? Sau khi là gì, ta sẽ là gì trong tương lai?" Và sáu loại nghi hoặc về hiện tại như sau: "Hiện tại ta có mặt? Hay không có mặt? Hiện tại ta là gì? Ta như thế nào trong hiện tại? Từ đâu tự ngã này đi đến? Tự ngã này sẽ đi về đâu?" (M. i, 8)
7. Một người khác thấy có hai thứ duyên cho danh, là chung (tổng), và không chung cho tất cả (biệt); và bốn duyên cho sắc là nghiệp, tâm, thời tiết, đồ ăn.
8. Duyên cho danh có hai, chung và riêng. Sáu căn và sáu trần là duyên chung cho danh, vì tất cả loại tâm thiện, bất thiện đều sanh do duyên ấy. Nhưng tác ý v.v... thì không chung cho tất cả, vì như lý tác ý, nghe diệu pháp v.v... chỉ là duyên cho thiện tâm, trong khi những loại ngược lại, là duyên cho bất thiện. Nghiệp v.v... là duyên cho dị thục danh, và hữu phần v.v... là duyên cho tâm duy tác.
9. Nghiệp, tâm, thời tiết, đồ ăn là duyên cho sắc sanh khởi đầu bởi nghiệp. Ở đây chỉ khi nghiệp đã trở thành quá khứ mới là duyên cho sắc do nghiệp, tâm là duyên khi nó đang sanh, cho sắc do tâm sanh. Thời tiết và thức ăn là duyên trong trú thời của chúng cho sắc do thời tiết và đồ ăn sanh. Ðây là cách phân biệt duyên của danh-sắc.
10. Khi vị ấy đã thấy danh-sắc do duyên sanh như vậy, vị ấy cũng thấy luôn rằng, như hiện tại, trong quá khứ danh sắc cũng do duyên sanh, và trong vị lai, sự sanh của danh sắc cũng do duyên. Khi thấy như vậy, sự nghi hoặc của vị ấy về ba thời được đoạn trừ như đã nói.
11. Một người khác, khi thấy rằng các hành gọi là danh sắc đi đến già, và các hành đã già, tan rã, vị ấy phân biệt các duyên của danh sắc bằng lý duyên sinh ngược chiều như sau: Ðây là già chết của các hành, già chết này có mặt khi có sự sanh ra, sanh có mặt khi hữu có mặt, hữu có mặt khi thủ có mặt, thủ có mặt khi ái có mặt, ái có mặt khi thọ có mặt. Thọ có mặt khi xúc có mặt, xúc có mặt khi thức có mặt, thức có mặt khi hành có mặt, và hành có mặt khi vô minh có mặt. Khi ấy, sự hoài nghi của hành giả được từ bỏ theo cách đã nói.
12. Một người khác phân biệt duyên của danh sắc bằng duyên khởi theo chiều thuận như đã nói (Ch.XVII, 29), như sau: "Vô minh duyên hành, v.v... " Khi ấy nghi hoặc của vị ấy được đoạn trừ theo cách đã nói.
13. Một người khác phân biệt các duyên của danh sắc bằng vòng nghiệp và nghiệp báo như sau: "Trong nghiệp hữu đời trước, có vọng tưởng, tức vô minh, có tích lũy, tức hành, có bám víu, tức ái, có ôm giữ, tức thủ, có ý hành, tức hữu; như vậy năm món này trong nghiệp hữu quá khứ là duyên cho kiết sanh ở đây trong đời hiện tại.
Trong hiện tại, có kiết sanh, là thức, có nhập thai, là danh sắc, có tịnh sắc là sáu xứ, có cái được chạm, là xúc, có cái được cảm giác, là thọ. Như vậy năm món này trong sanh hữu hiện tại có duyên của chúng trong nghiệp đã làm thuộc đời quá khứ.
Trong hiện tại, với sự thuần thục các căn, có vọng tưởng, tức vô minh, có tích lũy, tức hành, có bám víu, tức ái, có ôm giữ, tức thủ, có ý dục, tức hữu, như vậy, năm món này ở đây trong nghiệp hữu hiện tại là duyên cho kiết sanh trong tương lai.
Trong tương lai, có kiết sanh là thức, có nhập thai là danh sắc, có tịnh sắc là sáu xứ, có cái được chạm là xúc, có cái được cảm là thọ; như vậy năm món này trong sanh hữu vị lai có duyên của chúng là nghiệp đã làm trong hữu hiện tại". (Ps.i, 52)
14. Ở đây, nghiệp có bốn: Nghiệp có quả báo được cảm thọ ngay bây giờ, được cảm quả lúc ái sanh, được cảm quả trong một đời mai hậu, và nghiệp không có báo (hiện báo, sanh báo, hậu báo và vô báo).
Trong những thứ ấy, (1) tư tâm sở hoặc thiện hoặc bất thiện thuộc tốc hành tâm đầu tiên, trong bảy tốc hành tâm thuộc một lộ trình tâm duy nhất, gọi là nghiệp hiện báo, nó cho quả báo ngay trong cùng một "ngã tánh" ấy. Nhưng nếu nó không cho quả báo như vậy, thì gọi là (4) nghiệp không có báo (ahoskiamma). (2) tư tâm sở thuộc tốc hành tâm thứ bảy hoàn tất mục tiêu nó, gọi là nghiệp sanh báo, bởi nó cho quả báo trong ngã tánh kế tiếp. Nếu không có quả báo, thì gọi là nghiệp không báo như trên (3) tự tâm sở ở tốc hành thứ năm gọi là nghiệp hậu báo, nó cho quả báo trong tương lai khi có dịp. Và cho dù vòng tái sanh có tiếp tục dài bao lâu đi nữa, nó cũng không bao giờ trở thành vô báo.
15. Một cách phân loại khác về bốn loại nghiệp: cực trọng nghiệp, thường nghiệp, cận tử nghiệp và tích lũy nghiệp.
[Chú thích: cực trọng nghiệp là nghiệp bất thiện rất đáng trách, hoặc thiện nghiệp rất manh, thường nghiệp là những gì được làm theo thói quen, và lặp lại nhiều lần. Cận tử nghiệp là những gì được nhớ lại một cách sống động vào lúc lâm chung. Ðiều muốn nói là, cái được làm vào lúc chết không thành vấn đề. Cực trọng nghiệp chín mùi trước hết, nên nó được gọi như vậy. Khi cực trọng nghiệp không có, thì những gì được làm nhiều lần, sẽ chia. Khi nghiệp này cũng không có, thì cận tử nghiệp. Khi cận tử nghiệp cũng không, thì nghiệp làm từ những đời trước, gọi là tích lũy nghiệp chín mùi. Và ba thứ nghiệp sau này khi sanh có thể mạnh hay yếu. Ðôi khi vì nhiều lý do, quả báo của một loại nghiệp này có thể triển han hoặc thay thế bằng quả báo của một nghiệp khác. Ðây là phạm vi thấy biết của Như lai về nghiệp.]
Ở đây, (5) khi có một nghiệp cực trọng và không cực trọng thì nghiệp nặng hơn trong hai thứ hoặc thiện hoặc bất thiện, hoặc nghiệp giết mẹ, hay nghiệp thuộc cảnh giới cao, chiếm ưu thế trong khi chín mùi. (6) Cũng vậy khi có nghiệp thường và không thường, thì nghiệp thường xuyên hơn sẽ thắng lướt, dù thiện hay ác, chín mùi trước (7). Cận tử nghiệp là nghiệp được nhớ lại vào lúc sắp chết. Vì khi một người gần chết có thể nhớ lại lúc sắp chết. Vì khi một người gần chết có thể nhớ lại nghiệp, thì nó tái sanh tùy theo đó. (8) Nghiệp không thuộc ba loại trên mà thường làm, thì gọi là tích lũy nghiệp. Nghiệp này đem lại kiết sanh khi những nghiệp kia không có.
16. Một cách phân loại nghiệp nữa là sanh nghiệp, trì nghiệp, chướng nghiệp và đoạn nghiệp.
Ở đây, (9) sanh nghiệp vừa là thiện và bất thiện. Nó phát sinh các uẩn sắc, vô sắc ở kiết sanh cũng như trong một đời. (10) Trì nghiệp không thể phát sinh quả báo, nhưng khi quả báo đã được phát sanh trong tư lương của một kiết sanh bởi một nghiệp khác, thì trì nghiệp có tác dụng củng cố lạc hoặc khổ đã khởi lên và làm nó kéo dài. (11) Và khi quả báo đã được phát sanh bởi nghiệp khác trong tư lương của kiết sanh, thì chướng nghiệp làm trở ngại, ngăn cản lạc hay khổ đã khởi lên, không để nó kéo dài. (12) Ðoạn nghiệp vừa thiện vừa bất thiện, nó nhổ gốc nghiệp khác yếu hơn, ngăn chanä quả báo của nghiệp này, và đoạt mất cơ hội của nghiệp này để đem lại quả báo riêng nó. Nhưng khi cơ hội đã được cung cấp bởi nghiệp khác ấy, thì chính quả báo của đoạn nghiệp này được gọi là sanh khởi.
17. Chuỗi liên tục nghiệp và quả báo trong 12 loại nghiệp ấy chỉ hiện rõ trong bản chất thật của bó với tri kiến của chư Phật về nghiệp và báo. Tri kiến ấy không ấy có thể được rõ biết một phần bởûi một người thực hành tuệ quán. Vì lý do đó sự giải thích về nghiệp sai khác này chỉ nêu lên những đề mục.
Ðấy là cách phân biệt danh sắc bằng vòng nghiệp và nghiệp báo, áp dụng cách phân biệt 12 phần này cho vòng nghiệp.
18. Khi hành giả đã thấy như vậy nhờ vòng nghiệp và nghiệp-báo, rằng danh sắc sanh do một duyên, vị ấy thấy luôn rằng hiện tại đã vậy, thì quá khứ và tương lai cũng vậy, danh sắc sanh là do duyên cái vòng nghiệp và nghiệp báo. Ðây là nghiệp và nghiệp báo, vòng nghiệp và vòng nghiệp báo, sự sanh khởi của nghiệp, và sự sanh khởi của báo, sự tương tục của nghiệp và tương tục của báo, hành động và kết quả hành động.
Nghiệp báo diễn tiến từ nghiệp.
Quả báo có nghiệp là nguồn gốc
Hữu trong tương lai phát xuất từ nghiệp
Ðây là cách thế gian luân chuyển
19. Khi thấy rõ như vậy, hành giả bỏ được tất cả nghi hoặc, tức 16 nghi nói ở đoạn 6.
Không Có Người Làm Chỉ Có Nghiệp Và Báo.
Trong tất cả loại hữu sanh, thú, thức trú và hữu tình cư, chỉ có danh sắc xuất hiện, sanh bằng sự liên kết nhân-quả, hành giả không thấy có người làm ở ngoài động tác. Không có con người cảm thọ quả báo ở ngoài sự sanh quả báo. Nhưng vị ấy thấy với trí tuệ chân chánh rằng bậc trí nói "người làm" khi có sự làm và "người cảm thọ" khi có cảm thọ, chỉ là nói tùy thuận thế tục. Do đó cổ đức nói:
20.
Không có người làm nghiệp
cũng không người gặt quả báo
Chỉ có hiện tượng trôi chảy
thấy khác thế là không đúngVà khi nghiệp và báo
duy trì vòng quay theo nhân duyên
như hột và cây tiếp nối lẫn nhau
người ta không thể chỉ ra khởi thủy
trong vòng sinh tử ở tương lai
cũng không thể nói là chúng không sanhVì không biết được điều này,
mà ngoại đạo không đạt tự chủ,
chúng chấp có tự ngã
Thấy nó là thường hoặc đoạn,
Chấp thủ 62 tà kiến
Chủ trương trái ngược lẫn nhau
Dòng khát ái cuốn trôi phăng chúng
Bị vướng trong lưới kiến chấp của mình,
Và khi bị cuốn theo dòng như thế,
Chúng không thoát khỏi khổ đauMột tỷ kheo đệ tử Phật
Khi đã thắng trí điều này,
Có thể thâm nhập duyên sanh
Trống rỗng, sâu xa và vi tế.
Không có nghiệp trong báo
cũng không có báo trong nghiệp
mặc dù chúng "không" lẫn nhau,
nhưng không có quả nếu không có nghiệp.Như lửa không hiện hữu
trong mặt trời, ngọc, phân bò
mà cũng ở ngoài chúng,
nhưng được phát sinh nhờ những yếu tố này.Cũng vậy quả không thể thấy
ở trong nghiệp hay ngoài nghiệp
nghiệp cũng không tồn tại
trong quả nó đã phát sinh
Nghiệp trống rỗng quả,
Quả cũng chưa có trong nghiệp,
Nhưng quả được sanh từ nghiệp,
hoàn toàn phụ thuộc vào đấy.Vì ở đây không có Phạm thiên,
sáng tạo chủ của vòng tái sanh,
chỉ có những hiện tượng tuôn chảy,
do nhân duyên và các duyên khác.
Biết Thấu Ðáo Cái Ðược Biết ( Sở Tri)
21. Khi hành giả đã phân biệt các duyên của danh sắc bằng vòng luân chuyển nghiệp và nghiệp báo, và đã từ bỏ nghi hoặc về ba thời, thì các pháp quá khứ, vị lai và hiện tại, được vị ấy hiểu rõ phù hợp với sự chết và kiết sanh. Ðó là sự "biết rõ cái được biết" của vị ấy. (xem Ch. XX, 3)
22. Vị ấy hiểu rằng: "Các uẩn đã sanh trong quá khứ do duyên nghiệp, đã chấm dứt tại đấy, nhưng các uẩn khác cũng đã được sanh ra trong hữu này, với nghiệp quá khứ làm duyên, mặc dù không có một vật gì đi từ hữu quá khứ đến hữu hiện tại. Và các uẩn sanh trong đời này do nghiệp làm duyên, sẽ chấm dứt, và trong tương lai các uẩn khác sẽ được sanh, mặc dù không một pháp nào sẽ đi từ hữu hiện tại đến hữu vị lai.
Lại nữa, như khi sự tụng đọc từ miệng vị thầy không đi vào miệng người học trò, nhưng không vì vậy mà sự tụng đọc không xảy ra ở miệng người học; hay khi nước phép do một người thay mặt (proxy) uống vào, không xuống bao tử của người bệnh, nhưng không vì vậy mà không chữa được bệnh; hoặc như khi đồ trang sức không đi vào cái bóng phản chiếu trong gương, nhưng không vì vậy mà chúng không xuất hiện trong gương; hay như ngọn đèn không di chuyển từ cái tim bấc này qua tim bấc khác nhưng không vì vậy mà không mồi được ngọn khác... Cũng vậy, không có gì di chuyển từ hữu quá khứ đến hũu hiện tại, hay từ đời hiện tại đến đời vị lai, nhưng uẩn xứ và giới vẫn sanh ở đây (đời này) với uẩn xứ giới trong quá khứ làm duyên, hoặc sanh trong tương lai với uẩn xứ giới hiện tại làm duyên.
23.
Cũng như nhãn thức kế tiếp theo sau ý giới,
nhãn thức này mặc dù không xuất phát từ ý giới,
vẫn không khỏi được sanh ra sau đó.Cũng vậy, trong kiết sanh,
dòng tâm tương tục xảy ra,
tâm trước chấm dứt
tâm sau liền sanh
giữa hai cái không có khoảng cách
không có khe hở giữa hai tâm
Mặc dù không có gì qua lại
mà kiết sanh vẫn xảy đến
24. Khi tất cả pháp đều được vị ấy hiểu phù hợp với chết và kiết sanh như vậy, thì trí phân biệt các duyên của danh sắc trở nên minh mẫn trong mọi phương diện và 16 loại nghi càng được từ bỏ một cách dứt khoát hơn. Và không những thế mà thôi, vị ấy còn bỏ được tâm loại hoài nghi về đấng đạo sư, v.v... (A. iii, 248) và bỏ được 62 tà kiến (D. i)
25. Trí được an lập nhờ vượt qua hoài nghi về ba thời do phân biệt các duyên của danh sắc theo nhiều phương pháp khác nhau, gọi là đoạn nghi thanh tịnh hay còn gọi là trí biết tương quan các pháp, hay chánh tri và chánh kiến.
26. Vì điều này được nói: "Tuệ phân biệt các duyên như sau: "Vô minh là duyên, hành là pháp do duyên sanh, và cả hai duyên sinh", tuệ ấy gọi là trí biết tương quan nhân quả giữa các pháp". (Ps. i, 501) và "Khi vị ấy tác ý vô thường, thì những pháp gì được vị ấy thấy đúng, biết đúng? Làm thế nào là có chánh kiến? Thế nào suy từ đó, các hành được thấy rõ là vô thường? Ở đâu hoài nghi được từ bỏ? Khi vị ấy tác ý khổ... Khi vị ấy tác ý vô ngã, thì những pháp nào được vị ấy thấy đúng, biết đúng?... Ở đâu hoài nghi được từ bỏ?
"Khi tác ý vô thường, vị ấy thấy đúng, biết đúng tướng. Do đó mà chánh kiến được nói đến. Như vậy, suy từ đó, tất cả các hành được thấy rõ là vô thường. Ở đây hoài nghi được từ bỏ. Khi vị ấy tác ý khổ, thì thấy đúng và biết đúng sự sanh khởi. Do đó mà chánh kiến được nói đến... Khi vị ấy tác ý vô ngã, thì thấy biết đúng tướng và đó, tất cả pháp được thấy rõ là vô ngã. Ở đây, hoài nghi được từ bỏ.
"Thấy đúng và biết đúng và đoạn nghi những sự kiện này văn nghĩa đều khác, hay khác văn đồng nghĩa? Thấy đúng và biết đúng và đoạn nghi, những thứ này là một về ý nghĩa, chỉ khác về văn". (Ps. ii, 62)
27. Khi một người tu tuệ đã đạt đến trí này, tức đã tìm được an lạc trong giáo lý Phật, đã thấy một chỗ đặt chân, đã chắc chắn về số phận mình, vị ấy được gọi là một bậc dự lưu.
Vậy, một tỷ kheo hãy vượt qua hoài nghi
rồi luôn luôn chánh niệm,
hay phân biệt duyên
của danh và sắc một cách rốt ráo.
Chương XIX này "Ðoạn nghi thanh tịnh" trong luận về Tuệ tu tập, thuộc luận Thanh tịnh đạo, được soạn thảo để làm hoan hỉ những người hiền thiện.
-ooOoo-
Chương XX (a)
Ðạo Phi Ðạo Tri Kiến Thanh Tịnh
(Maggàmagga - Nanadassana - Visuddhi - Niddesa)
-ooOoo-
1. Trí được lập nhờ biết đạo và phi đạo như sau: "Ðây là đạo, đây là phi đạo", gọi là "Thanh tịnh nhờ đạo phi đạo tri kiến".
2. Một người muốn hoàn tất việc này trước hết cần chuyên chú về tuệ quy nạp gọi là "hiểu biết bằng nhóm". Tại sao? Vì đạo phi đạo tri kiến xuất hiện liên kết với sự xuất hiện của bào quang (obhàsa), v.v... (xem Ch. XX, 105) nơi một người bắt đầu có tuệ. Vì chính sau khi ánh sáng, v.v... xuất hiện nơi người bắt đầu có tuệ, mà đạo phi đạo tri kiến xuất hiện. Và sự hiểu theo nhóm là khởi đầu của tuệ, do đó nó được kể kế tiếp đoạn nghi. Ngoài ra, đạo phi đạo tri kiến sanh khi sự thấu hiểu hoàn toàn, gọi là suy đạt phát sanh, và suy đạt này đến kế tiếp sự hiểu biết trọn vẹn cái được biết. Vậy đấy là lý do tại sao một người muốn thanh tịnh nhờ đạo phi đạo tri kiến, trước hết phải chuyên chú vào sự tìm hiểu theo nhóm.
3. Sau đây là sự trình bày. Có ba loại tuệ thế gian, là tuệ kể như sở-tri, tuệ kể như suy đạt, và tuệ kể như từ bỏ. Về điểm này đã được nói như sau: "Tuệ kể như thắng trí (direct-knowledge) là trí theo nghĩa sở tri. Tuệ kể như liễu tri, là trí theo nghĩa suy đạt. Tuệ kể như từ bỏ là trí theo nghĩa xả ly". (Ps. i, 87)
Ở đây, tuệ phát sinh do quan sát biệt tướng các pháp như sau: "Sắc có đặc tính bị bức não, thọ có đặc tánh bị cảm nhận", gọi là tuệ sở tri. Tuệ kể như sự thấy rõ tổng tướng, phát sinh khi gán tổng tướng cho những pháp sở tri như "Sắc là vô thường, thọ là vô thường", thì gọi là tuệ suy đạt. Tuệ lấy các đặc tính (tổng tướng) ấy làm đối tượng, phát sinh kể như sự từ bỏ thường tưởng v.v... nơi các pháp ấy, gọi là tuệ từ bỏ.
4. Ở đây, loại tuệ thứ nhất gồm từ Ðịnh giới các hành (Ch. XVIII) cho đến phân biệt duyên (Ch. XIX), vì trong khoảng này sự thâm nhập biệt tướng các pháp chiếm ưu thế. Bình diện loại tuệ thứ hai (suy đạt) gồm từ sự hiểu theo nhóm đến trí quán sanh diệt (Ch. XXI, đ.3) vì trong giai đoạn này, sự thâm nhập tổng tướng chiếm ưu thế. Bình diện tuệ thứ ba (từ bỏ) gồm từ sự quán tan rã trở đi (Ch. XXI, 10), vì từ đấy trở đi, bảy lối quán để từ bỏ thường tưởng v.v... chiếm ưu thế như sau: "(1) Quán các hành vô thường, vị ấy từ bỏ thường tưởng. (2) Quán các hành là khổ, vị ấy từ bỏ lạc tưởng. (3) Quán chúng là vô ngã, vị ấy từ bỏ ngã tưởng. (4) Quán vô dục, vị ấy từ bỏ thích thú. (5) Quán ly tham vị ấy từ bỏ tham. (6) Quán diệt, vị ấy từ bỏ sanh. (7) Quán xả ly, vị ấy từ bỏ chấp thủ. (Ps.i, 58)
[Chú thích: "quán vô thường" là quán các hành ở khía cạnh vô thường. "Thường tưởng" là cái tưởng sai lạc rằng chúng trường tồn bất diệt. Các loại tâm tương ưng tà kiến cần xem là bao gồm dưới mục "tưởng". "Quán vô dục" là thấy các hành với thái độ vô dục nhờ quán vô thường vân vân. "Thích thú" là tham câu hữu với hỉ. "Quán ly tham" là quán cách nào để cho tham (ràga) đối với các hành không sanh, khiến cho lòng tham phai nhạt (vinaffana). "Quán diệt" là quán thế nào để các hành chỉ có diệt mà không sanh trở lại trong tương lai qua một hữu mới. "Quán từ bỏ" là nhờ cách này mà vị ấy không còn chấp thủ các hành; hay vị ấy từ bỏ xem chúng là thường lạc, v.v... - Pm. 780]
5. Như vậy trong ba loại tuệ này thiền giả chỉ mới đạt được thứ tuệ kể như sở tri, hai loại kia còn phải chứng. Do vậy mà trên đây nói rằng "Ngoài ra, đạo phi đạo tri kiến khởi lên khi tuệ kể như suy đạt sanh", và tuệ suy đạt thì đến kế tiếp trí biết sở tri. Ðấy là lý do một người muốn hoàn tất sự thanh tịnh nhờ đạo phi đạo tri kiến, trước hết cần phải chú tâm vào việc tìm hiểu theo nhóm.
6. Kinh văn: "Thế nào tuệ phân biệt các pháp quá khứ, vị lai và hiện tại bằng cách tổng hợp, là trí tổng tướng?
"Bất cứ sắc nào quá khứ vị lai hiện tại, nội hay ngoại, thô hay tế, hạ liệt hay thù thắng, xa hay gần, hành giả định rõ tất cả sắc ấy là vô thường: đây là một loại tổng tướng. Vị ấy định rõ nó là khổ: Ðây là một loại tổng tướng. Vị ấy định rõ nó vô ngã. Ðây là một loại tổng tướng. Bất cứ thọ nào... bất cứ tưởng nào... bất cứ hành nào... bất cứ thức nào, vị ấy định rõ nó là vô thường, vô ngã: đây là một loại tổng tướng."
7. Tuệ phân biệt tổng tướng như sau; "Sắc quá khứ, vị lai hay hiện tại, là vô thường vì hoại diệt, là khổ vì đáng khủng khiếp, là vô ngã vì không có lõi", đó là trí tổng tướng". Tuệ phân biệt tổng tướng như "Thọ... thức... . con mắt... Già chết, quá khứ hiện tại vị lai... (như trên): đây là trí tổng tướng.
"Tuệ phân biệt tổng tướng như sau: "Sắc quá khứ hiện tại vị lai là vô thường, duyên sanh, bị hoại diệt, rơi rụng, chấm dứt: đó là trí tổng tướng. Tuệ phân biệt thọ tưởng hành thức, mắt,... già chết, qki hiện tại vị lai là vô thường, hữu vi, duyên sanh, hoại diệt, rơi rụng, chấm dứt, là trí tổng tướng.
8. Tuệ phân biệt "Do duyên sanh, có già chết, nếu không có sanh làm duyên, thì không có già chết, đó là trí tổng tướng. Tuệ phân biệt: "Trong quá khứ, trong tương lai, do duyên sanh nên có già chết, nếu không có sanh làm duyên thì không có già chết, đó là trí tổng tướng. Tuệ phân biệt: "Do duyên hữu có sanh... Do duyên vô minh có hành, không có vô minh làm duyên, thì không có hành, đó là trí tổng tướng. Tuệ phân biệt: "Trong quá khứ, vị lai, do duyên vô minh mới có hành, nếu không có vô minh làm duyên thì không có hành, đó là trí tổng tướng.
"Trí là nói theo nghĩa cái được biết, còn tuệ là theo nghĩa hành vi hiểu biết. Do đó Patisambhidà nói; "Tuệ phân biệt các pháp quá khứ vị lai hiện tại bằng phương pháp quy nạp, là trí tổng tướng". (Ps. i, 53).
9. Sự nói vắn tắt trên đây "mắt, v.v... già chết" cần xem là đại biểu cho những pháp kể dưới:
1. Các pháp sanh ở các cửa tâm, cùng căn môn và đối tượng | 13. Sáu giới |
2. Năm uẩn | 14. Mưới biến xứ (Kasina); |
3. Sáu căn 15. | 15. 32 khía cạnh của thân xác; |
4. Sáu trần 16. | 16. 12 xứ; |
5. Sáu thức 17. | 17. 18 giới; |
6. Sáu xúc 18. | 18. 22 căn; |
7. Sáu thọ 19 . | 19. ba giới; |
8. Sáu tưởng | 20. 9 hữu; |
9. Sáu tư | 21. 4 thiền; |
10. Sáu ái | 22. bốn vô lượng; |
11. Sáu tầm | 23. bốn vô sắc; |
12. Sáu tứ | 24. 12 nhân duyên |
10. Vì điều này được nói trong Patisambhidà, trong phần mô tả về những pháp cần phải thắng tri: "Này các tỷ kheo, những gì cần được thắng tri? Ðó là:
(1). Mắt, sắc, nhãn thức,... nhãn xúc... thọ do nhãn xúc sanh gồm ba loại lạc, khổ, không lạc không khổ, là những pháp cần được thắng tri.
11.
(2). Sắc thọ tưởng hành thức.
(3). Mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý.
(4). Sắc thanh hương vị xúc và ảnh tượng trong tâm (pháp).
(5). Nhãn thức, nhĩ thức, tỉ thức, thiẹät thức, thân thức, ý thức.
(6). Nhãn xúc cho đến ý xúc.
(7). Thọ (cảm giác) do nhãn xúc,... ý xúc sanh.
(8). Tưởng về sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp.
(9). Sáu loại hành (tư) về sắc, thanh... pháp. [Chú thích: khác với sáu tưởng, vì ở đây các đối tượng tự động sanh khởi trong tâm, như vọng tưởng trong lúc ngồi yên.]
(10). Sáu ái đối với sắc, thanh...
(11). Tâm tư duy về sáu đối tượng.
(12). Tứ (tư duy sâu xa) về sáu đối tượng.
(13). Ðịa giới, thủy giới, hỏa giới, phong giới, không giới, thức giới.
(14). Biến xứ đất nước lửa v.v...
(15). Tóc lông... nước tiểu.
(16). Nhãn xứ... pháp xứ.
(17). Nhãn giới... ý thức giới.
(18). Nhãn căn... cụ tri căn.
(19). Dục giới, sắc giới, vô sắc giới.
(20). Dục hữu, sắc hữu, vô sắc hữu, tưởng hữu, vô tưởng hữu, phi tưởng phi phi tưởng hữu, hữu mọät uẩn, bốn uẩn và năm uẩn.
(21). Sơ thiền, nhị, tam, tứ thiền.
(22). Từ tâm giải thoát, Bi, Hỉ, Xả tâm giải thoát.
(23). Không vô biên xứ, Thức vô biên xứ, Vô sở hữu xứ, Phi tưởng phi phi tưởng xứ định.
(24). Vô minh phải được thắng tri,... già chết phải được thắng tri." (Ps. i, 5)
12. Vì tất cả chi tiết này đã được đề cập nên ở đây chỉ nói lược. Nhưng những gì nói lược bao gồm các tâm siêu thế. Ở giai đoạn này các pháp siêu thế chưa nên bàn tới, vì không thể lĩnh hội được. Về những gì có thể lĩnh hội được, ta nên khởi đầu bằng những pháp nào rõ rệt nhất và dễ phân biệt đối với hành giả.
Hiểu Theo Nhóm - Áp Dụng Kinh Văn
13. Ðây là áp dụng những chỉ dẫn đề cập các uẩn: "Bất cứ sắc nào, (1-3:) quá khứ, hiện tại hay vị lai, (4-5:) nội hay ngoại, (6-7:) thô hay tế, (8-9:) hạ liệt hay thù thắng, (10-11:) xa hay gần, vị ấy định rõ tất cả sắc là vô thường: đây là một tổng tướng. Vị ấy định rõ nó là khổ: đây là một tổng tướng. Vị ấy định rõ nó là khổ: đây là một tổng tướng. Vị ấy định rõ nó là vô ngã: đây là một tổng tướng." (đ. 6) Ở điểm này, vị tỷ kheo gom tất cả sắêc được mô tả không tách riêng loại nào, bằng danh từ "bất cứ", và sau khi định giới hạn các sắc theo 11 trường hợp như trên, vị ấy định rõ "tất cả sắc là vô thường". Vô thường như thế nào?
14. Ðó là "Tất cả sắc quá khứ vị lai hay hiện tại, đều vô thường, theo nghĩa hoại diệt" vì nó đã bị hủy diệt trong quá khứ, không đi đến hữu này. Và sắc vị lai là vô thường theo nghĩa hoại diệt, vì nó được sanh trong hữu kế tiếp và cũng hủy diệt, không đi đến một hữu sau đó. Sắc hiện tại là vô thường theo nghĩa hoại diệt, vì nó bị hủy diệt ở đây và không đi vị ấy hơn, Và vị ấy quán nội sắc là vô thường theo nghĩa hoại diệt, vì nó bị hủy diệt kể như nội sắc, không đi đến tình trạng ngoại sắc. Vị ấy quán ngoại sắc... thô... tế... xa... gần... hạ liệt... thù thắng... là vô thường theo nghĩa hoại diệt" vì nó bị hủy diệt ở đấy, không đi tới trạng thái khác. Do vậy, theo cách này, có một loại tổng tướng, nhưng phân tích thành 11 kiểu.
15. Và tất cả sắc ấy là khổ theo nghĩa khủng khiếp. Khủng khiếp, vì cái gì vô thường thì đem lại nỗi sợ hãi, như nó làm chư thiên hoảng sợ trong kinh Sihopanna. Như vậy, sắc còn là khổ theo nghĩa khủng khiếp. Do đó, còn có một loại tổng tướng theo cách này, nhưng phân tích thành 11 khía cạnh.
16. Và không những tất cả sắc là khổ, mà còn là "vô ngã", theo nghĩa không có một trung tâm nào của nó được thấy là một cái ngã, người trú, người làm, người cảm thọ, chủ nhân ông, vì cái gì vô thường là khổ, không thể thoát khỏi tính vô thường, sinh diệt, bức bách, bởi thế làm sao có thể có một trạng thái của người làm, v.v... ? Do vậy mà nói: "Này các tỷ kheo, nếu sắc là ngã, thì nó đã không đem lại đau buồn." (S. iii, 66) Vậy, sắc còn là vô ngã theo nghĩa không có lõi hay trung tâm. Như vậy còn một loại tổng tướng theo cách này, phân tích thành 11 kiểu.
Phương pháp tương tự cũng áp dụng cho thọ, v.v...
17. Nhưng cái gì vô thường đương nhiên được xếp vào loại hữu vi, v.v... bởi thế, để nêu lên những tiếng đồng nghĩa với vô thường, để chứng tỏ sự tác ý vô thường được làm theo những các khác nhau, nên kinh văn lại nói: "Sắc, dù thuộc quá khứ vị lai hay hiện tại, đều vô thường, hữu vi, duyên sinh, phải hoại diệt, phải rơi rụng, phải tàn tạ, phải chấm dứt." Phương pháp tương tự cũng áp dụng cho thọ, v.v...
Tăng Cường Cách Hiểu Vô Thường v.v... Theo 40 Kiểu
18. Khi đức Thế Tôn giảng trí thuận thử (anuloma), ngài đặt câu hỏi: "Do 40 khía cạnh nào mà vị ấy đạt được sự ưa thích trí thuận thứ? Bằng 40 khía cạnh nào, vị ấy thể nhập chánh tánh quyết định?
[Chú thích: "Liking that is in conformity" là một sự ưa thích đối với trí thuận thứ (thích hợp với sự) chứng đạo. Bản thân trí ấy gọi là nhẫn (khanti) vì nó kham nhẫn (khamati), nó chịu khó phân tích, đi sâu vào sự tánh của đối tượng. "Chánh tánh quyết định - the certainty of rightness - là Thánh đạo, vì thánh đạo gọi là chánh khởi từ chánh kiến, và còn gọi là quyết định tánh, vì không thể đảo ngược.]
Ðể trả lời, ngài đã đưa ra sự hiểu vô thường, v.v... một cách phân tích như sau: "Thấy 5 uẩn là vô thường khổ, như bệnh, cục bướu, như mũi tên, mối họa, sầu, xa lạ, phân hóa, cơn dịch, tai ương, khủng bố, đe dọa, phù duyên, khả hoại, không bền, vô hộ, không chỗ trú, không chỗ nương, trống rỗng, vô vị, không, vô ngã, nguy hiểm, bị biến đổi, không có tâm điểm, (lõi), gốc rễ của tai ương, sát nhân, phải đi đến đoạn diệt, hữu lậu, hữu vi, mồi của ma, phải bị sanh, già, bệnh, chết, sầu, bi, ưu não, bị cấu uế. Thấy năm uẩn là vô thường, vị ấy có được sự ưa thích thuận thứ. Và khi thấy rằng sự chấm dứt năm uẩn là Niết bàn thường trú, vị ấy thể nhập chánh tánh quyết định". (Ps. ii, 238) Vậy để tăng cường sự thấu hiểu vô thường khổ ngã trong năm uẩn, thiền giả còn phải quán năm uẩn theo cách trên.
19. Vị ấy làm việc này như thế nào? Bằng cách quán vô thường, v.v... được nói chi tiết như sau vị ấy quán mỗi uẩn là vô thường vì nó không phải vô tận, nó có bắt đầu và kết thúc, là khổ vì bị bức bách bởi sanh diệt, và là căn cứ cho khổ; là bệnh vì phải được các duyên duy trì, và là gốc của bệnh tật: là ung nhọt phát sinh do sự châm chích của khổ, sôi sục với cấu uế của phiền não, sưng lên vì sanh, chín mùi vì già, vỡ tung vì tán hoại. Nó như mũi tên vì tạo ra sự bức ép, vì đâm sâu vào trong vì khó nhổ. Nó như tai họa vì dáng quy lỗi cho nó, vì nó gây thiệt hại, và vì nó là căn cứ cho tai họa. Nó là sầu não vì nó hạn chế tự do, và là nền tảng của tai ương. Nó xa lạ vì không thể nào làm chủ được nó, và vì tính cách bất trị (intractability) của nó. Nó tan rã vì sụp đổ với già, bệnh, chết. Nó như cơn dịch vì đem lại đủ thứ phá sản. Nó như ương ách vì mang lại nhiều đối thủ vô hình, và là căn cứ cho mọi ương ách. Nó là khủng bố vì là kho chứa mọi thứ kinh hoàng, và vì nó ngược lại niềm an lạc tối thượng gọi là sự tịnh chỉ mọi đau khổ. Nó đe dọa vì gắn liền với đủ thứ đối nghịch, vì nó bị đe dọa bởi đủ thứ bệnh, và vì nó không đáng được đón mời. Nó phù du vì không bảo đảm trước già, bệnh, chết, và những pháp thế gian như lợi, suy, hủy, dự, vinh, nhục, khổ, vui. Nó khả hoại vì bản chất là bị hoại diệt tự nhiên hay do bạo lực. Nó không bền vì có thể sụm bất cứ vào dịp bào, và vì thiếu vững chắc. Nó vô hộ vì không được che chở, thiếu an ninh. Nó không nơi trú ẩn vì không thể làm chỗ trú cho người cần chỗ trú; không thể nương vì không làm tiêu tan sợ hãi nơi người nào lệ thuộc vào nó; trống rỗng vì không thường, lạc, ngã tịnh như người ta tưởng, nó vô vị do tính chất rỗng ấy; hoặc do tính chất tầm thường của nó, vì thế gian gọi cái gì tầm thường là vô vị; nó là không vì không có chủ, người trú, người làm, người cảm thọ, người dẫn đạo. Nó vô ngã vì không sở hữu chủ, nó nguy hiểm vì nỗi khổ trong quá trình hữu, và nguy hiểm trong sự khổ, hoặc, nó nguy hiểm vì giống như khổ, tiến về sự khổ; nó biến đổi vì biến đổi theo hai cách, già và chết. Nó không có lõi vì yếu ớt, sớm tàn. Nó như gốc rễ mọi tai ách vì là nhân của tai ách. Nó sát nhân vì làm hỏng niềm tin, như kẻ thù giả bộ thân thiện; nó phải bị đoạn diệt vì hữu biến mất, phi hữu hiện ra. Nó hữu lậu vì là nhân gần của lậu hoặc, hữu vi vì do nhân và duyên; mồi của ma vì là mồi ngọn cho ma chết và ma phiền não; nó bị sanh, già, bệnh, chết, vì bản chất nó là như vậy; chịu sầu, bi, não vì là nhân cho sầu bi não; bị cấu uế vì là môi trường hoạt động cho các cấu uế như tham, tà kiến, tà hạnh.
20. Bây giờ, có 50 loại quán vô thường ở đây, bằng cách lấy 10 loại sau trong trường hợp mỗi uẩn: quán vô thường, tan rã, phù duyên, khả hoại, không bền, bị biến đổi, không có lõi, phải đoạn diệt, hữu vi, phải chết. Có 25 loại quán vô ngã bằng cách theo 5 pháp sau đây trong trường hợp mỗi uẩn: xa lạ, trống rỗng, vô vị, không, vô ngã. Có 125 loại quán khổ, bằng cách lấy 25 pháp còn lại nhân cho mỗi uẩn.
Như vậy, khi một người quán 5 uẩn là vô thường... theo 200 khía cạnh trên, thì sự hiểu thấu vô thường, khổ, vô ngã của vị ấy được tăng cường. Ðấy là những chỉ dẫn để quán cho phù hợp với kinh điển.
Chín Cách Làm Cho Căn Bén Nhạy
21. Trong khi chuyên chú vào tuệ quy nạp như vậy, nếu không thành công, hành giả nên mài giũa các căn (tín, v.v... ) theo chín cách là: 1. Chỉ thấy hoại diệt các hành đã sanh. 2. Bảo đảm đã làm việc ấy một cách cẩn thận. 3. Một cách kiên trì. 4. Một cách thích đáng. 5. Thấy được định tướng. 6. Làm quân bình các giác chi. 7. Không kể thân mạng. 8. Vượt qua khổ nhờ từ bỏ. 9. Nhờ không dừng lại nửa chừng. Hành giả nên tránh bảy điều không thích đáng đã nói ở phần Mô ta biến xứ Ðất (Chương IV, 55) và đào luyện bảy điều thích hợp, và nên quán sắc vào thời này, vô sắc vào thời khác.
22. Trong khi quán sắc, hành giả nên tìm hiểu sắc sanh như thế nào, nghĩa là thế nào sắc do bốn nhân: nghiệp, tâm, thời tiết, đồ ăn mà được sanh ra. Khi sắc được sanh ở một hữu tình, trước hết nó sanh do nghiệp. Vì vào lúc kiết sanh thực sự của một hài nhi trong thai, 30 loại sắc đầu tiên được sanh theo ba tương tục, đó là các thập pháp tâm-cơ (tim), thân và tánh; và ba thập pháp này sanh vào sát-na kiết sanh thức thực sự khởi lên. Và cũng như vào lúc sanh, lúc trú và diệt cũng vậy.
23. Ở đây sự diệt của sắc chậm chạp và biến đổi nặng nề, trong khi sự diệt của tâm thì nhanh chóng và biến đổi nhẹ nhàng. Do vậy Kinh nói: "Này các tỷ kheo, ta không thấy một pháp nào chuyển biến mau lẹ như tâm." (A. i, 10)
24. Vì tâm hữu phần khởi và diệt 16 lần, trong khi một sắc pháp còn tồn tại. Với tâm, thì ba thời: sanh, trú diệt, bằng nhau, trong khi với sắc thì chỉ có thời sanh và thời diệt là mau lẹ như tâm, còn thời gian trú của nó kéo dài cho đến 16 sát-na tâm (tức 16 lần sanh diệt của tâm).
25. Hữu phần thứ hai khởi lên với tâm cơ sanh trước đấy làm điểm tựa (tâm cơ này đã đạt đến trú vị, và khởi lên vào thời "sanh" của kiết sanh thức). Hữõu phần thứ ba khởi lên với sắc căn (hay tâm cơ) tiền sanh làm chỗ y cứ, sắc căn này đã đạt đến trú vị và nó sanh cùng với hữu phần tâm thứ hai. Sự sanh khởi của tâm thức xảy ra theo cách ấy suốt cả đời. Nhưng nơi một người đối diện cái chết, thì có 16 tâm sanh, chỉ nương vào một sắc căn (tâm cơ) tiền sanh duy nhất trong khi sắc này đã đạt đến trú vị.
26. Sắc sanh vào thời "sanh" của kiết sanh thức cũng diệt theo tâm sát-na thứ 16 sau kiết sanh thức. Sắc sanh vào trú thời của kiết sanh thức diệt, cùng lúc với tâm thứ 17 sanh. Sắc sanh vào thời "diệt" của kiết sanh thức cũng diệt khi tâm thứ 17 đạt đến trú thời của nó. Nó cứ tiếp diễn như vậy bao lâu dòng sinh tử còn tiếp diễn. Lại nữa, có 70 sắc pháp sanh cùng một cách ấy với bảy tương tục, khởi từ thập pháp mắt của loài hóa sanh.
27. Sự phân tích cần hiểu như sau: (1) nghiệp, (2) cái do nghiệp sanh, (3) cái có nghiệp làm duyên, (4) do tâm sanh, nhưng có nghiệp làm duyên, (5) do đồ ăn sanh, nghiệp làm duyên, (6) do thời tiết sanh, có nghiệp làm duyên. (Ch. XV, 111-115).
28. Ở đây,
(1) nghiệp là thiện và bất thiện tư tâm sở.
(2) do nghiệp sanh là các uẩn dị thục và 70 sắc kể từ mắt thập pháp.
(3) do nghiệp làm duyên giống như (2), vì nghiệp là thân y duyên cho cái nghiệp sanh.
29.
(4) do tâm sanh, có nghiệp làm duyên là sắc sanh bởi nghiệp dị thục tâm.
(5) do đồ ăn sanh, nghiệp làm duyên sở dĩ gọi thế là vì thực tố đạt đến trú thời trong các sắc do nghiệp sanh, lại sanh ra một nhóm tám khác, với thực tố thứ tám, và thực tố ở đây đã đạt đến trú thời lại sanh ra một nhóm 8 khác nữa, như vậy nó liên kết 4 hay 5 sự sanh khởi của nhóm 8 pháp.
(6) do thời sanh, nghiệp làm duyên, gọi như vậy là vì hỏa đại nghiệp sanh, khi đã đạt trú-vị, lại sanh ra một nhóm 8 với thực tố thứ tám, vốn do thời tiết sanh, và nhiệt độ trong đó lại sinh thêm một nhóm 8 khác, với thực tố thứ tám. Và như vậy nó liên kết 4 hay 5 sự sanh khởi các nhóm 8.
Ðấy là sự sanh của sắc do nghiệp sanh.
30. Về các loại do tâm sanh, sự phân tích cần hiểu như sau: (1) tâm, (2) do tâm sanh, (3) do duyên tâm, (4) do thực phẩm, có tâm làm duyên, (5) thời sanh, có tâm làm duyên.
31.
(1) Tâm là 89 loại tâm. Trong đó:
ba mươi hai tâm,
hăm sáu và mười chín
được kể là sanh ra sắc,
các uy nghi và thân biểu;
được xem là không sanh cái gì cả.
Về 32 tâm dục giới, tức 8 thiện tâm (1-8), 12 bất thiện (22-33), 10 tâm duy tác ý trừ giới (71-80), và hai duy tác và thiện tâm thuộc thắng trí, sanh ra sắc, uy nghi và thân biểu. 26 tâm tức 10 sắc giới tâm (9-13), (81-85) và tám tâm vô sắc giới (14-17), (86-89), loại trừ tâm dị thục trong cả hai trường hợp, và tám tâm siêu thế (18-21), (66-69), sanh ra sắc, uy nghi, nhưng không sanh thân biểu. 19 tâm gồm 10 hữu phần tâm ở dục giới (41-49), (56), năm tâm sắc giới (57-61), ba ý giới (39, 55, 70), và một dị thục ý thức giới vô nhân câu hữu với hỉ (40), chỉ sanh sắc, không sanh uy nghi hay biểu. Mười sáu loại, tức hai bộ năm tâm (34-38), (50-54) kiết sanh thức của tất cả chúng sanh, tử tâm của những vị đã diệt lậu hoặc, và bốn tâm dị thục thuộc vô sắc giới (62-65) không sanh sắc, uy nghi hay biểu. Và những tâm nào trong đây mà có sanh sắc, thì không sanh vào thời trú hay diệt, bởi vì tâm lúc đó yếu, nhưng nó mạnh vào thời sanh, nó chỉ sanh sắc vào lúc ấy, với tiền sanh sắc-căn làm chỗ y cứ.
32.
(2) Do tâm sanh là ba vô sắc uẩn kia, và sắc gồm 17 thứ là thanh cửu pháp, thân biểu, ngữ biểu, hư không giới, khinh khoái, nhu nhuyến, kham nhậm, tăng trưởng và tương tục.
(3) Do tâm làm duyên là sắc sanh từ 4 duyên như nói: "Các âm và tâm sở hậu sanh là duyên hậu-sanh cho cái thân tiền sanh này". (Ptn1, 5)
33.
(4) Do đồ ăn sanh, tâm làm duyên thực tố đã đạt trú vị trong các sắc do tâm sanh, sanh thêm một nhóm 8 khác nữa với thực tố thứ tám. Như vậy nối liền hai ba sự sanh của nhóm 8.
34.
(5) Do thời sanh, tâm làm duyên: thời tiết do tâm sanh đã đạt đến trú vị, lại sanh thêm một nhóm 8 nữa với thực tố thứ tám, và như vậy nối liền hai ba "sanh". Ðó là cách sanh của sắc do tâm sanh.
35. Cũng vậy, về các loại do đồ ăn sanh, cần phân tích như sau: (1) Ðoàn thực, (2) do đoàn thực sanh, (3) do duyên đoàn thực, (4) do đoàn thực sanh và do duyên đoàn thức, (5) do thời sanh, đoàn thực làm duyên.
36.
(1) Ðoàn thực là thức ăn vật chất.
(2) Do đoàn thực sanh là 14 sắc, tức nhóm 8 với thực tố thứ tám, được sanh do thực tố đã đạt trú vị nhờ duyên cái sắc hữu chấp do nghiệp sanh, y cứ vào đó; cọng thêm không giới, khinh khoái, nhu nhuyến, kham nhậm, tăng trưởng và tương tục.
[Chú thích: Nhờ duyên cái sắc hữu chấp thủ do nghiệp sanh nghĩa là thực tố phi-chấp-thủ bên ngoài không làm nhiệm vụ nuôi dưỡng sắc. Và "y cứ vào đó", nghĩa là sở dĩ nó có được một duyên và nhờ nó được nâng đỡ bởi sắc nghiệp sanh. Và "hữu chấp thủ" được đặc biệt nói để loại trừ nghi vấn "có một phương pháp nghiệp sanh", một phương pháp sanh ra loại sắc do tâm sanh có nghiệp làm duyên. Chỉ vì sắc ấy tình cờ có gốc ở nghiệp, chứ không có phương pháp nào như thế].
(3) Do đoàn thực làm duyên là sắc do 4 duyên sanh ra, như sau: "Ðoàn thực là một duyên, kể như thực duyên, cho thân này." (Ptn1, 5)
37.
(4) Do đoàn thực sanh, có đoàn thực làm duyên: thực tố đã đạt đến trú vị trong sắc do đoàn thực sanh, lại sanh thêm một nhóm 8 với thực tố thứ tám, và thực tố trong nhóm này lại sanh ra một nhóm 8 khác, liên kết các nhóm 8 sanh như vậy mười hoặc 12 lần. Thực phẩm ăn trong 1 ngày có thể duy trì sự sống bảy ngày. Nhưng thực tố của chư thiên thì có thể duy trì đến một hai tháng. Thức ăn do người mẹ ăn sanh ra sắc bằng cách thâm vào cơ thể hài nhi trong thai. Cũng vậy thức ăn bôi trên thân cũng sanh ra sắc. Ðoàn thực tố do nghiệp sanh là một tên chỉ đoàn thực hữu chấp thủ. Nó cũng sanh sắc khi đạt đến ưu vị. Và thực tố trong nó sanh ra một nhóm 8 khác. Như vậy, các nhóm 8 nối nhau sanh bốn năm lần.
38.
(5) Do thời tiết sanh, có đoàn thực làm duyên: hỏa giới do đoàn thực sanh đã đạt đến trú vị, lại sanh ra một nhóm 8 với thực tố thứ tám được sanh do thời tiết như vậy. Ở đây, đoàn thực là một duyên cho các sắc thực-sanh, đoàn thực là cái sanh ra sắc này. Ðối với những pháp còn lại, thì đoàn thực là duyên y chỉ, thực duyên, hữu duyên, và bất ly khứ duyên.
Ðấy là cách sanh của sắc do đoàn thực sanh, cần được hiểu.
39. Lại nữa, về các loại sắc do thời tiết sanh, sự phân tích như sau. (1) thời tiết, (2) do thời sanh, (3) có thời tiết làm duyên, (4) do thời sanh, có thời làm duyên, (5) do đoàn thực sanh, có thời làm duyên.
40. (1) "Thời tiết" ở đây là hỏa dai do bốn nguồn gốc sanh, nhưng có hai thứ thời tiết nóng và lạnh. (2) "do thời sanh" nghĩa là thời tiết [Chú thích: thân-nhiệt] thuộc 4 nguồn gốc sanh, mà đã đạt đến trú vị do duyên hữu chấp trú sanh ra trong sắc căn. Sắc này có 15 khía cạnh là thanh cửu pháp, hư không giới, khinh khoái, như nhuyến, kham nhậm, tăng trưởng, tương tục. (3) "Sắc có thời tiết làm duyên": thời tiết là một duyên cho sự sanh, diệt của sắc do bốn nguồn gốc sanh.
41. (4) Do thời sanh, thời làm duyên: Hỏa giới do thời sanh đã đạt trú vị, lại sanh thêm một nhóm tám với thực tố thứ tám, và thời tiết trong nhóm ấy sanh ra một nhóm 8 khác. Như vậy sắc thời sanh vừa tiếp tục sanh khởi một thời gian dài, vừa tự duy trì nó trong cái phi-chấp-thủ [Chú thích: cái phi chấp tủ là tóc lông móng răng da, những chỗ chai trên da, v.v... tách rời khỏi thịt trong một cơ thể đang sống].
42. (5) do đoàn thực sanh, có thời tiết làm duyên: thực tố thời sanh đã đạt trú vị lại sanh thêm một nhóm 8 với thực tố thứ tám, và thực tố trong nhóm này lại sanh thêm một nhóm 8 khác, nối tiếp như thế 10 hay 12 lần sinh các nhóm tám. Ở đây, thời tiết này là một duyên cho sắc do thời sanh, kể như chánh nhân. Với các sắc còn lại, thời tiết là y chỉ duyên, hữu duyên, và bất ly khứ duyên. Ðấy là cách sanh sắc do thời tiết sanh. Người thấy được sự sanh của sắc như vậy gọi là "hiểu rõ" trọn vẹn một lúc (xem đ.21)
[Chú thích: Khi đã thấy sự sanh khởi của sắc thì thấy luôn sựï tan rã của nó, nên gọi "trọn vẹn một lần", bởi tính chất ngắn ngủi của các pháp. Không phải chỉ thấy sự sanh khởi mà còn thấy cả sanh và diệt, mới gọi là hiểu rõ. Sự sanh của thọ, tưởng, hành, thức cũng vậy. -- Pm. 795]
44. Trong quá trình một hiện hữu, nhãn thức cùng các pháp tương ưng, được nâng đỡ bởi ánh sáng và do tác ý làm nhân, được sanh bởi vì con mắt còn nguyên vẹn vì đối tượng đã đi vào nhãn giới. Vì thực sự khi một sắc pháp đã đạt đến trú vị, nó mới tác động lên con mắt vào lúc có mặt của tịnh sắc mắt. Khi nó tác động như vậy, hữu phần khởi diệt hai lần, kế tiếp là duy tác ý giới với cùng một đối tượng, hoàn tất nhiệm vụ tác ý. Kế tiếp là nhãn thức hậu quả của thiện hay bất thiện nghiệp, thấy cùng một sắc pháp đó. Kế tiếp dị thục vô nhân ý thức giới suy đạt sắc pháp đó. Kế tiếp, duy tác vô nhân ý thức giới câu hữu xả, xác định sắc pháp đó. Kế tiếp, nó được sanh với tư cách một trong tám thiện tâm (1-8), hoặc 12 bất thiện tâm (22-33), hoặc duy tác (71, 73, 80) thuộc dục giới, hoặc một tâm vô nhân câu hữu xả (71), hoặc 5 hay 7 tốc hành tâm. Kế tiếp, trong trường hợp chúng sinh dục giới, nó được sanh kể như bất cứ loại nào trong 11 tâm đồng sở duyên cùng một đối tượng với những tốc hành tâm. Tương tự, với những căn môn còn lại. Nhưng trong trường hợp ý môn, các tâm đại hành cũng khởi lên. Ðây là cách vô sắc (tâm) sanh, trong trường hợp sáu môn. Một người thấy được sự sanh của vô sắc như thế, gọi là "quán vô sắc vào một thời khác" (đoạn 21).
45. Trên đây là cách làm thế nào một thiền giả hoàn tất việc tu tuệ, tuần tự, bằng cách quán sắc trước, quán vô sắc sau, gán cho chúng ba đặc tính.
Một người khác quán các hành bằng cách gán ba đặc tính cho chúng qua trung gian. Sắc bảy pháp và tâm bảy pháp.
46. Hành giả gán ba đặc tính theo bảy cách sau, gọi là quán bằng trung gian. Sắc bảy pháp, đó là: (1) lấy lên đặt xuống, (2) sự biến mất của những gì già lần qua từng giai đoạn, (3) do đoàn thực sanh, (4) do thời sanh, (5) do nghiệp sanh, (6) do tâm sanh, và (7) tự nhiên sắc.
47. (1) Lấy lên là kiết sanh, đặt xuống là chết. Như vậy, hành giả ấn định 100 năm cho sự lấy lên đặt xuống này, và gán ba đặc tính cho các hành. Như thế nào? Tất cả hành ở khoảng giữa hai giới hạn này là vô thường, vì sanh diệt, biến dịch, tạm bợ, không trường cửu. Nhưng vì các hành được sanh ra đạt đến trú vị, và khi trú, chúng bị ảnh hưởng bởi già, chúng nhất định tan rã, bởi thế, chúng là khổ vì tương tục bị bức bách, khó chịu, vì là căn để của khổ, vì loại trừ lạc. Và vì không ai làm gi được đối với các hành đã sanh, chẳng hạn, khiến chúng đừng đi đến trú, hay khiến các hành đã trú đừng già, hay khiến các hành đã già đừng chết. Tuyệt đối không một quyền năng nào có thể thi hành đối với chúng, bởi vậy chúng là vô ngã do sự trống rỗng, không sở hữu chủ, không thể chịu sự chi phối của một quyền năng, và loại trừ một tự ngã.
48. (2a) Sau khi đã gán ba đặc tính cho sắc hạn định một trăm năm cho sự lấy lên đãi xuống như vậy, kế tiếp, hành giả gán ba đặc tính theo sự biến mất của những gì già lần từng giai đoạn, chỉ cho sự biến mất của sắc già lần trong mỗi giai đoạn của đời sống. Vị ấy gán ba đặc tính bằng phương tiện ấy như sau.
49. Vị ấy chia 100 năm làm ba giai đoạn, đầu, giữa và cuối: 33 năm đầu, 34 năm giữa và 33 năm cuối. Chia thành ba giai đoạn xong, vị ấy gán ba đặc tính như sau: "Sắc sanh trong giai đoạn đầu chấm dứt tại đấy, không đi đến giai đoạn giữa, bởi thế nó là vô thường, cái gì vô thường là khổ, cái gì là khổ không phải ngã. Cũng vậy, sắc sanh ở giai đoạn giữa chấm dứt tại đất không đi đến đoạn cuối, bởi thế nó cũng vô thường, khổ, vô ngã. Cũng thế, không có sắc nào sinh trong 33 năm của giai đoạn cuối để có thể kéo dài ra khỏi cái chết, bởi thế sắc ấy cũng vô thường, khổ, vô ngã. Ðấy là cách gán ba đặc tính.
50. (2b) Sau khi gán ba đặc tính tùy theo "sự biến mất của những gì già lẫn từng giai đoạn" 33 năm, vị ấy lại gán ba đặc tính bằng phương tiệân mười thập niên như sau: thập niêm thơ ấu, thập niên thể thao, thập niên thẩm mỹ, thập niên sức mạnh, thập niên trí tuệ, thập niên suy tàn, thập niên cúi xuống, thập niên còng lưng, thập niên lẩm cẩm và thập niên nằm dài.
51. Trước tiên, mười năm đầu của một người thọ mạng 100 năm, gọi là thập niên thơ ấu, vì lúc ấy nó là một đứa trẻ chưa vững vàng. Mười năm kế tiếp gọi là thập niên thể thao, vì tuổi ấy vốn thích thể thao. Mười năm kế là thập niên thẩm mỹ vì dùng sắc con người trong giai đoạn này đạt đến tột đỉnh của nó. Mười năm kế gọi là thập niên sức mạnh, vì giai đoạn này sức mạnh và quyền năng đạt đến tối đa. Mười năm kế tiếp là thập niên trí tuệ vì giai đoạn ấy sự hiểu biết đã chín chắn. Ngay cả những người yếu kém về trí tuệ, vào tuổi này (từ 40-50 tuổi) dường như khôn ra chút đỉnh. Mười năm kế tiếp là thập niên suy tàn, vì sự ưa thích thể thao, sắc đẹp, sức khỏe và trí tuệ bắt đầu suy. Mười năm kế tiếp là thập niên cúi xuống vì con người vào tuổi này ưa cúi về trước. Mười năm kế tiếp là thập niên còng lưng, vì dáng người tuổi này cong như một cái cày. Mười năm kế tiếp là thập niên lẩm cẩm hay nói lảm nhảm và lẩn. Mười năm cuối là thập niên năm dài và người đến 100 tuổi thì dùng phần lớn thì giờ để nằm dài.
52. Ðể gán ba đặc tính theo "sự biến mất những gì già lần qua từng giai đoạn" bằng phương tiện thập niên, hành giả nên quán như sau: "Sắc sanh trong thập niên đầu chấm dứt tại đấy không đi đến thập niên sau, bởi thế nó là vô thường, khổ, vô ngã. Sắc sanh trong thập niên thứ hai... sắc sanh trong thập niên thứ chín chấm dứt tại đấy không đi đến thập niên thứ mười; sắc sanh trong thập niên thứ mười chấm dứt tại đấy không đi đến hữu kế tiếp: bởi thế nó là vô thưòng, khổ, không phải ngã". Ðấy là cách vị ấy gán ba đặc tính.
53. (2c) Sau khi gán ba đặc tính theo "sự biến mất của những gì già lẫn qua từng giai đoạn" bằng phương tiện thập niên như vậy, hành giả lại gán ba đặc tính theo "sự biến mất của những gì già lẫn qua từng giai đoạn" bằng cách chia 100 năm ra thành hai mươi phần năm năm một như sau.
54. Vị ấy quán: "Sắc sanh trong năm năm đầu chấm dứt tại đấy không đi đến năm năm kế tiếp: bởi thế nó là vô thường, khổ, không phải ngã. Sắc sanh trong năm năm thứ hai... thứ ba... thứ mười chín chấm dứt tại đấy không đi đến năm năm thứ hai mươi, và không có sắc nào sanh trong năm năm thứ hai mươi có thể kéo dài ra ngoài cái chết; bởi thế nó là vô thường, khổ, không phải ngã".
55. (2d) Sau khi gán ba đặc tính theo từng giai đoạn 5 năm như trên, vị ấy lại gán ba đặc tính theo từng giai đoạn bốn năm; (2e) ba năm; (2f) hai năm; (2g) một năm, (2h) Kế tiếp, vị ấy gán ba đặc tính theo "sự biến mất của những gì già lẫn qua từng giai đoạn" bằng phương tiện ba mùa, chín một năm làm ba phần, như sau.
56. Sắc sanh trong bốn tháng mùa mưa chấm dứt tại dấy không đi đến mùa đông, sắc sanh trong bốn tháng Ðông chấm dứt tại đấy không đi đến mùa Hạ. Sắc sanh trong bốn tháng Hạ chấm dứt tại đấy không đi đến mùa Mưa: bởi thế nó là vô thường, khổ, không phải ngã".
57. (2i) Vị ấy lại chia một năm thành sáu phần và gán ba đặc tính... như sau: "Sắc sanh trong hai tháng mưa chấm dứt tại đấy không đi đến mùa Thu, sắc sanh trong mùa Thu... mùa Ðông... mùa Mát... mùa Hạ chấm dứt tại đấy không đi đến mùa Mưa: bởi thế nó là vô thường, khổ, không phải ngã".
58. (2j) Kế tiếp, vị ấy gán ba đặc tính bằng phương tiện mỗi nửa tháng tối và nửa tháng sáng (trăng) như sau: "Sắc sanh trong nửa tháng tối trăng chấm dứt tại đấy không đi đến nửa tháng sáng; sắc sanh trong nửa tháng sáng chấm dứt tại đấy không đi đến nửa tháng tối: bởi thế nó là vô thường, khổ, không phải ngã".
59. (2k) Kế tiếp, vị ấy gán ba đặc tính một ngày, một đêm như sau: "Sắc sanh trong đêm chấm dứt tại đấy, không đi đến ngày; sắc sanh trong ngày chấm dứt tại đấy không đi đến đêm: bởi thế nó là vô thường, khổ, không phải ngã".
60. (2l) Kế tiếp, vị ấy gán ba đặc tính bằng cách chia ngày làm sáu thời như sau: "Sắc sanh buổi sáng chấm dứt tại đấy không đi đến buổi trưa; sắc sanh buổi trưa chấm dứt tại đấy không đi đến buổi chiều; sắc sanh buổi chiều chấm dứt tại đấy không đi đến canh giữa; sắc sanh canh giữa chấm dứt tại đấy không đi đến canh cuối; sắc sanh canh cuối chấm dứt tại đấy không đi đến sáng hôm sau: bởi thế nó là vô thườn0g, khổ, không phải ngã".
61. (2m) Sau khi gán ba đặc tính theo kiểu ấy, hành giả lại quán ba đặc tính ấy nơi sắc qua các cư động tới lui, nhìn lại, quay đi, co duỗi... như sau: "Sắc sanh trong động tác tới chấm dứt tại đấy không đi đến động tác lui, sắc sanh ở động tác lui chấm dứt tại đấy không đi đến động tác tới; sắc sanh ở đồng tác nhìn lại chấm dứt tại đấy không đi đến động tác quay đi... sắc sanh ở động tác co dừng lại ở đấy không đi đến động tác duỗi: bởi thế nó là vô thường, khổ, không phải ngã".
62. (2n) Kế tiếp, vị ấy chia bước đi thành sáu phần là nhấc lên, đưa tới, đưa sang bên, hạ thấp, đặt xuống, mắc vào.
63. Nhấc lên là dở chân khỏi mặt đất, đưa tới là đưa chân tới trước, đưa sang bên là di chuyển bàn chân qua một bên để tránh gai gốc v.v... ha thấp là đưa bàn chân xuống, đặt xuống là đặt bàn chân trên mặt đất; mắc vào là ấn trọn bàn chân xuống đất, trong khi bàn chân kia đang trên không.
64. Ở đây, trong động tác "nhấc lên", hai giới địa và thủy là phụ, chậm chạp còn hai giới kia chính và mạnh. Cũng vậy trong động tác đưa tới và đưa sang bên. Trong động tác "hạ thấp", hỏa, phong giới là phụ, chậm còn hai giới kia chính và nhanh, động tác "đặt xu?ng" và "mắc vào" cũng thế. Vị ấy gán ba đặc tính cho sắc theo "sự biến mất của những gì già lẫn qua từng giai đoạn" bằng sáu phần của bước chân như sau.
65. Vị ấy quán: "Các giới (đại) và sở tạo sắc sanh trong động tác "nhấc chân", đều chấm dứt tại đấy không đi đến động tác "đưa tới, bởi thế chúng là vô thường, khổ, không phải ngã. Cũng thế, sắc sanh trong động tác "đưa qua", "hạ thấp", đặt xuống", ... . chấm dứt tại đấy không đi đến động tác "mắc vào". Như thế các hành tiếp tục tan rã, như những hột mè nổ khi đặt trong chảo nóng, sanh đâu là diệt ngay tại đó, từng giai đoạn, từng thời kỳ, mỗi thời không đi đến thời kế tiếp, bởi thế chúng là vô thường, khổ, không phải ngã".
-ooOoo-
Chương XX (b)
-ooOoo-
66. Khi hành giả quán hành từng giai đoạn như thế, với tuệ giác, thì sự quán về sắc của vị ấy trở nên vi tế, như ví dụ sau đây.
Một người ở biên địa đã quen với đuốc, củi, cỏ nhưng chưa từng thấy đèn, một hôm đến đô thị trông thấy một cây đèn đốt ở chợ, anh ta hỏi một người khác: "Cái vật xinh đẹp kia là cái gì?" Người kia bảo: "Có gì là đẹp? Nó là một cây đèn, khi dầu và bấc đã hết thì đèn ấy đi về đâu, chẳng ai biết được. "Một người khác bảo người ấy: "Nói vậy chưa được, vì ngọn đèn trong mỗi phàn ba của tim bấc khi nó dừng đốt cháy bấc, đã chấm dứt tại đấy không đi qua phần kia." Người khác bảo anh này: "Nói vậy cũng chưa được, vì ngọn đèn trong mỗi tấc bấc, nửa tấc, mỗi sợi chỉ, mỗi sơ tơ quấn chỉ, sẽ chấm dứt, không đi đến sợi khác, nhưng ngọn đèn không thể xuất hiện nếu không có sợi tơ ấy".
67. Ở đây khi một thiền giả gán tính vô thường khổ vô ngã cho sắc giới hạn 100 năm, ví như người nói về ngọn đèn "nó đi về đâu khi dầu, bấc hết, chả ai biết được". Người gán ba đặc tính theo "sự biến mất của những gì già lần từng giai đoạn" giới hạn bằng một phần ba của trăm năm, là như người nói: "Ngọn đèn trong mỗi phân bà cây đèn chấm dứt không đến phần khác." Người gán ba đặc tính cho sắc giới hạn thành từng thập niên, năm năm, bốn, ba, hai năm, là ví như người nói: "Ngọn đèn nơi mỗi tấc bấc chấm dứt không đi đến tấc khác." Người gán ba đặc tính cho sắc được giới hạn thành từng mùa bốn tháng, hai tháng, là như người nói: "Ngọn đèn trong nửa tấc bấc không đi đến nửa tấc khác." Thiền giả gán ba đặc tính theo từng nửa tháng, ngày, đêm, buổi sáng... từng phần sáu của ngày đêm, ví như người nói: "Ngọn đèn trong mỗi sợi chỉ chấm dứt không đi đến sợi khác". Thiền giả gán ba đặc tính cho sắc được giới hạn thành từng động tác chân bước như nhấc lên đưa tới... là như người nói: "Ngọn đèn trong mỗi sợi tơ làm thành chỉ bấc chấm dứt, không đi đến sợi khác".
68. (3-6) Sau khi gán ba đặc tính cho sắc bằng nhiều cách khác nhau theo "sự biến mất của những gì già lần từng giai đoạn" như vậy, hành giả phân tích sắc ấy, chia nó ra bốn phần là: "do đoàn thực sanh", v.v... và lại gán ba đặc tính cho mỗi phần.
Sắc do đoàn thực sanh trở nên rõ rệt với hành giả qua cơn đói và no, vì sắc sanh khi người đang đói thì khô khan vô vị, xấu xí dị hình như một khúc cây khô, sắc sanh khi đã hết đói thì phúng phính, tươi mát, mềm mại, láng lẩy, mịn màng. Khi phân biệt như vậy, hành giả gán ba đặc tính cho sắc như sau: "Sắc sanh khi đói chấm dứt tại đấy, không đi đến lúc hết đói. Sắc sanh lúc hết đói chấm dứt tại đấy, không đi đến lúc đói lại. Bởi thế nó là vô thường, khổ, không phải ngã."
69. Sắc do thời sanh trở nên rõ rệt qua nóng lạnh, vì sắc sanh khi nóng khi thì khô cháy,, vô vị, dị hình. Sắc sanh do thời tiết mát lạnh thì phúng phính, tươi mát, mềm mại láng lẩy mịn màng... Phân biệt như vậy, hành giả gán ba đặc tính cho sắc như sau: "Sắc sanh khi nóng chấm dứt tại đấy không đi đến lúc mát, sắc sanh lúc mát chấm dứt tại đấy không đi đến lúc nóng do vậy nó là vô thường, khổ, không phải ngã.
70. Sắc do nghiệp sanh trở nên rõ rệt qua các căn món nghĩa là các căn bản của tâm. Vì trong trường hợp mắt, có 30 sắc với ba thập pháp mắt, thân, và tánh, nhưng với 24 sắc do thời sanh, tâm sanh, thực sanh nâng đỡ chúng thành 54. Tương tự với tai, mũi, lưỡi. Và thân thì có 44 pháp, với các thập pháp thân, tánh và các pháp do thời sanh v.v... Vế ý môn cũng có 54 với các thập pháp tâm cơ, thân, tánh và các pháp do thời sanh, v.v... Phân biệt tất cả sắc ấy, hành giả gán ba đặc tính cho nó như sau: "Sắc sanh trong nhãn căn chấm dứt tại đấy không đi đến mũi, sắc sanh trong nhỉ..., tỉ..., thiệt..., thân chấm dứt tại đấy không đi đến ý môn, do vậy nó là vô thường, khổ, vô ngã".
71. Sắc do tâm sanh trở nên rõ rệt qua hành tướng một người đang vui hay buồn, vì sắc sanh vào lúc nó vui thì láng lẩy, mềm mại, tươi mát, mịn màng. Sắc sanh vào lúc nó buồn bực thì khô cháy vô vị xấu xí. Khi phân biệt như vậy hành giả gán ba đặc tính cho sắc như sau: "Sắc sanh vào lúc vui chấm dứt tại đấy không đi đến lúc buồn... và ngược lại. Bởi vậy, nó là vô thường, khổ, không phải ngã."
72. Khi hành giả phân biệt sắc do tâm sanh và gán ba đặc tính cho nó như vậy, ý nghĩa này trở nên rõ rệt;
Mạng sống con người, lạc, khổ: chỉ những thứ này
nối kết trong một sát-na tâm vút qua,
các vị trời, dù sống tám vạn bốn ngàn năm,
cũng không còn là một
trong hai sát-na kế tiếp,
Các uẩn đã diệt của người đã chết hay còn sống
đều giống nhau
một đi không trở lại,
Các uẩn hiện tại đang tan rã, và sẽ tan rã ở vị lai
không khác gì các uẩn đã diệt từ trước.
Không có thể giới sanh nếu tâm không sanh,
Khi tâm có mặt, thì thế giới hiện hữu,
Khi tâm diệt, thế giới hết hiện hữu.
Khái niệm này sẽ đưa đến ý nghĩa tối thượng,
Không có kho chứa các pháp đã tan rã
Cũng không có sự tồn trữ các pháp trong tương lai,
Các pháp sanh như đầu kim hạt cải
(hột cải đề trên đầu cây kim sẽ rớt xuống ngay)
Sự tan rã của các pháp là dĩ định từ lúc chúng mới sanh,
Các pháp hiện hữu suy tàn không lẫn với các pháp quá khứ,
Chúng không từ đâu đến, rồi tan rã
không biết về đầu
thoạt đến thoạt đi, như làm chớp.
(Nd.1, 42)
73. Sau khi gán ba đặc tính cho sắc do đoàn thực sanh v.v... hành giả lại gán ba đặc tính cho sắc trong thiên nhiên. "Tự nhiên sắc" là danh từ chỉ sắc ngoại giới, không gắn liền với các căn, và khởi lên cùng với thành kiếp, chẳng hạn kiếp sắc, đồng, thiếc, chì, vàng, bạc, ngọc trai, ngọc bích, xa cừ, thủy tinh, san hô, hổ phách, đất đá có cây, v.v... Ðiều này trở nên rõ rệt qua một mầm cây Asoka.
74. Cái mầm ấy mới đầu màu hồng nhạt, hai ba ngày sau trở màu đỏ sậm, ba ngày nữa màu đỏ nhạt, rồi màu nâu, màu đọt xoài, màu đọt xoài đã lớn, màu lá nhạt, rồi mày lá đậm. Sau đó nó có màu lá úa và cuối năm thì rời khỏi cành.
75. Phân biệt như vậy, hành giả gán ba đặc tính cho sắc ấy như sau: "Sắc sanh khi mầm cây còn màu hồng nhạt chấm dứt không đi đến thời kỳ đỏ đậm, sắc sanh khi nó đỏ đậm... đỏ nhạt... màu của đọt xoài non... của đọt cây lớn... màu xanh lá nhạt... sắc sanh khi màu lá nhạt... . xanh đậm... lá úa, sắc sanh lúc nó là lá úa chấm dứt tại đấy không đi đến lúc lá tách khỏi cành. Bởi thế, nó là vô thường, khổ vô ngã". Vị ấy quán sát tất cả sắc tự nhiên theo cách ấy. Ðấy là cách quán các hành bằng sự gán ba đặc tính cho chúng nhờ phương pháp bảy phép quán sắc.
76. Ðó là: (1) theo nhóm, (2) theo đôi, (3) theo sát-na, (4) theo loạt, (5) bằng cách trừ tà kiến, (6) trừ kiêu mạn, (7) chấm dứt ràng buộc.
77. (1) Theo nhóm là các pháp thuộc năm thứ xúc, thọ, tưởng, tư. Như thế nào? Ở đây, một tỷ kheo quán như sau; "Các pháp thuộc về 5 thứ xúc, v.v... khởi lên trong khi quán tóc là vô thường, khổ, vô ngã, trong khi quán lông... trong khi quán não là vô thường, khổ, vô ngã, tất cả những món này đều tan rã từng giai đoạn, thời kỳ, như hột mè nổ lách tách trên chảo nóng, hột này không đi đến hột kia. Bởi thế chúng là vô thường, khổ, vo ângã". Ðây trước hết là phương pháp nói trong bài giảng về thanh tịnh [Chú thích: tên của một bản Sở giải cũ ở Tích lan, không còn].
78. Nhưng theo Bài giảng về các Thánh tài thì: "Quán theo nhóm" là khi, bằng một tâm kế tiếp, hành giả quán "vô thường, khổ, vô ngã" cái tâm sanh trong khi quán sắc là vô thường, khổ vô ngã trong bảy lối thuộc sắc pháp nói trên. Vì phương pháp này thích hợp, nên chúng ta sẽ giới hạn vào đấy trong khi giải thích những gì còn lại.
79. (2) Theo đôi: Sau khi vị tỷ kheo đã quán vô thường khổ vô ngã, cái sắc của sự "nhấc lên đặt xuống" (đ.46). Vị ấy lại quán rằng cái tâm mà vị ấy dùng để quán sắc ấy cũng vô thường khổ vô ngã, bằng phương tiện một tâm kế tiếp. Sau khi hành giả đã quán vô thường khổ vô ngã, cái sắc thuộc "sự biến mất của những gì già lần qua từng giai đoạn", và sắc "do đoàn thực sanh", "thời sanh", "nghiệp sanh", "tâm sanh", và sắc "tự nhiên sanh", vị ấy quán cái tâm năng quán ấy cũng vô thường khổ vô ngã" bằng một tâm kế tiếp. Theo cách ấy, gọi là quán theo đôi.
80. (3) Theo sát-na: Sau khi vị ấy đã quán vô thường khổ vô ngã, cái sắc của sự lấy lên đặt xuống, vị ấy quán cái tâm đầu tiên đã quán sắc ấy cũng vô thường khổ vô ngã, bằng một tâm thứ hai, và quán tâm thứ hai này bằng một tâm thứ ba, quán tâm thứ ba bằng một tâm thứ tư, quán tâm thứ tư bằng một tâm thứ năm, và tâm thứ năm này vị ấy cũng quán nó là vô thường khổ vô ngã. Sau khi vị ấy đã quán vô thường khổ vô ngã, cái sắc thuộc "sự biến mất của những gì già lần từng giai đoạn", sắc "do đoàn thực sanh", thời sanh, nghiệp sanh, tâm sanh, và tự nhiên sanh, vị ấy lại quán cái tâm năng quán là vô thường khổ vô ngã bằng một tâm thứ hai, quán tâm thứ hai bằng một tâm thứ ba, quán tâm thứ ba bằng một tâm thứ tư, quán tâm thứ tư bằng một tâm thứ năm. Tâm thứ năm vị ấy cũng quán nó là vô thường khổ vô ngã. Như vậy, quán bốn tâm từ mỗi lối phân biệt sắc cách đó, gọi là quán theo sát-na.
81. (4) Theo loạt: Sau khi hành giả đã quán vô thường, khổ, vô ngã cái sắc của sự lấy lên đặt xuống, vị ấy quán cái tâm đầu tiên cũng vô thường khổ vô ngã, bằng một tâm thứ hai, quán tâm thứ hai này bằng một tâm thứ ba, quán tâm thứ ba bằng một tâm thứ tư, ... quán tâm thứ mười bằng tâm thứ 11, và tâm này vị ấy cũng quán là vô thường, khổ, vô ngã. Sau khi vị ấy đã quán là vô thường khổ vô ngã, cái sắc của "sự biến mất của những gì già lần từng giai đoạn", và sắc do thực sanh, thời sanh, nghiệp sanh, tâm sanh, và tự nhiên sanh, vị ấy quán cái tâm đầu tiên là vô thường khổ vô ngã bằng tâm thứ hai, quán tâm thứ hai bằng tâm thứ ba, ... tâm thứ mười bằng tâm thứ 11, và tâm thứ 11 này cũng vô thường khổ vô ngã, có thể quán tiếp tục như vậy đến suốt cả ngày. Nhưng cả đề mục sắc và vô sắc trở thành quen thuộc khi quán đến tâm thứ mười, do đó Luận về Thánh tài cho rằng có thể dừng lại ở tâm thứ 10. Quán như vậy gọi là quán theo loạt.
82. (5) Bằng cách trừ tà kiến, (6) kiêu mạn, (7) chấp thủ: Không có phương pháp đặc biệt cho các thứ này, nhưng khi hành giả đã phân biệt sắc và vô sắc (tâm) như trên thì thấy không có một hữu tình nào ở trong hay trên sắc và vô sắc. Khi vị ấy không thấy có một hữu tình (hay ngã, chúng sinh),nào thì ngã tưởng được từ bỏ, khi ấy tà kiến không khởi nơi vị ấy, gọi là trừ tà kiến. Khi vị ấy phân biệt các hành với cái tâm đã trừ ngã tưởng, thì kiêu mạn không khởi lên nơi vị ấy, và gọi là đã từ bỏ kiêu mạn. Khi vị ấy phân biệt các hành với cái tâm đã trừ kiêu mạn, thì tham ái không khởi nơi vị ấy, khi tham không khởi thì chấp thủ được gọi là đã chấm dứt. Ðấy là những gì được nói trong Luận về thanh tịnh (bản Sớ giải Tích Lan đã thất truyền).
83. Nhưng trong Luận về thánh tài, sau khi đề ra các mục "trừ tà kiến, kiêu mạn, chấp thủ", phương pháp sau đây đã được nói: "không có sự từ bỏ tà kiến nơi một người thấy rằng tôi đã thấy với tuệ quán của tôi, mà có sự từ bò tà kiến nơi một người thấy rằng chỉ có các hành thấy các hành với tuệ quán, phân biệt định nghĩa và định ranh giới chúng. Không có sự từ bỏ kiêu mạn nơi một người thấy như sau: Tôi đã thấy suốt với tuệ quán, tôi thấy rõ với tuệ quán; nhưng có sự từ bỏ kiêu mạn nơi một người thấy như sau: Chỉ có các hành thấy các hành với tuệ quán, phân biệt, định nghĩa và định ranh giới chúng. Không có sự chấm dứt ràng buộc (trừ chấp thủ) nơi một người mừng rỡ vì tuệ như sau: tôi có khả năng thấy với tuệ quán; nhưng có sự chấm dứt ràng buộc nơi người thấy rằng chỉ có các hành thấy các hành với tuẹä, quán sát, định nghĩa, phân biệt, và định giới hạn chúng.
84. "Có sự dứt bỏ tà kiến nơi một người thấy như sau: "Nếu các hành thực là ngã, thì xem chúng là ngã cũng được đi, nhưng trong khi chúng là phi ngã lại bị cho là ngã, bởi thế chúng không phải ngã theo nghĩa là không thể thi thố một quyền năng nào trên chúng, chúng vô thường nghĩa là có rồi không, chúng là khổ có nghĩa là chịu sự áp bức của sanh và diệt".
85. Có sự từ bỏ kiêu mạn nơi một người thấy như sau: "Nếu các hành là thường, thì cho rằng chúng thường cũng đúng, nhưng trong khi chúng vô thường, lại bị cho là thường. Bởi thế chúng là vô thường theo nghĩa có rồi không, là khổ theo nghĩa bị bức bách bởi sinh diệt, chúng vô ngã theo nghĩa không một quyền năng nào khả thi ở trên chúng".
86. Có sự chấm dứt ràng buộc (chấp thủ) nơi người thấy như sau: "Nếu hành là lạc thì xem chúng là lạc cũng đúng, song chúng bị cho là lạc trong khi thực sự là khổ. Bởi thế chúng là khổ theo nghĩa bị bức bách bởi sanh diệt, là vô thường, theo nghĩa có rồi không, là vô ngã theo nghĩa không một năng lực nào khả thi đối với chúng".
87. Như vậy có sự từ bỏ tà kiến nơi người thấy các hành là vô ngã, có sự từ bỏ kiêu mạn nơi người thấy chúng vô thường, có sự chấm dứt ràng buộc nơi người thấy chúng là khổ. Và tuệ giác này có giá trị trong mỗi trường hợp."
88. Ðây là cách quán các hành bằng lối gán ba đặc tính cho chúng theo bảy vô sắc.
Ở giai đoạn này, cả hai đề mục thiền sắc và vô sắc đã trở nên quen thuộc với hành giả.
89. Sau khi đã quen thuộc với các đề mục thiền vô sắc, và như vậy, đã thâm nhập một phần trong 18 tuệ quán - tức 18 loại trí sẽ được viên mãn về sau nhờ liễu tri kể như từ bỏ, khởi từ quán tan rã - kế tiếp, hành giả từ bỏ các pháp chướng ngại (cho những gì mình đã thâm nhập).
90. "Mười tám tuệ quán chính" là danh từ chỉ trí tuệ gồm các loại quán khởi từ quán vô thường. Về những loại này, (1) người tu tập quán vô thường từ bỏ thường tưởng, (2) người tu quán khổ từ bỏ lạc tưởng, (3) người tu quán vô ngã từ bỏ ngã tưởng, (4) người tu quán xả ly từ bỏ sự thích thú (5) quán ly tham trừ tham, (6) quán diệt từ bỏ sanh (7) quán xã từ bỏ chấp thủ, (8) quán hoại [Chú thích: là thấy sự tan rã các hành trong từng sát-na] từ bỏ tưởng về sự kiến cố, (9) quán sự sụp đổ của các hành từ bỏ tích lũy nghiệp, (10) quán biến đổi từ bỏ sự lâu bền, (11) quán vô tướng từ bỏ tướng, (12) Quán ly dục từ bỏ tướng, (13) quán Không từ bỏ tà giải (cố chấp); (14) người tu tập tuệ đi sâu vào các pháp thuộc tăng thượng tuệ, thì từ bỏ tà giải do chấp thủ một trung tâm (lõi), (15) người tu tập Chánh tri kiến từ bỏ tà giải (cố chấp) do mê muội, (16) người tu tập Quán nguy hiểm từ bỏ tà giải do tương tựa (Chú thích: vào các hành N.D.), (17) người tu tập Quán tư duy từ bỏ sự không tư duy, (18) người tu tập quán yểm ly ("quay đi' - turning away) từ bỏ tà giải do trói buộc. (Xem Ps. i, 32)
91. Bấy giờ vi hành giả đã thấy các hành qua ba đặc tính, nên vị ấy thâm nhập được các tuệ quán vô thường, khổ, vo ângã trong 18 tuệ quán này. Trong đây, quán vô thường (1) và quán vô tướng (11) là đồng nghĩa, chỉ có khác danh từ. Cũng vậy, quán khổ và quán ly dục, quán vô ngã và quán Không là đồng nghĩa. Do vậy, hành giả cũng thâm nhập luôn các pháp này. Nhưng tuệ về các pháp thuộc tăng thượng tuệ (số 14) là tất cả loại tuệ giác; và chánh tri kiến (15) là đoạn nghi thanh tịnh (Ch.XIX). Do vậy, hai pháp này cũng đã được vị ấy thâm nhập. Về các loại tuệ còn lại, thì có thứ đã thâm nhập, có thứ chưa, sẽ đề cập dưới đây (Ch. XXII, đ. 113).
92. Vì chính để chỉ những gì đã được thâm nhập mà trên kia (đ. 89) nói: "Sau khi đã quen thuộc với các đề mục thiền sắc, vô sắc và đã thâm nhập ở đây một phần của 18 tuệ quán chính, những trí về sau sẽ được đạt đến một cách toàn diện ở mọi khía cạnh nhờ sự liễu tri kể như từ bỏ khởi từ quán tan rã, hành giả từ bỏ được các pháp chướng ngại cho những gì đã được thâm nhập." (đ. 89)
93. Sau khi thanh lọc trí mình như vậy, bằng cách quán vô thường từ bỏ tưởng thường, v.v... hành giả đi đến trí tổng tướng, và khởi sự đạt đến sanh diệt trí được nói đến như sau: "Tuệ quán sự biến dịch của các pháp hiện tại" gọi là sanh diệt trí, (Ps. i, 1) và tuệ này tiếp theo trí tổng tướng.
94. Khi làm như vậy, vị ấy trước tiên quán vắn tắt. Thế nào tuệ quán biến dịch của các pháp hiện tại gọi là sanh diệt trí? Sắc hiện tại là sắc đã được sanh ra. Ðặc tính của sự sanh nó là sanh, đặc tính của sự biến đổi nó là diệt; quán là trí. Thọ hiện tại, tưởng, hành... thức... mắt... v.v... . hữu hiện tại là được sanh ra đặc tính sự sanh khởi của nó là sanh, đặc tính của sự biến đổi nó là diệt, quán là trí (Ps. i, 54).
[Chú thích: Sự giải thích về sanh và diệt phải được làm đối với một pháp hiện tại, theo tương tục hay theo sát-na, nhưng không được làm đối với một pháp quá khứ hay vị lai, đó là lý do nói của các pháp hiện tại. Sắc hiện tại được gọi là sắc được sanh, nó gồm trong ba sát-na sanh, trú và diệt, đó là điều muốn nói. Nhưng mới đầu thì khó phân biệt như vậy, nên sự giải bằng tuệ quán cần được thực hiện nhờ cái hiện tại theo tương tục. -- Pm. 808].
95. Theo phương pháp trong luận này, hành giả thấy đặc tính sanh, xuất sanh, khởi lên, đổi mới của sắc được sanh ra là sanh, và đặc tính biến đổi hủy hoại tan rã của nó là diệt.
96. Vị ấy hiểu như sau: không có tích lũy của danh-sắc chưa sanh (hiện hữu) trước khi nó sanh. Khi nó sanh, nó không đến từ một đống hay một kho chứa nào, và khi diệt, nó không đi về hướng nào cả. Không nơi nào có một chỗ chứa, một cái kho, một nơi tàng trữ cho những gì đã diệt. Không có một kho chứa nào cho âm thanh trước khi cây đàn được đánh lên âm thanh không đến từ một kho chứa nào khi nó trổi lên, cũng không đi về hướng nào khi nó dứt, nhưng trái lại, từ không nó trở thành có, nhờ cây đàn và nỗ lực thích nghi của người đánh đàn, và sau khi có nó trở thành không. Cũng vậy là tất cả sắc pháp và vô sắc pháp, từ không mà được sanh ra, sau khi hiện hữu, chúng tan biến.
97. Sau khi tác ý sanh diệt một cách vắn tắt như vậy, hành giả lại tác ý chi tiết theo duyên và sát-na, bằng cách thấy các đặc tính như được nói trong trình bày về trí sanh diệt ấy như sau: (1) Vị ấy thấy sự sanh của sắc uẩn theo nghĩa duyên sinh như sau: Cùng với sự sanh của vô minh có sự sanh của sắc. (2) Với sự sanh của ái. (3) Với sự sanh của nghiệp. (4) Vị ấy thấy sự sanh của sắc uẩn theo nghĩa duyên sinh như sau: "Với sự sanh của đoàn thực có sự sanh của sắc. (5) Một người thấy đặc tính của sanh, thấy sự sanh của sắc uẩn. Một người thấy sự sanh của sắc uẩn theo nghĩa duyên.
(1) Vị ấy thấy sự diệt của sắc uẩn theo nghĩa duyên diệt như sau: "Với sự chấm dứt của vô minh, có sự chấm dứt của sắc, (2) ... với sự chấm dứt của ái... (3) với sự chấm dứt của nghiệp... (4) vị ấy thấy sự diệt của sắc uẩn theo nghĩa duyên diệt như sau: "Với sự chấm dứt của đoàn thực, có sự chấm dứt của sắc. (5) Một người thấy đặc tính biến đổi, thì thấy được sự diệt của sắc uẩn, một người thấy được sự diệt của sắc uẩn thì thấy năm đặc tính này." (Ps. i, 55)
Cũng vậy: (1) Một người thấy sự sanh của thọ uẩn theo nghĩa duyên sinh như sau: " Với sự sanh của vô minh, có sự sanh của thọ, (2) Với sự sanh của ái... (3) Với sự sanh của thọ uẩn theo nghĩa duyên sinh như sau: "Với sự sanh của xúc, có sự sanh của thọ. (5) Một người thấy đặc tính của sanh, thì thấy được sanh khởi của thọ uẩn, một người thấy được sự sanh khởi của thọ uẩn, thấy được năm đặc tính này."
(1) Vị ấy thấy sự diệt của thọ uẩn theo duyên diệt như sau: " Với sự chấm dứt của vô minh, có sự chấm dứt của thọ: (2) với sự chấm dứt của ái... (3) Với sự chấm dứt của nghiệp... (4) Vị ấy thấy sự diệt của thọ uẩn theo nghĩa duyên biệt như sau: " Với sự chấm dứt của xúc có sự chấm dứt của thọ; (5) Người nào thấy đặc tính của biến đổi thì thấy sự diệt của thọ uẩn. Người nào thấy sự diệt của thọ uẩn, thấy năm đặc tính này," (Ps. i, 55)
Và cũng như trong trường hợp thọ uẩn, (nghĩa là, thay xúc bằng đoạn thực ở trường hợp sắc, các uẩn tưởng và hành cũng thế. Và cũng vậy đối với thức uẩn, với sự khác biệt này: những câu có xúc, thay bằng danh sắc như "với sự sanh của danh sắc... với sự diệt của danh sắc."
Như vậy, có 50 đặc tính., 10 cho mỗi uẩn do thấy sự sanh và diệt, bằng cách ấy hành giả tác ý cặn kẽ đến nó tùy theo duyên và sát-na như sau: "Sự sanh của sắc là như vậy, sự diệt của nó là như vậy, như vậy nó sanh, như vậy nó diệt."
98. Khi hành giả làm thế, trí trở nên sáng suốt như sau: "Như vậy, các pháp này dường như thể Từ Không Mà Có, Sau Khi Hiện Hữu, Chúng Lại Trở Thành Không ".
Khi hành giả thấy sự sanh diệt theo hai lối như vậy, theo duyên và theo sát-na thì nhiều chân lý, những khía cạnh của duyên sinh, phương pháp và đặc tính, trở nên rõ rệt với vị ấy.
99. Khi hành giả thấy sự sanh của các uẩn đi kèm với sự sanh của vô minh, và dự diệt của các uẩn khi vô minh diệt, thì đây là sự thấy của vị ấy về sanh diệt tùy theo duyên. Khi hành giả thấy sự sanh diệt của các uẩn bằng cách thấy những đặc tính của sanh và đặc tính của biến đổi (sanh và dị) thì đó là sự thấy sanh diệt theo sát-na. Và chỉ vào sát-na sanh mới có tướng sanh, và chỉ vào sát-na diệt mới có tướng biến đổi.
100. Như vậy, khi hành giả thấy sanh diệt theo hai cách duyên và sát-na, như trên, thì chân lý về sanh trở nên rõ rệt với vị ấy nhờ thấy sanh là do duyên, nhờ vị ấy đã khám pháp ra cái nguồn gốc sanh. Chân lý về khổ trở nên rõ rệt với vị ấy do thấy sanh diệt theo sát-na, nhờ vị ấy đã khám phá được nỗi khổ do sanh mà ra. Chân lý về diệt trở nên rõ rệt với vị ấy vì thấy diệt theo duyên, do khám phá rằng các pháp do duyên sanh sẽ không sanh nếu các duyên của chúng không sanh. Chân lý về khổ cũng trở nên rõ rệt với vị ấy nhờ thấy sự diệt theo từng sát-na do khám phá nỗi khổ trước cái chết. Và sự thấy của hành giả về sinh và diệt trở nên rõ rệt với vị ấy, kể như chân lý về đạo lộ: "Ðây là đao lộ thế gian" (đời là thế đấy) nhờ dứt bỏ được mê mờ về nó.
101. Duyên sinh theo chiều thuận trở nên rõ rệt với vị ấy, do thấy sanh theo duyên, nhờ khám phá rằng, "cái này có thì cái kia có" (M. i, 262). Duyên sinh theo chiều nghịch trở nên rõ rệt với hành giả do thấy sự diệt theo duyên, do khám phá "Cái này không, thì cái kia không" (M. i, 264). Các pháp duyên sinh trở nên rõ rệt với vị ấy do thấy sanh và diệt theo sát-na nhờ khám phá đặc tính các pháp hữu vi, vì các pháp có sanh và diệt đều là hữu vi, duyên sinh.
102. Phương pháp Ðồng nhất trở nên rõ rệt với vị ấy do thấy sự sanh theo duyên, nhờ khám pháp chuỗi tương tục không gián đoạn trong tương quan nhân quả. Khi ấy hành giả từ bỏ đoạn kiến một cách triệt để hơn. Phương pháp Dị biệt trở nên rõ rệt với vị ấy, do thấy sanh theo sát-na, nhờ khám phá rằng, mỗi pháp đổi mới khi nó sanh, khi ấy hành giã từ bỏ thường kiến một cách triệt để. Phương pháp Vô can trở nên rõ rệt do thấy sự sanh diệt tùy duyên nhờ khám phá rằng, các pháp không thể chịu quyền năng nào tác động trên chúng, khi ấy hành giả từ bỏ ngã kiến một cách triệt để hơn, phương pháp tất yếu trở nên rõ rệt do thấy sự sanh theo duyên, nhờ khám phá rằng, quả sanh khi có mặt các duyên thích hợp. Vị ấy từ bỏ triệt để kiến chấp "không có quả báo của các hành vi thiện ác".
103. Ðặc tính vô ngã trở nên rõ rệt do thấy sự sanh theo duyên, nhờ khám phá rằng, các pháp không có tánh tò mò, và hiện hữu chúng tùy thuộc vào các duyên. Ðặc tính vô thường trở nên rõ rệt với hành giả, do thấy sanh diệt từng sát-na nhờ khám phá rằng sau khi hiện hữu, chúng trở thành phi hữu, và nhờ khám phá rằng chúng tách biệt với quá khứ và vị lai. Ðặc tính khổ trở nên rõ rệt với hành giả do khám phá các pháp bị sanh tử áp bức. Và tự tánh của từng pháp (hay biệt tướng như địa thì rắn chắc, v.v...) cũng trở nên rõ rệt nhờ hành giả khám phá giới hạn của chúng do sanh và diệt. Và trong biệt tướng các pháp, tính cách tạm thời của đặc tính những gì hữu vi, trở nên rõ rệt do khám phá sự phi hữu của diệt vào lúc sanh, và sự phi hữu của sanh vào lúc diệt.
104. Khi nhiều chân lý, nhiều khía cạnh của duyên sinh nhiều phương pháp và đặc tính, đã rõ rệt với hành vi như vậy, thì các hành đối với vị ấy bây giờ dường như luôn luôn được đổi mới: "Thì ra là thế, các pháp này dường như trước đây không sanh, nay sanh, và sau khi sanh, chúng diệt." Và không những chúng luôn luôn mới mẻ, mà chúng lại còn có một đời sống ngắn ngủi như những giọt sương mai dưới ánh mặt trời, (A. iv, 37), như bọt (S. ii, 141) nổi trên nước, như đường vẽ trên mặt nước (A. iv, 137), như hột mè trên mủi dùi (Nd1, 42) như làn chớp (Nd1, 43). Và chúng không có lõi, như trò ảo thuật (S. iii, 141), như ảo giác (Dh. 46), như mộng (Sn. 807), như vòng lửa quay, như thành yêu quái (Càn-thát-bà thành), như bọt sủi (Dh. 46), như thân cây chuối (S. iii, 142) v.v...
Ở điểm này, hành giả đạt đến tuệ giác còn non, gợi là Sanh diệt trí, nhờ thâm nhập 50 đặc tính theo cách sau. "Chỉ có pháp nào phải bị diệt mới sanh được, và muốn sanh thì cần thiết phải diệt cái đã". Khi đạt đến chỗ này, hành giả được gọi là một "người khởi sự có tuệ giác."
105. Khi hành giả mới đắc tuệ giác còn non, có mười cấu uế sanh khởi nơi vị ấy. Vì các cấu uế này không sanh nơi bậc thánh đệ tử đã thế nhập chân lý, hay nơi những người lầm lạc về giới, xao lãng thiền định những kẻ làm biếng rong chơi. Chúng chỉ sanh khởi ở một thiện gia nam tử đi đúng hướng, chuyên chủ đề mục thiền quán một cách liên tục, và là một người mới đắc tuệ. Mười cấu uế là (1) hào quang (ánh sáng tỏa ra), (2) trí tuệ, (3) hỉ, (4) khinh an, (5) lạc, (6) quyết tâm (tín), (7) tinh tiến, (8) vững chải (9) xả. (10) ràng buộc.
106. Luận nói: "Thế nào là tâm bị tóm bởi trạo cử về các pháp tăng thượng? Khi một người tác ý các hành vô thường, ánh sáng sanh nơi vị ấy, vị ấy tác ý về ánh sánh ấy như sau đây là trạng thái của bậc thánh. Sự chia trí do việc này gây ra gọi là trạo cử. Khi tâm bị tóm bởi trạo cử, thì không hiểu đúng sự xuất hiện các hành là vô thường, không hiểu đúng sự xuất hiện của chúng khổ, là phi ngã. Cũng thế, khi hành giả tác ý là vô thường, trí sanh khởi nơi vị ấy. Hỉ... Khinh an... Lạc... Quyết tâm... Tinh tiến... Vững chải... Xả... Ràng buộc sanh khởi nơi vị ấy. Vị ấy tác ý đến chúng như sau đây là trạng thái của bậc thánh. Sự chia trí cho việc ấy gây ra gọi là trạo cử, khi tân bị chia phối bởi trạo cử, hành giả không thấy đúng sự xuất hiện của các hành là vô thường, khổ vô nhả." (Ps. ii, 100).
107. (1). Hào quang nói đây là quang sắc do tuệ sanh. [Chú thích: có hai thứ quang sắc, Quang sắc do tuệ sanh là quang sắc- luminuos materiality - được phát sinh bởi tuệ tâm sở, và quang sắc do thời tiết sanh nhưng do bản thân của hành giả mà thôi. Trong hai loại này, quang sắc do tuệ sanh thì sáng và chỉ trông thấy được nơi thân của thiền giả, còn quang sắc kia thì biệt lập với thân ông ta, tỏa khắp xung quanh bất cứ chổ nào có thể được trí biết đến. Quang sắc này cũng hiện rõ cho hành giả, và ông có thể thấy được mọi vật thể do quang sắc chạm tới. -- Pm.816]
Khi ánh sáng ấy sanh khởi, hành giả nghĩ: "Ánh sáng ấy chưa từng sanh nơi ta trước đây. Chắc chắn ta đã chứng đạo, đắc quả." Và như vậy, hành giả cho là đạo cái không phải đạo cho là quả cái không phảiø quả. Khi cho là đạo cái không phải đạo cho là quả cái không phải quả thì tiến trình của tuệ nơi hành giả bị gián đoạn. Vị ấy bỏ dở đề mục quán của mình để tọa hưởng ánh sánh ấy mà thôi.
108. Nhưng ánh sáng này có khi khởi lên nơi một tỷ kheo chỉ soi sáng nhiều lắm là chổ ông ta ngồi, ở vị khác, nó soi sáng khắp phòng, ở vị khác nó lan ra ngoài phòng, hoặc soi sáng khắp chùa... một phần tư lý, nữa lý, một lý, 2, 3 lý, hoặc vọt lên từ mặt đất cho đến phạm thiên giới. Ở đức thế tôn, thì quang sắc soi sáng mười ngàn thế giớibê.
109. Câu chuyện sau chứng tỏ quang sắc ấy khác nhau tùy mỗi người như thế nào. Có hai trưởng lão ngồi trong một gian phòng với hai lớp tường ở Cittalapabbata. Ngày ấy nhằm lễ Bố-tát nửa tháng tối trăng. Mọi phương hướng đều vây bủa bởi một tấm màn mây và ban đêm bóng tối ngự trị cả bốn bề. Một vị nói: "Hiền giả những hoa năm sắc trên sư tử tòa ở chánh điện đang hiện rõ trước mắt tôi". Vị kia nói; "Hiện giả cái đó không gì lạ. Thực sự cá và rùa dưới biển cách đây một lý đang hiện trước mắt tôi.'
110. Cấu uế của tuệ này thường xảy đến nơi một vị đã đắc định và tuệ. Vì nhưng cấu uế không lộ ra, bị đàn áp bởi sự chứng đắc, nên vị ấy nghĩ:" Ta là A-la-hán ". Như trưởng lão Mahànàga ? Uccavàlika, trưởng lão Mahàdata ? Hankana, trưởng lão Cukàsumana ? thiền thất Nikapenna tai Cittalababbata .
111. Có câu chuyện điển hình sau. Ðại diện Dhammadinna ở Talangara, một vị đã đoạn tận lậu hoặc, đã đặt các loại trí vô ngại, là người dạy một chúng đông tỷ kheo. Một hôm, trong khi ngồi nơi nhà trú ban ngày, ngài tự nhủ "Thầy ta, trưởng lão Mahànàga ở Uccavàloka không biết đã xong việc của sa môn chưa?" Ngài quán sát thấy ông vẫn còn là phàm phu, và biết nếu mình không đi đến thăm ông, ông sẽ chết trong địa vị phàm phu ấy. Bởi thế ngài thăng hư không bằng thần lực, đến bên vị trưởng lão. Ngài đảnh lễ thầy làm bổn phận của đệ tử xong, ngồi xuống một bên. Trưởng lão hỏi: "Sao con đến đột ngột như vậy?" Ngài đáp: "Con đến để hỏi thầy một câu". "Con cứ hỏi, nếu biết, ta sẽ trả lời." Ngài hỏi một ngàn câu.
112. Vị trưởng lão đáp rành rẽ không cấp câu nào. Ngài hỏi; "Bạch thượng tòa, trí ngài thật sắc bén. Ngài đã đạt đến tình trạng này bao lâu?" Trưởng lão nói: "Sáu mươi năm trước." - "Bạch thượng tòa, xin người hãy hóa phép làm một con voi". Trưởng lão biến hóa ra một thốt bạch tượng. - "Bây giờ, bạch thượng tòa, xin ngài hãy làm cho con voi ấy sấn tới nơi ngài, hai lỗ tai dang rộng, cái đuôi duỗi thẳng ra, vòi cho vào miệng, rống lên một tiếng dữ dội kinh hoàng". Vị trưởng lão làm theo lời yêu cầu của môn đệ, nhưng khi thấy con voi sấn tới quá nhanh với dáng điên khủng khiếp, trưởng lão vùng dậy toan chạy. Khi ấy vị tỷ kheo đã đoạn tận lậu hoặc đưa tay tóm lấy áo trưởng lão nói: "Bạch thượng tòa, một người đã đoạn tận lậu hoặc có còn sợ hãi hay không?"
113. Vị trưởng lão lúc đó nhận ra rằng mình vẫn còn là phàm phu. Ông quỳ dưới chân đại đức Dhammadinna nói: "Hãy giúp ta, hiền giả" - "Bạch thượng tòa, chính vì vậy mà con tới đây. Xin ngài chớ lo". Rồi đại đức giảng cho trưởng lão một đề mục thiền. Trưởng lão lấy đề mục ấy tiến về con đường kinh hành, đến bước thứ ba ngài đắc quả A-la-hán. Dường như vị này là người thuộc tánh sân. Những người như vậy thường giao động vị ánh sáng.
114. (2). Hiểu biết là hiểu biết do tuệ. Khi hành giả phán đoán các pháp sắc, vô sắc, tri thức có vẻ không lầm lạc, sắc bén, sanh khởi nơi vị ấy như một làn chớp.
115. (3). Hỉ là vui mừng do tuệ. Có thể vào lúc ấy năm thứ hỉ là tiểu hỉ, hỉ chốc lát, hỉ như mưa rào, hỉ nâng người lên, và hỉ biến mãn châu thân, sanh khởi nơi vị ấy.
116. (4). Khinh an là khinh an do tuệ. Khi vị ấy đang ngồi, bỗng thấy không một cơn mệt nhọc, nặng nề, cứng đở, hay thiếu kham nhậm nào cả, không có sự đau đớn cong quẹo nào nơi thân tâm, trái lại, thân thể và tâm hồn đều nhẹ nhàng nhu nhuyến, dễ sử dụng, hoàn toàn bén nhạy và ngay thẳng. Với thân và tâm khinh an như vậy, hành giả cảm thụ một khoái lạc siêu phàm. Về cảm giác này có đoạn:
Bước vào ngôi nhà trống.
Tỷ kheo tâm định tĩnh
Thọ pháp lạc siêu nhân
Tịnh quán theo chánh pháp
Người luôn luôn chánh niệm
Về sanh diệt các uẩn
Ðược hoan hỉ, hân hoan
Chỉ đấng bất tử biết (Dh. 373-4)
Ðấy là khinh an khởi lên đem lại khoái cảm siêu nhiên nơi hành giả.
117. (5). Lạc là lạc do tuệ. Vào lúc ấy, có thể khởi nơi hành giả biến mãn toàn thân.
118. (6). Quyết định là đức tin. Vì đức tin mãnh liệt khởi lên nơi hành giả tương ưng với tuệ dưới hình thức tín tột bực của tâm và tâm sở (tin với hết cả tâm hồn và hết cả da xương).
119. (7). Nỗ lực là tinh tiến khởi lên tương ưng với tuệ.
120. (8). Vững chải (an trú) là chánh niệm. Vì chánh niệm khéo an trú, sâu xa và bất động như sơn vương, khởi lên nơi hành giả tương ưng với tuệ, nên bất cứ đề mục nào vị ấy tác ý, động tới, chú tâm, quán sát, đều hiện rõ cho vị ấy nhờ chánh niệm. Chánh niệm đi vào đó như thế giới khác hiện ra cho người có thiên nhãn.
121. (9). Xả: vừa là xả về tuệ và xả trong sự tác ý.
[Chú thích: về tuệ là trung tính trong sự suy đạt các hành trong phạm vi đối tượng đã được suy đạt. Nhưng về ý nghĩa, khi nó sanh khởi như vậy, nó chỉ là trung tính. Tư tâm sở tương ưng với ý môn hướng tâm, gọi là "xả trong sự hướng tâm", vì xả này sanh khởi trong khi hướng tâm với tư cách nhìn ngắm. Xả về tuệ là trung tính về các hành khởi lên mãnh liệt nơi hành giả vào lúc ấy. Ðây cũng là xả trong tác ý ở ý môn. Vì bất cứ đề mục nào vị ấy hướng tâm đến tự hướng tâm của vị ấy hoạt động sắc bén như làn, chớp, như một chĩa sắt nung đỏ vùi vào một giỏ lá.]
122. (10). Ràng buộc là ràng buộc do tuệ. Vì khi tuệ vị ấy được tráng hoàng bằng ánh sáng v.v... sự bám víu khởi lên nơi vị ấy, có vẻ tinh tế và an ổn. Hành giả bám vào tuệ mà không phân biệt được rằng sự bám víu vào tuệ đó cũng là một cấu uế.
123. Và như trong trường hợp ánh sáng (hào quang) cũng vậy với trường hợp các cấu uế khác có thể khởi lên hành giả suy nghĩ: "Trí như vậy, hỉ như vậy, khinh an như vậy, ... . lạc, quyết định, nỗ lực, vững chải, xả, ràng buộc như vậy, chưa từng khởi nơi ta trước đây. Chắc chắn ta đã đắc đạo, đắc quả. Như vậy, vị ấy cho là đạo cái phi đạo, cho là quả các phiq uả. Khi cho là đạo cái phi đạo, cho là quả cái phi quả, thì tiến trình tuệ bị gián đoạn nơi vị ấy. Vị ấy bỏ dở đề mục và chỉ ngội tọa hưởng sự ràng buộc.
124. Và ở đây, quang sắc được gọi là cấu uế vì chúng là căn cứ cho những cấu uế, chứ không phải bản thân chúng bất thiện. Nhưng riêng sự bám víu thì vừa là căn bản cho cấu uế, vừa là một cấu uế.
125. Kể như căn bản cấu uế thì có 10 món, nhưng xét nhiều cách thì có tới 30. Ðó là, khi một người nghĩ: "Ánh sáng đã sanh khởi nơi ta", thì lối nhận định ấy là do tà kiến. Khi vị ấy nghĩ: "Ôi thật dễ chịu thay là ánh sáng đã sanh khởi như vậy". Các nhận định này là do kiêu mạn. Khi vị ấy thưởng thức ánh sáng ấy, cách hưởng thụ này là do tham ái. Tương tự, với những gì còn lại. Vậy có 30 loại cấu uế, vì có 3 lối nhận định cho mỗi loại trong 10 loại. Vì ảnh hưởng của chúng mà một thiện giả thiếu thiện xảo, không thận trọng bị giao động và chia trí về những hiện tượng ấy, và vị ấy thấy; "Ðây là của tôi, đây là tôi, đây là tự ngã của tôi". (N. i, 135)
126. Nhưng khi quang sắc, v.v... sanh, một thiền gia thiện xảo và thận trọng sẽ quán sát, phân biệt nó với tuệ như sau: "Ánh sáng này đã sanh. Nhưng nó là vô thường, hữu vi, duyên sinh, khả hoại, phải tan rã, phải hoại diệt, chấm dứt". Hoặc vị ấy nghĩ: "Nếu ánh sáng này là tự ngã, thì đừng để xem nó là tự ngã. Nhưng nó không phải tự ngã lại bị xem là ngã. Bởi thế nó không phải ngã theo nghĩa không có một năng lực nào có thể tác động lên nó, nó vô thường, vị có rồi không, nó là khổ, vì bị sinh diệt bức bách, ... Tất cả cần được làm chi tiết the phương pháp đã nói dưới mục bảy vô sắc, đ.83. Và như trường hợp quang sắc, những hiện tượng khác cũng thế.
127. Sau khi suy đạt như trên, hành giả thấy ánh sáng lá "Ðây không phải của ta, không phải là ta, không phải tự ngã của ta". Thấy như vậy, hành giả không bị giao động hay nao núng vì quang sắc, v.v...
128. Như thế, hành giả gỡ được cuộn chì rồi gom những cấu uế mà không làm mồi cho trạo cư. Hành giả định rõ cái gì là đại, cái gì là phi đạo như sau: "Các trạng thái như quang sắc, v.v... không phải là đạo, nhưng nó là trí tịnh quán không có cấu uế, và đang đi trên lộ trình của nó là đạo lộ".
129. Cái trí được an trú nơi hành giả do biết được đạo và phi đạo, gọi là thanh tịnh nhờ đạo phi đạo tri kiến.
130. Như vậy, ở điểm nay, sự định nghĩa ba chân lý đã được vị ấy làm xong. Như thế nào? Sự định nghĩa chân lý về khổ đã được vị ấy thực hiện nhờ định tõ danh-sắc trong phần thanh tịnh kiến. Ðịnh nghĩa chân lý về sanh thực hiện do phân biệt các duyên trong Ðoạn nghi thanh tịnh. Ðịnh nghĩa chân lý về đạo đã thực hiện nhờ nhấn mạnh chánh đạo trong đạo phi đạo tri kiến thanh tịnh. Như vậy, sự định nghĩa ba chân lý đã được làm trước hết nhờ phương tiện thế gian trí mà thôi.
Chương thứ 20 gọi là "Mô tả về Ðạo phi đạo tri kiến thanh tịnh", trong sự tu tập Tuệ, trong luận Thanh tịnh đạo, được soạn thảo vì mục đích làm hoan hỉ những người lành.
-ooOoo-
Chương XXI (a)
(Patipadà - nanadassana - visuddhi - niddesa)
-ooOoo-
1. Bấy giờ, tuệ đạt đến tuyệt đỉnh với tám trí và với trí thuận thứ là thứ chín, những trí này gọi là Ðạo tri kiến thanh tịnh.
Tám trí cần hiểu như sau: (1) Sanh diệt trí, với tuệ vô cấu vững chải trong lộ trình của nó. (2) Diệt trí, (3) Bố uý trí, (4) Quá hoa.n trí, (5) Ly dục trí, (6) Dục thoát trí, (7) Tư duy trí, (8) Hành xả trí.
[Sinh diệt trí đã quen thuộc, cần được hiểu là thuộc tuệ liêu trí kể như từ bỏ. Sự quán các hành hoại diệt gọi là quán Diệt. Người thấy mọi sự đúng bản chất chúng là hoại diệt thì khủng khiếp, nên gọi Bố uý trí. Cái trí nắm lấy tướng đáng sợ ấy của các hành khi chúng xuất hiện, gọi là Quá hoạn trí. Người muốn giải thoát trạng thái ấy về phương diện trí gọi là Dục thoát trí. Trí sanh khởi dưới hình thái "tư duy lai" gọi là Tư duy trí. Trí sanh khởi kể như sự ngắm nhìn các hành với thái độ xả, gọi là Hành xả trí -- Pm. 822-3]
Trí phù hợp với chân lý kế như thứ chín là Thuận thứ trí.
Như vậy, một người muốn kiện toàn trí này cần phải xem lại các loại trí này như công việc của mình, bắt đầu bằng sanh diệt trí loại trừ các ấu uế.
2. Nhưng tại sao hành giả lại còn phải theo đuổi trí diệt sinh? Là để quán ba đặc tính. Trí sinh diệt đã được đề cập ở trước, vì vô năng do 10 cấu uế, nên không thể quán ba đặc tính đúng như thực chất chúng. Nhưng khi đã hết cấu uế thì được, bởi thế hành giả cần theo đuổi trí ấy trở lại, để quán ba đặc tính.
3. Các đặc tính không thể hiện rõ khi một vật không được chú ý đến, bởi thế, có cái gì khuất lấp chúng. Cái đó là cái gì?
Trước hết, đặc tính vô thường không trở nên rõ rệt, bởi vì, khi sinh và diệt không được chú ý, thì đặc tính ấy bị che lấp bởi tính tương tục. Ðặc tính khổ không hiện rõ vì khi sự bức bách liên tục không được chú ý, thì đặc tính này bị che lấp bởi các dáng điệu uy nghi. Ðặc tính vô ngã không hiện rõ, vì khi sự phân tích thành các giới không được tác ý, thì đặc tính này bị che lấp bởi tính nguyên vẹn.
4. Nhưng khi sự tương tục bị gián đoạn do phân biệt sinh và diệt, thì đặc tính vô thường trở nên rõ rệt trong thực chất của nó. Khi các dáng điệu được tác ý là bị áp bức liên tục, thì đặc tính khổ hiện rõ trong thực chất nó. Khi sự phân biệt thành các giới được thực hiện đối với cái vẻ nguyên vẹn, thì đặc tính vô ngã hiện rõ trong thực chất nó.
[Chú thích: Trong Phân biệt xử nói tóm tắt như sau: "Ðặc tính Vô thường rõ rệt, khi một cái dĩa rơi xuống vỡ toang... đặc tính khổ rõ rệt, khi một ung nhọt xuất hiện trên cơ thể. Nhưng đặc tính vô ngã không rõ rệt. Dù chư Phật có xuất hiện hay không, các đặc tính vô thường và khổ vẫn được biết đến, nếu không có chư Phật ra đời, thì không có lý vô ngã được công bố". Lại nữa, trong Luận về kinh Trung bộ 22: "Sau khi hiện hữu nó trở thành không, bởi thế nó là vô thường. Nó vô thường vì bốn lý do: vì sinh diệt, vì biến dị, vì tính chất tạm thời, và vì không có chuyện trường cửu. Nó là khổ vì sự bức bách, theo bốn ý nghĩa, là thiêu đốt, khó chịu nỗi, là căn đế của khổ, và ngược với lạc. Nó vô ngã vì không chịu được một năng lực nào tác động lên nó, và vì bốn lý do trống rỗng, không sở hữu chủ, không sáng tạo chủ, và vì đối lại với ngã. " Luận về đoạn này trong Thanh tịnh đạo, Pm. nói: "Khi sự tương tục bị gián đoạn" nghĩa là khi sự tương tục? của các pháp, khi chúng nối nhau sanh khởi. Vì không phải qua sự liên kết của các pháp, mà đặc tính vô thường trở nên rõ rệt cho một người chánh quán sinh diệt, mà chính là qua sự gián đoạn của chúng. "Khi các uy nghi được phơi bày" có nghĩa, khi nỗi khổ? trong các uy nghi lộ ra. Vì khi cơn đau khởi lên? một uy nghi thì uy nghi khác đã được áp dụng làm cho hết đau. Và như vậy, dường như khuất lấp sự khổ. Nhưng khi đã biết chắc chắn rằng nỗi khổ trong mỗi uy nghi đươc di chuyển bằng cách thay thế uy nghi khác, thì sự khuất lấp cái khổ tiềm ẩn trong các uy nghi được lộ rõ, vì rõ ràng là các hành liên tục bị tràn ngập bởi đau khổ. "Sự phân tích cái khổ nguyên vẹn" là phân thành địa thủy... hoặc xúc khác, thọ khác. "Khi sự phân tích thành các giới đã được thực hiện" là khi cái có vẻ nguyên vẹn như một khối hay như một nhiệm vụ duy nhất, đã được phân tích ra. Vì khi các pháp sắc, vô sắc sinh khởi củng cố cho nhau, như danh và sắc, thì khi ấy ta hiểu lầm có một khối nguyên vẹn do không thể nhận ra các hành bị bức bách. Cũng thế, ta lầm cho rằng chỉ có một đối tượng duy nhất, trong khi mỗi (tâm) pháp có một đối tượng riêng nó. Khi phân tích thành các giới như vậy, chúng phân tán như? bị nén lại dưới bàn tay. Chúng chỉ là các pháp sinh thời do nhiều duyên, trống rỗng. Với cách ấy, đặc tính vô ngã trở nên rõ rệt. -- Pm. 824].
5. Và ở đây, những dị biệt sau cần hiểu: vô thường và đặc tính của vô thường, khổ và đặc tính của khổ, vô ngã và đặc tính của vô ngã.
6. Năm uẩn là vô thường. Tại sao? Vì chúng sinh diệt, biến dị hoặc vì chúng có rồi không. Sinh diệt biến dị là đặc tính của vô thường. Sự thay đổi sắc thái như hữu rồi phi hữu, thì gọi là đặc tính của vô thường.
7. Năm uẩn là khổ vì cái gì vô thường là khổ (S. iii,22). Tại sao? Vì sự bức bách liên tục. Sắc thái bị bức bách không ngừng là đặc tính của khổ.
8. Năm uẩn là vô ngã vì cái gì khổ là vô ngã. Tại sao? Vì không có năng lực nào tác động trên nó. Sắc thái không chịu tác động của một năng lực là đặc tính của vô ngã.
9. Thiền giả quán sát tất cả điều này trong thực chất của nó bằng Sinh diệt trí, tức bằng cái tuệ đã thoát khỏi các cấu uế và đang vững tiến trên một lộ trình nó.
II. Diệt Trí ( Hay Trí Quán Tan rã)
10. Hành giả tiếp tục quán sát, xét nghiệm, suy đạt các pháp sắc và vô sắc theo cách ấy, để thấy rõ chúng là vô thường, khổ, vô ngã. Khi ấy, nếu trí của ông hoạt động mẫn tiệp, thì các hành trở nên rõ rệt. Khi trí đã sắc bén, các hành nhanh chóng hiện rõ chân tướng, thì hành giả không còn để tâm nơi sự sanh hay trú, sự khởi lên hay tương của chúng, mà chỉ chú tâm trên sự diệt, kể như sự hủy hoại, rơi rụng, tan rã của chúng.
[Chú thích: Sanh (arising) là sự biến hóa trong quá trình sanh ra, (generation). Trú là đạt đến chỗ đứng, nghĩa là giả lần. khởi là sự sanh khởi của cái bị chấp thủ. Tướng là dáng dấp của hành, cái vẻ ngoài trông như những thực thể có thể nắm giữ được, do tính chất nguyên vẹn, v.v. và do sự cá biệt hóa các chức năng. Diệt kể như hủy hoại v.v. là sát-na diệt. -- Pm 826]
11. Khi quán trí đã sanh khởi nơi hành giả theo cách đó, làm cho vị ấy thấy các hành sinh rồi diệt, thì gọi là quán diệt ở giai đoạn ấy. Về trí này, Luận nói: "Tuệ thuộc quán tan rã, sau khi tư duy trên một đối tượng - thế nào tuệ này được gọi là quán trí? (knowledge of insight, insight knowledge)
Tâm với sắc pháp làm đối tượng, khởi rồi diệt. Sau khi tư duy về đối tượng ấy, hành giả quán sự tan biến (diệt) của tâm (tư duy) đó.
"Vị ấy quán thế nào?" Quán nó là vô thường, không trường cửu, nó là khổ, không vui, nó là vô ngã, không phải ngã. Vị ấy trở nên vô dục, không thích thú, làm cho tham tàn tạ, không cho nó bùng lên, vị ấy gây nén sự diệt mà không gây nên sự sanh. Vị ấy xả, không chấp thủ. Quán vô thường, vị ấy từ bỏ thường tưởng, quán khổ, vị ấy từ bỏ lạc tưởng, quán vô ngã, vị ấy từ bỏ ngã tưởng. Vì vô dục, vị ấy từ bỏ thích thú. Làm cho tham tàn tạ, vị ấy từ bỏ tham. Gây nên sự diệt, vị ấy từ bỏ sanh. Xã, vị ấy từ bỏ chấp thủ.
"Tám với thọ làm đối tượng... với tưởng làm đối tượng .. với hành.. thức làm đối tượng... với con mắt làm đối tượng.. (xem Ch. XX, 9)... với già chết làm đối tượng;.. xả, vị ấy từ bỏ chấp thủ.
Sự thay thế đối tượng
sự di chuyển (tuệ) liễu trí
Năng lực của tác ý những thứ này
là tuệ giác (insight) sau tư duy.
Thấy cả hai giống nhau
nhờ suy diễn từ một đối tượng ấy
chú tâm vào diệt đây là tuệ quán
trong dấu hiệu rơi rụng.
Sau khi tư duy trên đối tượng
hành giả quán sự tan rã
khi ấy mọi tướng là trống rỗng -
đây gọi là tuệ giác thuộc Tăng thượng tuệ
thiện xảo về ba quán
và cả về bốn tuệ
thiện xảo về ba tướng,
thì những kiến chấp không lay chuyển vị ấy.
"Trí (knowledge) là nói theo nghĩa cái được biết (sở tri), còn tuệ (understanding) là theo nghĩa hành vi hiểu biết cái ấy. Do đó nói Tuệ quán sự tan rã, sau khi tư duy trên một đối tượng, gọi là tri thứ về quán, quán tri (knowledge of insight)" (Ps. i, 57).
12. "Sau khi tư duy trên một đối tượng" là sau khi thấy nó phải bị hoại diệt tan rã. Tuệ thuộc về quán tan rã là tuệ quán sự tan biến của các trí sanh khởi sau khi tư duy trên đối tượng, rằng nó kha hoại, thì gọi là trí thuộc quán.
13. Kể tiếp, để trình bày cái trí ấy phát sinh như thế nào,? v..v. được nói. Ở đây,? sanh và diệt. Sau khi tư duy trên đối tượng ấy tức là thấy sắc ấy phải bị hoại diệt, rơi rụng. Vị ấy quán sự tan rã của tâm ấy là, với một tâm kế tiếp, hành giả quán sự tan rã của chính cái tâm đã quán sắc phải bị hoại diệt ấy. Do vậy, cổ đức bảo: "Vị ấy thấy với tuệ, cả hai thứ: đối tượng được biết (sở tri) và cái biết (năng tri)".
14. Vị ấy (tùy) quán (anupassati) vô thường, v.v.. là luôn luôn thấy như vậy, thấy đi thấy lại (anu anu passati) bằng nhiều cách khác nhau, tính vô thường v..v
15. Ở đây, sự tan rã (diệt) là cao điểm của vô thường, và bởi thế thiền giả nào quán diệt sẽ quán toàn thể các hành là vô thường, không phải thường.
[Chú thích: Quán vô thường ở đây không phải bằng trí suy điển "vô thường theo nghĩa tan rã" như người quán các hành theo nhóm (Ch. XX), cũng không phải bằng cách thấy rơi rụng được báo trước bằng sanh như người bắt đầu có tuệ (Ch. XX) mà đúng hơn, sau khi sinh và diệt đã trở nên rõ rệt như một kinh nghiệm thực, do ảnh hưởng của sinh diệt tri, bây giờ hành giả bỏ qua một bên sự sanh, và quán các hành là vô thường bằng cách chỉ thấy sự hoại diệt của chúng. Khi quán như vậy, thì không thấy có cái gì là trường cửu.-- Pm. 827]
Rồi vì tính chất đau khổ của những gì vô thường, và tính chất vô ngã của cái gì khổ, vị ấy quán toàn thể các hành ấy là khổ, không vui, là vô ngã, không phải ngã.
16. Nhưng cái gì đã vô thường, khổ, vô ngã thì không phải là cái đáng thích thú, và cái gì không đáng thích thú thì không phải cái gợi tham dâm. Do vậy, khi tất cả lĩnh vực các hành đều được thấy là vô thường, khổ, vô ngã, theo sự quán diệt, thì hành giả trở nên vô dục, không thích thú, ly tham, không làm cho tham bốc cháy. Khi hành giả không làm tham bốc cháy như vậy, vị ấy gây ra sự diệt (tham), không gây sự sanh của nó. Ðiều này xảy ra trước hết nhờ trí thế gian nghĩa là vị ấy không tạo nên sự sanh.
[Chú thích: "gây ra sự diệt" có nghĩa là, vị ấy làm cho tham ái chấm dứt bằng cách dằn dẹp (suppression) nó, nên gọi là thế gian trí. Với trí xuất thế gian, hay đạo - trí, thì không cần gì phải dằn dẹp].
17. Hoặc, sau khi đã làm cho tham phải tàn và gây nên sự diệt của các hành được thấy hành giả còn gây nên sự diệt của các hành không thấy bằng trí suy diễn, không sanh các hành. Hành giả chỉ tác ý đến sự chấm dứt của nó, không thấy sự sanh của nó.
18. Tiếp tục như vậy, hành giả buông xả, không bám víu. Nghĩa là gì? Ấy là, sự quán vô thường, v.v.. này vừa được gọi là xả kế như từ bỏ và xả kế như thâm nhập. Bởi vì, bằng cách thay vào những đức tính ngược lại, lối quán này từ bỏ những các uế và các hành nghiệp phát sinh ra uẩn, và bởi vì, do thấy tính cách bất khả ý của những pháp hữu vi, lối quán ấy cũng đi vào, hướng tới Niết bàn, cái ngược lại với hữu vi. Bởi thế, vị tỷ kheo nào có được pháp quán này thì từ bỏ được cấu uế và thế nhập được Niết bàn như đã nói. Vị ấy không chấp thủ phiền não bằng cách gây nên tái sanh, vị ấy cũng không bám vào một đối tượng hữu vi, do thấy được tính cách bất khả ý của nó. Do vậy mà nói: "Vị ấy xả, không chấp".
19. Bây giờ, để nêu rõ những pháp nào bị bỏ bởi ba loại trí này. Luận nói: "Quán vô thường, vị ấy từ bỏ thường tưởng... " Ở đây, thích thú có nghĩa là tham câu hữu với hỉ. Những gì còn lại thì như đã nói.
20. Còn về các đoạn kệ: "Thay thế đối tượng... " là: Sau khi thấy sự tan rã của sắc, có sự thay thế một đối tượng đầu, bằng cách thấy rõ sự tan rã của cái tâm thấy sự tan rã của sắc - chuyển di tuệ quán là từ bỏ sanh, chuyên chú vào diệt. Năng lực chú ý là khả năng tác ý sự tan rã của cái tâm đã lấy diệt làm đối tượng, là quán theo sau tư duy, là quán diệt sau khi tư duy về một đối tượng. (xem lại bài kệ đ.11)
21. Ðịnh rõ cả hai đều giống nhau nhờ sự suy diễn từ cùng một đối tượng, nghĩa là do diễn dịch, suy diễn từ các đối tượng được thấy bằng kinh nghiệm thực hành giả xác định được cả cái hiện tiền được thấy và cái vô hình chưa thấy, cả hai đều có sự tánh như sau: Phạm vi các hành đã tan rã trong quá khứ, sẽ tan rã ở vị lai, cũng như nó đang tan rã trong hiện tại. Do đó mà cổ đức dạy:
Với kiến thanh tịch đối với hành hiện tại.
Hành giả suy diễn rằng hành quá khứ và vị lai cũng thế,
hành giả suy diễn rằng tất cả hành đều biến mất.
Như những hạt sương mai khi mặt trời lên.
22. Chú tâm trên diệt: Sau khi định nghĩa cả hai (có mặt và khuất mặt) tức các hành đang hiện hữu và các hành đã qua hoặc chưa đến, đều giống nhau ở chỗ khả hoại, hành giả chú tâm đến sự hoại diệt của các hành, nghĩa là đến tịch diệt. Ðây gọi là tuệ đi sâu vào đặc tính diệt.
23. Sau khi tư duy trên đối tượng là sau khi biết đối tượng sắc.v..v Vị ấy quán tan rã: Sau khi thấy sự tan rã của đối tượng ấy, hành giả quán sự tan rã của cái tâm đã lấy sự tan rã đó làm đối tượng.
24. Khi ấy tướng là trống rỗng: Trong khi hành giả quán hoại diệt theo cách ấy, vị ấy thành công làm cho các hành đều có vẻ trống rỗng như sau: "Chỉ có các hành tan rã, sự tan rã của chúng gọi là chết, ngoài ra không có gì khác".
25. Là quán thuộc tăng thượng tuệ: tức là tư duy về đối tượng, quán diệt, tướng trống rỗng, cả ba gọi là quán thuộc tăng thượng tuệ.
26. Thiện xảo trong ba quán: Một tỷ kheo có khả năng trong ba quán vô thường, khổ, vô ngã. Và trong bốn tuệ khởi từ Vô dục, thiện xảo về ba tướng: là dễ hoại diệt, khủng khiếp và trống rỗng. Các tà kiến không lay động vị ấy: Vị ấy không bị lung lay về các loại kiến chấp như thường, đoạn, v..v..
27. Khi hành giả không còn lung lay và nhờ vậy, luôn luôn nhớ rằng cái chưa diệt sẽ diệt, chưa tan sẽ tan, thì vị ấy không kể sự sanh, trú, khởi và tướng của tất cả hành, các hành tiếp tục tan rã như đồ gốm vỡ tan khi bị đánh, như bụi nhỏ phân tán, như mè rang, và hành giả chỉ thấy sự tan rã của chúng. Như một người mắt sáng đứng trên bờ sông dưới cơn mưa lớn sẽ thấy những bọt nước ở trên mặt sông hiện ra rồi tan ngay sau đó, cũng vậy, hành giả luôn luôn thấy các hành tan hoại, và đức Thế tôn dạy về một thiền giả như thế là:
Hãy nhìn như bọt nước,
hãy nhìn như cảnh huyễn,
quán nhìn đời như vậy,
thần chết không bắt gặp. (Dhp. 170)
28. Khi hành giả thấy các hành luôn luôn tan rã như thế, thì sự quán hoại diệt tăng thịnh nơi vị ấy, đem lại 8 lợi ích như sau: Bỏ được tà kiến về hữu, bỏ bám víu vào sự sống, luôn luôn tinh cần, có mạng sống thanh tịnh, không còn lo âu, không sợ hãi, có được nhẫn lực và từ ái, điều phục được buồn chán và hoan lạc. Do đó cổ đức nói:
Khi thấy tám đức tính thù thắng này,
vị ấy quán các hành luôn luôn
thấy sự tan rã để đạt đến bất tử,
như bậc trí thấy khăn bịt đầu đang cháy. (S. v, 440)
Diệt trí đến đây là chấm dứt.
29. Khi hành giả tu tập, làm cho sung mãn như trên, sự quán hoại diệt, đối tượng của quán này là diệt, tức sự tan rã, rơi rụng, phân tán của các hành, thì khi ấy tất cả hành được phân loại theo các hữu, sanh, thú, trú và hữu tình cứ đều hiện rõ cho hành giả dưới hình thức một sự khủng khiếp vĩ đại như sư tử, cọp, beo, ma quỷ, la sát, bò mộng, chó dữ, voi điên, rắn độc xấu xí dị hình sấm sét, bãi tha ma, chiến địa, hố than hừng, v.v.. hiện ra trước mắt một người nhát gan khi y muốn sống yên ổn. Khi hành giả thấy các hành diệt một cách mau chóng như thế nào trong quá khứ, các hành hiện tại cũng đang diệt, các hành tương lai sẽ diệt thì bố úy trí sanh khởi nơi vị ấy.
30. Ví dụ: Ba con trai của một người đàn bà đã phạm pháp, bị vua ra lệnh chặt đầu. Bà đi theo các con đến nơi hành quyết. Khi chặt đầu đứa con cả xong, người ta khởi sự chặt đầu đứa thứ hai. Khi thấy đứa con cả bị chặt đầu, đứa con thứ đang bị, thì bà hết hy vọng cho đứa út, và nghĩ: "Nó cũng sẽ giống như các anh nó". Hành giả cũng thế, thấy các hành quá khứ diệt như bà mẹ thấy con cả đã đứt đầu. Thấy các hành hiện tại đang diệt, như mẹ thấy con thứ đang bị chặt đầu. Thấy sự diệt của các hành vị lai, như bà mẹ hết hy vọng đối với đứa con út, vì nghĩ: "các hành vị lai cũng sẽ diệt như thế". Khi thấy vậy, bố úy trí sanh nơi hành giả.
31. Một thí dụ khác. Một người đàn bà có tử cung nhiễm độc, đã sinh 10 con, trong số này, chín đứa đã chết, còn một đứa đang chết trong tay. Trong bụng bà còn một đứa nữa. Khi thấy chín đứa đã chết, đứa thứ 10 đang chết, thì bà hết hy vọng với đứa còn trong thai, vì nghĩ: "Rồi nó cũng sẽ như bọn này". Ðây cũng vậy, thiền giả thấy các hành quá khứ đã diệt giống như người đàn bà nhớ lại 9 đứa con đã chết. Hành giả thấy các hành hiện tại đang diệt, như bà mẹ thấy con trên tay đang chết. Hành giả thấy các hành vị lai sẽ diệt giống như bà mẹ hết hy vọng với đứa trong thai. Khi thấy vậy, trí bố úy sinh khởi nơi hành giả.
32. Nhưng cái trí bố úy đó, chính nó có sợ hãi, hay không sợ hãi? Nó không sợ. Vì chỉ có sự phán đoán rằng, hành quá khứ đã diệt, hành hiện tại đang diệt, hành vị lai sẽ diệt. Cũng như một người có mắt thấy ba hố than hừng ở cống đô thị, nhưng không sợ hãi, vì anh ta chỉ lập ra cái phán đoán rằng: người nào bất cứ, hễ rơi vào đó sẽ đau khổ không ít. Hoặc như khi một người có mắt nhìn ba cọc sắp thành hàng, một cọc bằng cây cau, một cọc sắt và một cọc bằng vàng, thì anh ta không sợ, mà chỉ tưởng tượng rằng, người nào té trên đấy sẽ đau khổ không ít. Cũng vậy, trí bố úy tự nó không sợ, mà chỉ lập phán đoán rằng trong ba loại hữu như ba "hố than hừng và ba cái cọc, các hành quá khứ đã diệt, các hành hiện tại đang diệt, các hành vị lai sẽ diệt.
33. Nhưng nó được gọi là "tướng đáng sợ" chỉ vì hành trong tất cả hữu sanh thú trú và hữu tình cư đều khủng khiếp, vì bắt buộc phải hoại diệt và bởi thế, chúng có vẻ đáng sợ.
Kinh văn liên hệ đến điều này như sau: "Khi hành giả tác ý vô thường, thì cái gì có vẻ khủng khiếp? Khi hành giả tác ý khổ, thì cái gì có vẻ khủng khiếp? Khi hành giả tác ý vô ngã, thì cái gì có vẻ khủng khiếp? Khi vị ấy tác ý vô thường, tướng có vẻ khủng khiếp, khi vị ấy tác ý khổ, sanh có vẻ kinh khủng. Khi tác ý vô ngã, tướng và sanh có vẻ khủng khiếp". (Ps. ii, 63)
34. Ở đây, tướng là tướng của hành. Ðây là danh từ chỉ các hành quá khứ, vị lai và hiện tại. Hành giả chỉ thấy cái chết của các hành khi các ý chúng là vô thường và bởi thế tướng hiện ra cho vị ấy là khủng khiếp. Sanh là sanh trong các loại hữu thước sắc và vô sắc. Hành giả thấy sự sanh - mặc dù thông thường cho là vui - chỉ như một tình trạng liên tục bị áp bức, khi vị ấy tác ý chúng là khổ, bởi thế sanh đối với vị ấy có vẻ khủng khiếp. Khi tác ý chúng là vô ngã, hành giả thấy cả tướng lẫn sanh là trống rỗng, vô vị, không vô chủ, không người hướng đạo, như khu làng trống, như ảo ảnh, như thành yêu quái v..v.. và như vậy, tướng và sanh đối với vị ấy có vẻ khủng khiếp.
Bố úy trí đến đây chấm dứt.
IV. Quá Hoạn Trí (Trí Quán Sự Nguy Hiểm)
35. Khi tu tập, làm cho sung mãn trí bố úy, hành giả không thấy một chỗ trú nào, chỗ nương nào, không chỗ nào để đi đến, không chỗ ẩn nấp nào trong các loại hữu, sanh, thú, thức trú và hữu tình cư. Trong tất cả loại hữu sanh thú trú và hữu tình cư, không một hành nào vị ấy có thể hi vọng, bám víu vào đó. Ba loại hữu bấy giờ đối với hành giả là những hố than hừng, bốn đại như rắc độc dị hợm. (S. iv,174), năm uẩn như những kẻ sát nhân đang tuốt kiếm giơ lên (S. iv,174), sáu nội xứ như khu làng trống, sáu ngoại xứ như kẻ cướp đang cướp bóc làng (S. iv, 174 - 5), bảy thức trú và chín hữu tình cư như đang bốc cháy, hừng hực, sáng rực với 11 ngọn lửa (S. iv,19), và tất cả hành có vẻ như một khối khổng lồ toàn những thứ nguy hiểm không khả ý, không thực chất, như ung nhọt, như bệnh, như mũi tên, như tai họa, như sầu não. (xem M. i,436). Như thế nào?
36. Chúng giống như một khu rừng với quang cảnh trông khả ái nhưng đầy thú dữ, một cái hang đầy cọp beo, một ao nước bị quỷ ám, một kẻ thù cướp gươm giơ lên, như thức ăn tẩm độc dược, như con đường đầy kẻ cướp, như hố than hừng, như bãi chiến địa kẻ thù đang thanh toán nhau... đối với kẻ nhát gan muốn sống yên ổn. Và cũng như người ấy sợ hãi khiếp đảm lông tóc dựng ngược, khi gặp phải một khu rừng có nhiều thú dữ, v.v.. và chỉ thấy toàn là hiểm nguy, cũng vậy, hành giả khi thấy các hành là kinh khủng do quán tan rã, thì thấy rằng chúng hoàn toàn không thực chất, không khả ý, thuần là hiểm nguy.
37. Thế nào tuệ (understanding) về tướng nguy hiểm được gọi là quá hoạn trí.
(la) Tuệ về tướng kinh khủng" như sau: "Sanh là kinh khủng" là quá hoạn trí Tuệ về tướng kinh khủng như sau: "Khởi là kinh khủng" (occurence = khởi; arising = sanh) .. Tướng là kinh khủng... Tích lũy là kinh khủng... Kiết sanh là kinh khủng... Thú (destiny) là kinh khủng... Sanh loại (generation) là kinh khủng... Tái xuất hiện (re-arising) là kinh khủng.. Sanh.. Già... Bệnh... chết là kinh khủng.. Sầu là kinh khủng... Tuệ về tướng kinh khủng như sau: "Bi là kinh khủng" là quá hoạn trí. Tuệ về tướng kinh khủng như sau: "Não là kinh khủng" là quá hoạn trí.
(1b) Trí biết tình trạng an ổn là: "Không sanh là an ổn... không khởi là an ổn... v.v. Trí biết tình trạng an ổn là: "Không não là an ổn".
(1c) Trí biết tình trạng an ổn là: "Sanh là khủng khiếp, không sanh là an ổn". Trí biết tình trạng an ổn là: "Khởi là khủng khiếp, không khởi là an ổn".. "Não là khủng khiếp, vô não là an ổn"
(2a) Tuệ về tướng khủng khiếp: "Sanh là khổ", là quá hoạn trí... "Não là khổ", quá hoạn trí.
(2b) Trí (knowedge) biết tình trạng an ổn là: "Không sanh là lạc", v.v.. "Không não là lạc".
(2c) Trí biết tình trạng an ổn là: "Sanh là khổ, không sanh là lạc" v.v. "Não là khổ, không não là lạc".
(3a) Tuệ là tướng khủng khiếp như: "Sanh là thế gian", là quá hoạn trí.. "Não là thế gian" là quá hoạn trí.
(3b) Trí biết tình trạng an ổn là: "không sanh là xuất thế".. "không não là xuất thế"
(3c) Trí biết tình trạng an ổn là: "Sanh là thế gian, không sanh là xuất thế"... "Não là thế gian, không não là xuất thế".
(4a) Tuệ về tướng khủng khiếp: "Sanh là các hành" là quá hoạn trí... "Não là các hành" là quá hoạn trí.
(4b) Trí biết tình trạng an ổn là: "Không sanh là Niết bàn"... Trí biết tình trạng an ổn là: "Không não là Niết bàn".
(4c) Trí biết tình trạng an ổn là: "Sanh là các hành, không sanh là Niết bàn"... "Não là các hành, không não là Niết bàn".
"Vị ấy quán là khổ
Sự sanh, khởi và tướng
tích lũy, kiết sanh.
và đây là quá hoạn trí.
Vị ấy quán là lạc, sư không sanh
không khởi, không tưởng
không tích lũy, không kiết sanh.
Và đây là trí an ổn của vị ấy.
Quá hoạn tri này
Có năm nguồn gốc
Trí an ổn cũng có năm nguồn gốc.
Vị ấy tuệ trí (understands) 10 trí
Khi thiện xảo về cả hai loại trí này
Thì những tà kiến đủ loại không lay động đuợc vị ấy"
Trí là nói theo nghĩa cái được biết (sở tri), còn tuệ là hành vi hiểu biết (năng tri). Do vậy nói: "Tuệ về tướng kinh khủng là Quá hoạn tri" (Ps. i, 59)
38. Ở đây, Sanh là sự xuất hiện trong cõi hữu này, với nghiệp trước làm duyên. Khởi là sự khởi lên của những gì đã sanh theo cách ấy. Tướng là tướng của tất cả hành. Tích lũy là nghiệp làm nhân cho kiết sanh tương lai. Kiết sanh là sự xuất hiện trong tương lai. Thủ là cõi (trời, người súc sanh..) trong đó kiết sanh xảy ra. Sanh loại (generation) là sự sanh các uẩn. Tái xuất hiện là sự sanh khởi của nghiệp dị thục, được nói như sau:
"Nơi một người đã đạt đến đấy hay tái sanh tại đấy" (Dhs. 1282). Sanh là sanh ra do hữu làm duyên, và chính sanh này là một duyên cho già chết. Già, bệnh chết... đã rõ.
39. Và ở đây, chỉ có 5 pháp khởi từ sanh, được nói kể như những đối tượng thực sự qua quá hoạn trí. Những cái khác đều là đồng nghĩa với chúng. Vì "sanh" và "sanh loại" là đồng nghĩa với "khởi và kiết sanh". Hai từ "thủ" và "tái hiện" (hay tái sanh) đồng nghĩa với sanh khởi, Già, v.v.. đồng nghĩa với "tướng". Do đó nói:
Hành giả quán là khổ
Sự sanh, khởi và tướng
tích lũy và kiết sanh.
Và đây là quá hoạn trí.
Trí quá hoạn này,
có 5 nguồn gốc (xem đ.37)
40. "Trí về tình trạng an ổn là: "Không sanh là an ổn, v.v. điều này nói ra để nêu lên cái loại trí ngược lại với quá hoạn trí. Hoặc, khi được nói như vậy, rằng có sự an ổn thoát mọi hãi hùng, nguy hiểm, đó là để an ủi những người tâm thần tán loạn do thấy nguy hiểm qua tướng khủng khiếp. Hoặc, khi sanh, v.v. đã rõ rệt là tướng kinh khủng, thì tâm hành giả khuynh hướng về những pháp đối lập với chúng, bởi thế, trí về an ổn này được nói để chỉ rõ những lợi lạc trong trí quá hoạn do tướng khủng khiếp đem lại.
41. Và ở đây, (1a) cái gì khủng khiếp dĩ nhiên là (2a) khổ, cái gì khổ thì thuần là (3a) thế gian vì nó không thoát khỏi tánh thế tục của những vòng tái sanh, của thế gian và của phiền não.
[Chú thích: Pm. Ðịnh nghĩa ba thứ thế gian tinh (àmisa) như sau: thế gian tinh của vòng luân chuyển, tức ba vị quá khứ vị lai hiện tại, thế gian tình của thế tục, tức 5 tục trưởng dường gồm tài, sắc, danh, ân, ngã, vì chúng có thể đưa đến cấu uế, thế gian tình của phiền não là chính những cấu uế (Pm. 836)]
Và cái gì là thế gian thì chỉ là (4a) các hành, bởi thế mà nói: (2a) Tuệ về tướng kinh khủng "sanh là khổ, gọi là quá hoạn trí"..v..v. Và tuy nhiên, có một sự khác biệt cần hiểu ở đây về cách, sanh của các pháp ấy, vì có sự khác biệt trong hình thái của chúng: hình thái khủng khiếp, hình thái đau khổ, và hình thái thế tục.
42. Vị ấy tuệ trí mười in: người nào hiểu được quá hoạn trí sẽ hiểu được, thâm nhập, chứng 10 loại trí là năm trí căn cứ trên sanh, v.v. và 5 trí căn cứ trên sự không sanh, v.v. Khi thiện xảo về hai thức trí này, nghĩa là trí về sự nguy hiểm và trí về an ổn, thì các tà kiến đủ loại không lay động được vị ấy, vị ấy không giao động vì các kiến chấp như: "Niết bàn tối hậu là ở đây và bây giờ". Những gì còn lại đã rõ.
Ðấy là quá hoạn trí.
43. Khi thấy các hành là nguy hiểm, hành giả trở nên vô dục đối với tất cả các loại hành thuộc tất cả hữu, thủ, thức trú, hữu tình cư. Vị ấy không thỏa mãn, thích thú trong đó. Cũng như con ngỗng vàng yêu mến chân núi không thích thú với ao đầm hôi hám ở cổng làng tiện dân, mà chỉ ưa thích miền Thất hồ (xem Ch. XIII, 38) cũng vậy, hành giả này không thích thú trong các hành đủ loại đã được thấy rõ là nguy hiểm, mà chỉ thích thú trong bảy tuệ quán, vì vị ấy ưa thích tụ tập. Và cũng như sư tử vua của loài thú, không thích thú ở trong cái củi vàng, mà thích núi đồi Hy mã lạp sơn rộng ba ngàn dặm, cũng thế sư tử thiền gia này không thích ba hữu thiện thủ, [Các cõi trời dục giới, cõi phạm thiên sắc giới, và vô sắc giới] mà chỉ thích ba pháp quán. Và cũng như con voi sáu ngà Chaddanta vua của loài voi, có thần lực đi giữa hư không, không thích đô thị mà chỉ yêu mến vùng ao hồ và núi rừng phủ tuyết, cũng vậy, thiền giả này không tìm thấy thích thú trong bất cứ hành nào, mà chỉ yêu thích trạng thái an ổn được thấy như sau: "không sanh là an ổn", và tâm vị ấy hướng đến, thiên về phía ấy.
Trí vô dục đến đây chấm dứt.
44. Trí quá hoạn cũng như hai trí sau cùng về ý nghĩa. Do vậy, cổ đức nói: "Trí bố úy chỉ có một nhưng ba tên khác nhau. Trí ấy thấy các hành là kinh khủng, nên gọi là "Bố úy trí". Nó làm khơi dậy tướng nguy hiểm trong những hành ấy, nên gọi là "Trí vô dục". Lại nữa, kinh cũng nói: "Tuệ về tướng khủng khiếp, Bố úy trí và Vô dục trí, ba thứ này chỉ là một về nghĩa, chỉ khác danh từ" (Pm. ii, 63)
45. Khi nhờ trí vô dục thiên nam tử trở nên vô dục đối với bất cứ loại hành nào trong các hữu sanh, thủ, trú và hữu tình cư, không thỏa mãn, thích thú trong đó, thì tâm vị ấy không còn bám víu, ràng buộc vào chúng, và vị ấy mong muốn giải thoát toàn thể các hành thoát ly khỏi chúng. Như thế nào?
46. Như một con cá trong lưới, con cóc trong hàm rắn, con thú mắc bẫy, con nai sa lưới, con rắn trong tay kẻ bắt rắn, voi sa lầy, long vương trong miệng thần Supanna, mặt trăng trong miệng Rabu (nguyệt thực), như người bị kẻ thù vậy, v.v. tất cả những sinh vật này đều mong muốn giải thoát, cũng vậy, tâm hành giả muốn giải thoát toàn thể các hành, thoát ly khỏi chúng. Khi vị ấy không còn nương tựa vào bất cứ loại hành nào nữa, mà mong mỏi giải thoát tất cả hành, thì dục thoát trí sanh khởi nơi vị ấy.
Trí dục thoát đến đây là hết.
VII. Tư Duy Trí
47. Khi muốn giải thoát khỏi tất cả các hành, thuộc các hữu, sanh, thú, trú và hữu tình cư, hành giả phải phân tích chúng, gán cho chúng ba đặc tính bằng trí tư duy.
48. Vị ấy thấy các hành là vô thường, vì: chúng không liên tục, tạm bợ, bị giới hạn bởi sinh và diệt, phân tán, phù du, khả hoại, không bền, chịu biến đổi, không có lõi, phải đoạn diệt, hữu vi, phải chết, v.v..
Vị ấy thấy các hành là khổ, vì: chúng liên tục bị bức bách, khó chịu, là căn cứ cho khổ, là bệnh, ung nhọt, mủi tên, tai họa, đau khổ, cơn dịch, ương ách, khủng khiếp, đe dọa, vô bộ, không phải chỗ trú, không phải chỗ nương, một mối nguy, căn để của họa hoạn, sát nhân, hữu lậu, mồi của ma, bị sanh già bệnh, sầu bi não, cấu uế, v.v.
Vị ấy thấy các hành là bất tịnh xấu xí - hệ luận của đặc tính khổ, vì: chúng đáng phản đối, hôi hám, ghê tởm, gớm ghiếc, dù có ngụy trang cũng vô ích, vì chúng dị hình, khả ố, v.v.
Vị ấy thấy tất cả hành là vô ngã, vì: chúng xa lạ, trống rỗng, vô vị, vô chủ, không sáng tạo chủ, không có năng lực gì có thể thi thố trên chúng, v.v.
Khi thấy các hành như trên, vị ấy được xem là phân biệt các hành bằng cách gán cho 4 đặc tính cho chúng.
49. Nhưng tại sao hành giả phân biệt chúng theo cách ấy? Ðể mưu cầu phương tiện giải thoát. Ðây là một ví dụ: Một người nghĩ đến việc bắt một con cá. Anh ta lấy một cái lưới tung vào nước. Anh bỏ tay vào miệng lưới trong nước, và nắm được cái cổ của một con rắn. Mừng rỡ, anh nghĩ: "Ta đã bắt được một con cá" Với sự tin tưởng mình đã bắt được một con cá lớn, anh dở lên nhìn. Khi trông thấy ba đốm, anh nhận ra đó là một con rắn và đâm ra hoảng sợ. Thấy nguy hiểm, anh cảm thấy hết thèm, đổi ngược với cái anh vừa bắt được, và muốn thoát ly nó. Tìm cách thoát, anh ta tháo những khoanh rắn ra khỏi tay, khởi từ cái đuôi của nó. Rồi đưa tay lên, sau khi đã làm kiệt sức con rắn bằng cách vặn hai ba vòng cái đầu nó, anh ném nó ra xa, la lên: "Cút đi, đồ yêu quái". Anh vội bò lên đất khô, đứng nhìn lại chỗ cũ, nghĩ: "Ối giời, ta vừa thoát khỏi nanh vút một con rắn khổng lồ!".
50. Ở đây, thời gian hành giả vui mừng vì có ngã, là như người kia mừng vì nắm được cổ rắn. Hành giả thấy ba đặc tính trong các hành, sau khi phân tích toàn khối thành ra tứ đ?i, là như người kia thấy ba đốm khi kéo đầu con rắn ra khỏi miệng lưới. Hành giả biết tướng khủng khiếp là như lúc người kia sợ hãi. Trí quá hoạn là như người kia thấy mối nguy. Trí vô dục là như người kia dội ngược với cái vật anh ta bắt được. Trí dục thoát là như người kia thoát khỏi con rắn. Sự gán ba đặc tính cho các hành bằng tư duy trí, là người kia tìm phương thoát khỏi con rắn. Cũng như người kia làm kiệt sức con rắn bằng cách quay tròn nó, giữ nó cách xa, làm nó hết khả năng cắn mổ, nhờ vậy anh ta thoát được, hành giả cũng làm yếu các hành bằng cách lắc qua lắc lại chúng với ba đặc tính, khiến chúng không còn xuất hiện trở lại dưới hình thức thường lạc ngã tịnh, và nhờ vậy hành giả được giải thoát. Do đó trên đây nói rằng: "Hành giả phân biệt các hành theo cách ấy để mưu cầu phương tiện giải thoát.
51. Ở điểm này, trí tư duy đã khởi lên nơi vị ấy. Về trí này, được nói như sau: "Khi hành giả tác ý vô thường, thì nơi vị ấy trí khởi lên sau khi tư duy về cái gì? Khi hành giả tác ý khổ... vô ngã, thì nơi vị ấy, trí khởi lên sau khi tư duy về cái gì? Khi hành giả tác ý vô thường, thì nơi vị ấy trí khởi lên sau khi tư duy về tướng. Khi hành giả tác ý khổ, thì nơi vị ấy trí khởi lên sau khi tư duy về sanh. Khi hành giả tác ý vô ngã, thì nơi vị ấy trí khởi lên sau khi tư duy về tướng và sanh. (Ps. ii, 63).
52. Ở đây, sau khi tư duy về tướng có nghĩa, sau khi đã biết tướng của các hành, nhờ đặc tính vô thường, là không bền, tạm bợ. Dĩ nhiên, không phải trước đã biết rồi, sau trí mới khởi lên, nhưng sở dĩ nói vậy là theo thế tục, như đoạn nói: "Do duyên tâm và tâm pháp, mà ý thức sanh" (M. i, 112) v.v.. Hoặc có thể hiểu là nó được diễn tả theo phương pháp Ðồng nhất bằng cách đồng nhất cái trước với cái sau. Ý nghĩa của sanh, tướng và sanh cũng cần hiểu như vậy.
Trí tư duy đến đây chấm dứt.
-ooOoo-
Chương XXI (b)
Phân Biệt Các Hành Là Trống Rỗng
53. Sau khi phân biệt nhờ trí tư duy, rằng "tất cả hành là trống rỗng" (S. iii, 167) hành giả lại phân biệt tính cách trống rỗng trong tương quan luận lý hai chiều như sau: "Cái này không ngã, không ngã sở" (M. ii, 263)
[Chú thích: Dvisotika, luận lý hai chiều, và Càtukotlka - luận lý bốn chiều, xem Buddhist Logic của Th. Scherbatsky, tr. 60-1, ghi chú 5]
Khi đã thấy rằng không có một cái ngã, hay bất cứ gì, vật hay người, chiếm địa vị một cái ngã, hành giả lại phân tích sự trống rỗng trong tương quan luận lý bốn chiều, như đoạn: "Ta không là sở hữu của bất cứ kẻ nào, ở đâu, cũng không đâu có sự sở hữu ta, trong bất cứ kẻ nào. (M. ii, 263). Như thế nào?
[Chú thích: Có nhiều bản khác nhau về đoạn kinh này, như A. i, 206; ii, 177; iii, 170. Lại có nhiều sớ giải khác nhau. Ở đây theo khảo sát nhiều bản. Ðây là một đoạn kinh khó hiểu, dường như là một câu đầu lưỡi những người ngoại giáo, một thành ngữ của lõa thể Ni kiền tử (A. i, 206) dùng để nói về Không vô biên xứ (M. iii, 263), trong đó ý sau cùng được du nhập vào Phật giáo kể như một điều có thể làm căn cứ phân biệt chánh kiến tà kiến, tùy cách nhìn. Luận về đoạn này được Pm. tóm tắt như sau: "Nàham kvacini: Vị ấy thấy sự phi hữu của một cái ngã nơi chính mình. Na kassaci kincanat'asmim: Về chính tự ngã của mình, vị ấy thấy rằng nó cũng không là sở hữu của một tự ngã nào của kẻ khác. Vị ấy thấy sự người khác như sau: "Không có tự ngã của một người khác, ở bất cứ chỗ nào". Về người khác, vị ấy thấy rằng họ cũng không là sở hữu của tự ngã mình như sau: "Tôi cũng không sở hữu tự ngã của người khác" Vậy, cái tập hợp các hành này, khi được phân tích thành trống rỗng với luận lý bốn chiều ấy, được thấy là không ngã, ngã sở, về cả hai uẩn nội ngoại.-- Pm. 840-1]
54. (1) Thiền giả này, khi nghĩ: "Ta không có một tự ngã bất cứ ở đâu" (nàham kvacani), vị ấy không thấy một cái ngã bất cứ ở chỗ nào. (2) Khi nghĩ: "Ta không là sở hữu của bất cứ ai" (kassaci kincanat' asmim), vị ấy không thấy một tự ngã nào của chính mình được suy diễn từ sở hữu của một người khác, như người anh sở hữu nó, hay người bạn sở hữu nó, v.v. (3) na ca mama kvacani, vị ấy không thấy tự ngã của một kẻ khác ở bất cứ đâu; (4) (mama) kisminci kincanat' atthi, vị ấy không thấy có tự ngã một người khác, được suy diễn từ sở hữu của mình hay của một người anh, v.v. Ðây là cách phân tích sự trống rỗng theo tương quan luận lý bốn chiều.
55. Sau khi phân tích sự trống rỗng như trên, hành giả lại phân tích tính trống rỗng theo cách sau. Như thế nào? (1) Con mắt không là ngã, (2) không phải ngã sở, (3) không thường, (4) không bền bĩ, (5) không bất diệt, (6) không phải không biến, đổi. Cũng vậy... ); sắc... pháp. nhận thức... ý thức... ý xúc... già chết" (xem Ch. XX, 9)
56. Sau khi phân tích sự trống rỗng theo sáu cách trên hành giả lại phân tích theo 8 cách, là: "Sắc không có lợi, không tâm điểm, không thực chất về phương diện; (1) thường, (2) bền bỉ, (3) lạc, (4) ngã, hoặc về phương diện (5) cái gì thường, (6) cái gì bền bỉ, (7) cái gì bất diệt, (8) cái không bị biến đổi. Theo tương hành, thức còn mãi cho đến già chết (như trên) cũng vậy. Như cây lau không có lõi, không có ruột, không có tâm điểm, như cây thầu dầu,? ... không có tâm điểm, không có lõi, không thực chất, cùng vậy là sắc... cho đến già chết. (Nd2. 184-185)
57. Sau đó hành giả lại phân tích sự trống rỗng theo 10 cách: "Vị ấy thấy sắc là trống rỗng, vô vị, vô ngã, không chủ tể, không thể làm như ý ta muốn, không thể bị sở hữu như ý ta muốn, không chịu sự chi phối của một quyền năng, là xa lạ, tách biệt với quá khứ và vị lai. Vị ấy thấy thọ... thức là trống rỗng.. tách biệt quá khứ vị lai". [Chú thích: nghĩa là, nhân và quả tách biệt nhau]
58. Sau đó lại phân tích theo 12 kiểu: "Sắc không ngã, không linh hồn, không là người, không nam, không nữ, không tự ngã, không ngã sở, không ta, không của ta, không của người, không bất cứ của ai".
59. Hành giả lại phân tích tính trống rỗng theo 42 kiểu bằng tuệ liễu tri kế như suy đạt: "Vị ấy thấy sắc là vô thường, khổ, bệnh, ung nhọt, mũi tên, tai họa, sầu khổ, xa lạ, phân tán, cơn dịch, ương ách, khủng bố, đe dọa, phù du, khả hoại, không bền, vô hộ, không chỗ trú, không chỗ nương, không thích hợp làm chỗ nương, trống rỗng, vô vị, không vô ngã, không khả ý, nguy hiểm, phải bị biến đ?i, không có lõi, gốc rễ của tai ương, sát nhân, phải đoạn diệt, hữu lậu, hữu vi, mồi của ma, phải chịu sanh, già, bệnh, chết, sầu bi khổ ưu não; sanh khởi, ra đi; mối nguy, thoát ly. Vị ấy thấy thọ... (như trên).. thoát ly" (Ps. ii, 238)
60. Và điều này đã được nói: "Khi vị ấy thấy sắc là vô thường... là thoát ly vị ấy nhìn thế gian là trống rỗng. Khi thấy thọ tưởng hành thức là vô thường.. thoát ly, vị ấy nhìn thế gian là trống rỗng.
Hãy nhìn thế gian là trống rỗng,
Này Mogharàja, như vậy, luôn tính giác
Người ấy có thể thoát nanh vút tử thần
Do từ bỏ tin tưởng vào ngã.
Vì tử thần không thể thấy con người
nhìn thế gian với cách ấy. (Sn. 1119)
VIII. Trí Hành Xả
61. Khi hành giả đã phân biệt các hành bằng cách gán ba đặc tính cho chúng và thấy chúng trống rỗng như thế, vị ấy từ bỏ cả khiếp sợ và thích thú, trở nên dửng dưng không xem chúng là tôi hay của tôi, vị ấy giống như một người đã ly dị với vợ.
62. Ví như có người cưới một người vợ yêu kiều, khả ái, duyên dáng, anh ta yêu nàng say đắm tới nổi không thể chịu được sự phân ly với nàng dù chỉ trong chốc lát. Anh ta thường bị giao động bực bội khi thấy nàng đứng ngồi nói cười với một người đàn ông khác, và rất khổ sở.
Nhưng một thời gian, thấy những lỗi lầm của người đàn bà ấy, anh muốn thoát ly và ly dị nàng, không muốn xem nàng là "của tôi" nữa. Từ đó, dù có thấy nàng làm bất cứ gì, với bất cứ ai anh cũng không còn bị giao động, phiền hà, mà trái lại, vẫn như không. Cũng vậy, thiền giả vì muốn thoát tất cả hành, phân biệt các hành bằng trí tư duy và thấy không có gì để cho là "tôi" hay "của tôi", hành giả từ bỏ cả sợ hãi lẫn thích thú và trở nên dửng dưng đối với tất cả hành.
63. Khi hành giả biết và thấy như vậy, tâm vị ấy lùi lại, co rút lại trước ba hữu, bốn sanh, năm thú, bảy thức trú và chín hữu tình cư, tâm vị ấy không đi đến các thứ ấy nữa. Xả hay sự ghê tởm đã được an trú, như những giọt nước lùi lại, co lại, không trải ra trên ngọn lá sen, cũng thế tâm vị ấy lùi lại, co lại trước ba hữu. Xả, hay sự ghê tởm đã an trú.
Với cách ấy, nơi hành giả khởi lên cái gọi là Hành xả trí.
64. Nhưng nếu trí này thấy được Niết bàn, trạng thái an ổn là an lạc thì nó chối bỏ sự sanh tất cả các hành và chỉ có thể nhập Niết bàn mà thôi. Nó không thấy Niết bàn là an ổn, thì nó sẽ sanh trở lại nhiều lần, với các hành làm đối tượng, như con quạ của các thủy thủ.
65. Khi đi biển, những thương gia thường mang theo con quạ để tìm đất liền. Khi thuyền bị bão tố thổi lạc quỹ đạo, trôi giạt không thấy đất liền, họ sẽ thả chim ra. Nó bay khỏi cột buồm, và sau khi thám hiểm bốn hướng, nếu thấy đất liền, no sẽ bay về hướng đó. Nếu không thấy đất liền, nó sẽ bay trở lại đậu trên cột buồm. Cũng thế, nếu trí hành xả thấy được Niết bàn, trạng thái an ổn là an lạc, thì nó sẽ từ bỏ sự sanh tất cả hành và chỉ thâm nhập Niết bàn mà thôi. Nếu nó không thấy điều ấy, thì nó sẽ mãi mãi sanh trở lại, với các hành làm đối tượng.
66. Bây giờ, sau khi phân tích các hành theo những kiểu khác nhau như sàn bột trên mé khay, như chải bông để lọc bỏ hột goòng, và sau khi từ bỏ kinh khủng lẫn thích thú, trở nên dửng dưng khi suy đạt các hành, vị ấy vẫn kiên trì trong ba quán, và sau khi làm như vậy, quán trí đi vào trạng thái Ba cửa ngõ đưa đến giải thoát (tam giải thoát môn), và trở thành điều kiện cho sự phân thứ bực các bậc thánh ra làm bảy bực.
Ba Cửa Ðến Giải Thoát ( Tam Giải Thoát Môn)
Trí ấy đi vào giải thoát? ba căn, tùy theo quán tuệ sanh khởi theo một trong ba cách.
[Chú thích: Khi tuệ đạt đến tột đỉnh, nó an trú vào một trong 3 quán và 18 quán đều bao gồm trong ba quán này. Ba căn là tín, định và tuệ. "Với sự thù thắng" có nghĩa là, sự ưu thắng của các pháp tương ứng, như tín cần mang nơi người quán vô thường nhiều, định cần mang nơi người quán khổ, và tuệ cần mang nơi người quán vô ngã. Bởi vậy, cả ba căn này được tăng cường về ba quán ấy làm phát sinh sự thế nhập ba giải thoát môn. (Pm. 844)]
67. Vì chính ba pháp quán được gọi là Ba cửa đi đến giải thoát, như được nói: "Nhưng ba cửa ngõ đến giải thoát này dẫn đến lối ra khỏi thế gian, nghĩa là:
(1) đưa đến sự thấy được các hành đều bị giới hạn, bị bao vây, và đưa đến sự thâm nhập của tâm vào "Vô tướng giới",
(2) đưa đến sự khơi dậy của ý đối với tất cả các hành, và đến sự thâm nhập vào "Ly dục giới",
(3) đưa đến sự thấy tất cả pháp là xa lạ, và đến sự thâm nhập của tâm vào "Không giới".
Ba giải thoát môn này đưa đến lối ra khỏi thế gian" (Ps. ii,48).
[Chú thích: Quán vô thường thấy các hành là bị nạn cuộc bởi sanh ở đầu và diệt ở cuối, và thấy rằng, chính vì chúng có đầu và cuối nên vô thường. "Vào vô tướng giới" là vô vị giới, được cái tên "vô tướng" vì nó đối lại với tướng các hành. "Ðến sự thâm nhập của tâm": đến sự hoàn toàn thâm nhập của tâm tăng thượng, nhờ trí thuận thứ, sau khi định giới hạn. "Vào ly dục giới" là vào vô vi giới, được cái tên "ly dục" do không có dục tham, v.v. "Vào không giới" cũng là vô vị giới, được cái tên "không" vì không ngã.-- Pm. 845].
68. Ở đây, "bị giới hạn, bị bao vây" nghĩa là vừa bị giới hạn bởi sinh diệt, vừa bị vây bủa bởi sinh diệt. Vì quán vô thường giới hạn các hành như sau: Các hành không hiện hữu trước khi chúng sanh ra, và khi tìm hiểu số phận chúng, thấy chúng "bị vây bủa" như sau: "Chúng không thoát khỏi diệt, chúng tan biến sau khi diệt. Ðưa đến sự khơi dậy của ý": bằng cách đem lại cho tâm một ý thức khẩn trương, vị, với pháp quán khổ, tâm có được ý thức khẩn trương đối với các hành. "Ðưa đến sự thấy xa lạ" nghĩa là đưa đến sự thấy rằng các hành không là tôi hay của tôi.
69. Vậy, ba mệnh đề này cần hiểu là diễn đạt các pháp quán vô thường, khổ, vô ngã. Do đó, trong câu trả lời cho câu hỏi kế tiếp (được nêu trong luận Patisambhidà), nói: "Khi hành giả tác ý vô thường, các hành đối với vị ấy là khả hoại, khi hành giả tác ý khổ, các hành đối với vị ấy là khởi chúng, khi hành giả tác ý vô ngã, các hành đối với vị ấy là trống không". (Ps. ii, 48)
70. Nhưng pháp quán hay là cửa ngõ đưa đến những thứ giải thoát nào? Ðó là ba thứ, ở tướng, ly dục và không.?
71. Và ở đây, vô tướng giải thoát cần được hiểu là thành đạo đã phải?
72. Nhưng trong Abluanamme lại nói: "Vào lúc vị ấy tu tập thiền, siêu thế. - một ngõ đưa đến sự phân tán (ra 7 cặp) - sau khi từ bỏ tà kiến với sự? đạt đến cấp bực thứ nhất ly dục... vị ấy chứng và trú sơ thiền, không có dục... trống không" (Dhs. 510) Như vậy, chỉ đề cập hai giải thoát. Ðiều này anh chỉ cái cách mà tuệ đạt đến đạo lộ và được diễn đạt theo nghĩa đen.
73. Tuy nhiên, trong Patisambhidà, quán trí được diễn tả như sau: (1) Trước hết nó được tả là không giải thoát vì thoát khỏi là giải vô các hành" Trí quán vô thường là không giải thoát vì nó giải thoát khỏi lối (tà) giải các hành là thường. Trí quán khổ là Không giải thoát, vì nó thoát khỏi là giải chúng là lạc. Trí quán vô ngã là Không giải thoát, vì nó thoát khỏi là giải các hành là ngã" (Ps. ii, 67). (2) Rồi nó lại được diễn tả là vô tướng giải thoát nhờ thoát khỏi các tướng: "Trí quán vô thường là vô tướng giải thoát, vì nó giải thoát khỏi tướng các hành là thường. Trí quán khổ là Vô tướng giải thoát, vì nó giải thoát khỏi tướng các hành là lạc. Trí quán vô ngã là Vô tướng giải thoát, vì nó giải thoát tướng các hành là ngã" (Ps. ii, 68). (3) Cuối cùng, nó được diễn tả là Ly dục giải thoát do sự giải thoát dục vọng của nó: "Trí quán vô thường là ly dục giải thoát (hay Vô nguyện Giải thoát) vì nó giải thoát khỏi dục đối với các hành được xem là thường, trí quán khổ là ly dục Giải thoát vì nó giải thoát khỏi dục đối với các hành được xem là lạc. Trí quán vô ngã là ly dục giải thoát, vì nó giải thoát khỏi dục đối với các hành được xem là ngã. (Ps. ii, 68). Nhưng, mặc dù được nói như vậy, quán trí không phải vô tướng theo nghĩa đen, vì không có sự từ bỏ tướng các hành (kể như hữu vi, ở đây, để phân biệt với hành kể như vô thường v.v..) Nhưng Không và Ly dục thì theo nghĩa đen. Và chính vào sát-na đạo lộ. Ðó là lý do tại sao A tì đàm chỉ đề cập hai giải thoát là Không và Ly dục.
Ðấy là Luận về các giải thoát.
[Chú thích: "Tại sao vô tướng tuệ không thể đem lại tên nó cho đạo lộ khi nó đạt đến đạo lộ? Dĩ nhiên, tướng được gọi đến trong kinh như sau: "Hãy tu tập vô tướng, từ bỏ?" (Sn. 342) Nhưng mặc dù nó loại bỏ các tướng thường, bền bỉ và? chính nó vẫn còn có tướng và đưa tâm đến các pháp bỏ tướng. Lại nữa, Abhidhamma là giáo lý theo nghĩa?. Vì vô tướng giải thoát được nói phù hợp với quán vô thường, và trong pháp quán này, tín căn thạnh. Nhưng tín căn không được đại biểu bởi bất cứ yếu tố nào của đạo lộ, nếu không đem lại cho đạo lộ cái tên của nó, vì nó không thuộc thành phần nào trong đạo lộ. Trong trường hợp như cái kia, thì Ly dục, Giải thoát là do quán khổ, Không Giải thoát là do quán vô ngã. Trong Ly dục Giải thoát, thì định là thù thắng và trong Không Giải Thoát, tuệ cần thù thắng. Vì định và định và tuệ cũng là những chi phần của đạo lộ, nên chúng có thể được lấy làm cái tên của đạo lộ, nhưng không có vô tướng đạo lộ vì chi phần "vô tướng" không có.
Nhưng lại có người nói rằng có một đạo lộ vô tướng, và mặc dù không có tên này do cách thức tuệ đạt đến đạo lộ, nó cũng được tên này từ một đức đặc biệt của riêng nó, và từ đối tượng của nó. Theo quan niệm những người này, thì đạo lộ Ly dục và Không đáng lẻ cũng được tên ấy từ các đức đặc biệt và từ đối tượng của chúng. Như vậy là sai. Tại sao? Bởi vì đạo lộ có tên của nó theo hai lý do: do bản chất của chính nó, và do cái nó khắc chế. Có nghĩa là do tự tánh của nó, và do cái ngược lại với nó. Vì đạo lộ Ly dục là thoát khỏi dục do tham, vv.. và đạo lộ "Không" cũng thoát khỏi tham, cho nên cả hai đều có tên từ tự tính của chúng. Tương tự như thế, đạo lộ ly dục là ngược với dục và đạo lộ. "Không" là ngược với sự tà giải rằng có ngã, bởi thế chúng được tên của chúng từ những gì chúng khắc chế. Còn trái lại, đạo lộ vô tướng chỉ được tên của nó từ tự tính của chính nó, do ở trong nó không có cái tướng của tham, v.v... hay của thường, v.v... nhưng do cái mà nó chống lại. Vì nó không chống lại quán vô thường pháp quán này có đối tượng của nó là tướng của các hành kể như hữu vi - mà còn thỏa hiệp với pháp quán ấy. Bởi vậy, một đạo lộ vô tướng là hoàn toàn không thể chấp nhận, theo quan điểm các Luận sư A tỳ đàm. Do đó nói "Ðiều này ám chỉ cái cách tuệ đạt đến đạo lộ và được diễn tả theo nghĩa đen" (đ. 72)].
74. Ở trên đây có nói: "Nó trở thành điều kiện cho sự xếp hạng các vị Thánh ra bảy bực (đoạn 66). Ở đây, trước hết có bảy hạng hiền thánh này: (1) Tùy tín hành, (2) Tín giải thoát, (3) Thân chứng, (4) Câu phần giải thoát, (5) Tùy pháp hành, (6) Kiến đáo, (7) Tuệ giải thoát. Trí hành xả này là một điều kiện cho sự xếp hạng 7 loại hiền thánh này.
75. Khi một người tác ý các hành là vô thường và, vì có nguyện lực (quyết định) lớn, đạt được tín căn, vị ấy trở thành một tín hành giả và sát-na. Dự lưu đạo và trường hợp ba đạo trên đó và bốn quả, vị ấy thành bậc Tín giải thoát. Khi một người tác ý các hành là khổ và, vì có định lực lớn, đạt được định căn, vị ấy được gọi là bậc Thân chứng trong cả 8 bực. Vị ấy được gọi là bậc Câu phần giải thoát khi đã đạt đến quả tối thượng sau khi đắc luôn các thiền vô sắc. Khi một người tác ý các hành là vô ngã và, vì có tuệ lớn, đắc tuệ căn, trở thành một bậc Tùy pháp hành vào sát-na Dự lưu đạo, trong sáu vị kế tiếp, tức ba đạo ba quả, vị ấy trở thành một bậc Kiến chí, và trong trường hợp quả A-la-Hán, vị ấy thành bậc Tuệ giải thoát.
76. Ðiều này được nói: "Khi vị ấy tác ý các hành là vô thường, tín căn tăng thạnh nơi vị ấy. Với tín căn tăng thạnh, vị ấy đạt Dự lưu đạo, và do đó được gọi là bậc Tín hành giả. Cũng thế khi vị ấy tác ý hành là vô thường, tín căn tăng thạnh nơi vị ấy. Vì tín căn tăng thạnh, vị ấy chứng quả Dự lưu, và được gọi là bậc Tín giải thoát. (Ps. ii,53).
77. Lại nói xa hơn, (sau đó): "(Vào sát-na đạo lộ thứ nhất) vị ấy đã được giải thoát nhờ có đức tín, nên vị ấy là Tín giải thoát, vị ấy đã chứng ngộ Niết bàn bằng kinh nghiệm, nên gọi là bậc Thân chứng, vị ấy đạt Niết bàn, nhờ thấy, nên gọi là bậc kiến đáo (hay kiến chí). Vào các sát-na ba đạo lộ còn lại, thì vị ấy được giải thoát nhờ tín, nên gọi là bậc Tín giải thoát, vị ấy trước hết trải qua kinh nghiệm thiền rồi mới chứng diệt (Niết bàn) nên được gọi là bậc Thân chứng; nó được biết, được thấy, được nhận ra, được chứng, được kinh nghiệm với tuệ, rằng các hành là khổ, tịch diệt là lạc, nên vị ấy là bậc Kiến chí (Ps. ii,52)
78. Về bốn vị còn lại, thì ý nghĩa danh từ cần hiểu như sau: Vị ấy theo đức tin, nên gọi là Tín hành giả (tùy tín hành), hoặc vị ấy đi bằng phương tiện tín. Vị ấy theo Pháp gọi là Tuệ, hay đi nhờ phương tiện Pháp, gọi là tùy Pháp hành. Vị ấy được giải thoát về cả hai phương diện, bằng thiền vô sắc và bằng thánh đạo, nên gọi là câu phần giải thoát. Nhờ liễu tri (tuệ) mà vị ấy giải thoát, nên gọi là bậc Tuệ giải thoát.
Trí hành xả đến đây chấm dứt.
79. Trí hành xả cũng đồng nghĩa với hai trí đi trước nó. Do vậy cổ đức nói: "Trí hành xả này chỉ có một, nhưng ba tên. Lúc đầu, nó có tên là Dục thoát trí. Chặng giữa nó có tên là Tư duy trí. Chặng cuối nó có tên là Hành xả trí.
80. Như thế nào tuệ muốn giải thoát, tư duy và xả gọi là Hành xả trí? Tuệ muốn giải thoát, tư duy và xả chú trọng đến sanh gọi là Hành xả trí. Tuệ muốn giải thoát, tư duy và xả chú trọng đến khởi... tướng... (xem đ.37)... đến não, gọi là trí hành xả.
81. Hợp từ "muốn giải thoát, tư duy và xả" cần phân tích như sau. Ở giai đoạn một, nó là ước muốn giải thoát khởi sanh, v.v. nơi một người đã ly dục nhờ trí ly dục, và ước muốn ấy gọi là Dục thoát trí. Chính tư duy trong giai đoạn hai, với mục đích tìm ra một phương giải thoát thì gọi là trí tư duy. Thái độ xả ở giai đoạn cuối khi đã giải thoát, gọi là xả. Về điểm này, Luận nói: "Sanh là các hành. Vị ấy nhìn các hành với thái độ xả, nên gọi là hành xả" (Ps. i,60) Vậy chỉ có một loại trí.
82. Lại nữa, ta có thể hiểu như vậy do bản kinh sau: "Ưa giải thoát, quán tư duy, và xả đối với các hành, ba thứ này là một về nghĩa, chỉ khác danh". (Ps. ii,64)
83. Khi vị thiện nam tử này đã đạt đến xả đối với các hành như vậy, tuệ vị ấy đã đạt đến tột đỉnh và đưa đến xuất khởi quán. "Tuệ đã đạt đến tột định" hay "tuệ đưa đến xuất khởi" là những tên chỉ ba loại trí là Hành xả, Thuận thứ và Chuyển tánh. Nó đã "đạt đến tột đỉnh" vì đã đến giai đoạn cuối. Nó được gọi là "đưa đến xuất khởi", vì nó sắp xuất đầu lộ diện. Ðạo lộ được gọi là xuất khởi vì nó nổi lên, lộ ra, bên ngoài thì nổi lên từ đối tượng gọi là "tướng", bên trong nó vươn lên khỏi các cấu uế (nhiễm ô, phiền não). Trí này đi đến đạo lộ ấy, nên gọi là "đưa đến xuất khởi", nghĩa là nó gia nhập đạo lộ.
84. Ở đây, để làm sáng tỏ điểm này, có các loại "xuất khởi" được kể ra tùy theo cách giải thích như sau:
(1) Sau khi giải thích nội pháp, đạo xuất khởi từ nội pháp.
[Chú thích: "Xuất khởi từ trong" được nói tượng trưng, do sự kiện rằng, trong trường hợp ấy, tuệ đưa đến đạo lộ có một nội pháp làm đối tượng. Nhưng theo nghĩa đen, thì đạo lộ xuất khởi từ cả hai, cả nội pháp lẫn ngoại pháp. -- Pm. 853]
(2) Sau khi giải thích ngoại pháp, đạo xuất khởi từ ngoại pháp. (3) Sau khi giải thích nội pháp, đạo xuất khởi từ ngoại pháp. (4) Sau khi giải thích ngoại pháp, đạo xuất khởi từ nội pháp. (5) Sau khi giải thích sắc, đạo xuất khởi từ sắc. (6) Sau khi giải thích sắc, đạo xuất khởi từ vô sắc. (7) Sau khi giải thích vô sắc, đạo xuất khởi từ vô sắc. (8) Sau khi giải thích vô sắc, đạo xuất khởi từ sắc. (9) Ðạo xuất khởi ngay từ năm uẩn. (10) Sau khi giải thích vô thường, đạo xuất khởi từ vô thường. (11) Sau khi giải thích vô thường, đạo xuất khởi từ khổ. (12) Sau khi giải thích vô thường, đạo xuất khởi từ vô ngã. (13) Sau khi giải thích khổ, đạo xuất khởi từ khổ. (14) Sau khi giải thích khổ, đạo xuất khởi từ vô thường. (15) Sau khi giải thích khổ, đạo xuất khởi t? ngã. (16) Sau khi giải thích vô ngã, đạo xuất khởi từ vô ngã. (17) Sau khi giải thích vô ngã, đạo xuất khởi từ vô thường. (18) Sau khi giải thích vô ngã, đạo xuất khởi từ khổ.
Như thế nào?
85. Ở đây, (1) một người khởi đầu với chính các hành trong thân. Sau khi giải thích chúng, vị ấy thấy được chúng. Nhưng sự xuất khởi của đạo lộ không phải phát sinh chỉ do thấy được nội pháp, mà ngoại pháp cũng cần phải thấy. Bởi thế, vị ấy thấy rằng các uẩn của người khác, cũng như các hành phi - chấp - thủ (các vật vô tri giác), cũng đều vô thường, khổ, vô ngã. Vị ấy lúc thì quán bên trong, lúc thì quán ra ngoài. Khi làm như vậy, nếu tuệ thế nhập đạo lộ khi vị ấy đang quán nội pháp, thì được gọi là "sau khi giải thích nội pháp, tuệ xuất khởi từ nội pháp". (2) Nếu tuệ thể nhập đạo lộ trong lúc vị ấy đang quán ngoại pháp, thì gọi là "sau khi giải thích nội pháp, tuệ xuất khởi từ ngoại pháp". (3) Tương tự, với trường hợp "sau khi quán ngoại pháp, tuệ xuất khởi từ ngoại" và (4) Sau khi quán ngoại pháp, tuệ xuất khởi từ nội".
86. (5) Một hành giả khác thì làm việc phân tích khởi đầu với sắc pháp. Khi làm thế, vị ấy thấy đồng loạt sắc của tứ đại và sắc do tứ đại tạo. Nhưng sự xuất khởi không xảy ra do chỉ thấy sắc, mà còn phải thấy được vô sắc. Bởi thế vị ấy thấy là vô sắc tất cả tâm pháp: thọ, tưởng, hành, thức đã khởi lên với sắc ấy làm đối tượng. Vị ấy khi thì quán sắc, khi thì quán vô sắc. Nếu tuệ thể nhập đạo lộ trong khi vị ấy đang quán sắc, thì gọi là "sau khi giải thích sắc, tuệ xuất khởi từ sắc". (6) Nhưng nếu tuệ thể nhập đạo lộ trong khi vị ấy đang quán vô sắc, thì gọi là "Sau khi giải thích sắc, tuệ xuất khởi từ vô sắc". (7) Tương tự với trường hợp "Sau khi giải thích vô sắc, tuệ xuất khởi từ vô sắc" và (8) "Sau khi giải thích vô sắc, tuệ xuất khởi từ sắc"
87. (9) Khi vị ấy đã lý giải như sau: "Tất cả những gì chịu sanh thì cũng phải chịu diệt" (M. i,380), vào lúc tuệ xuất khởi, vị ấy được xem là "Tuệ xuất khởi ngay từ năm uẩn".
88. (10) Một người lúc đầu quán các hành vô thường. Nhưng sự xuất khởi không phải chỉ nhờ quán vô thường mà thôi, còn phải quán khổ và vô ngã. Nên vị ấy quán khổ và vô ngã. Khi làm vậy, sự xuất khởi xảy đến trong khi đang quán vô thường, thì gọi là "Sau khi giải thích vô thường, tuệ xuất khởi từ vô thường" (11) - (12) Nhưng nếu xuất khởi xảy ra trong lúc quán khổ, vô ngã thì gọi là "Sau khi giải thích vô thường, tuệ xuất khởi từ khổ ... từ vô ngã". Tương tự, với các trường hợp còn lại.
89. Và dù các vị ấy lúc đầu giải thích các hành là vô thường, hay khổ, hay vô ngã, đến lúc tuệ xuất khởi xảy ra đang lúc quán vô thường, thì cả ba vị đều được tín căn do có quyết định lên, họ được giải thoát bằng Vô tướng giải thoát, và trở thành bậc tùy tín hành vào sát-na thuộc đạo lộ thứ nhất (Dự lưu đạo). Trong bảy cấp bực còn lại, họ được gọi là bậc Tín giải thoát. Nếu tuệ xuất khởi từ khổ quán, cả ba hạng người ấy có được định căn vì có năng lực tịnh chỉ lớn. Họ được giải thoát với Ly dục giải thoát, và trong cả tám cấp bực, họ được gọi là bậc Thân chứng. Trong số này, người nào có một thiền vô sắc làm căn bản cho tuệ, thì khi đắc quả A-la-hán, vị ấy được gọi là bậc Câu phần giải thoát. Và nếu tuệ xuất khởi trong khi quán vô ngã thì cả ba được tuệ căn vì họ có đại tuệ; họ được giải thoát với Không giải thoát, trở thành những bậc Tùy pháp hành vào sát-na đạo lộ thứ nhất. Sáu giai đoạn kế tiếp, họ được gọi là bậc Kiến chí. Ở quả vị cao nhất, họ là bậc tuệ giải thoát.
90. Có 12 ví dụ cần hiểu để giải thích tuệ xuất khởi này, và các loại trí đi trước và sau nó. Ðó là: Con dơi, con rắn đen, nhà, con bò đực, quỷ La-sát, đứa trẻ, cơn đói, khát, lạnh, nóng, bóng tối và độc chất.
Có thể đưa những ví dụ này vào bất cứ đâu trong các loại trí kể từ Bố úy trí trở đi. Nhưng nếu chúng được đưa vào ở đây, thì mọi sự trở nên sáng sủa kể từ Bố úy trí cho đến Quả trí (Fruition Knowledge).
91. 1.Con Dơi. Như có một con dơi đậu trên một cây madhuka có 5 cành nghĩ: "Ta sẽ tìm hoa quả ở đây". Nó tra tầm một cành, không thấy hoa hay quả nào đáng hái ở đây. Và cũng như với cành đầu tiên, nó thử cành thứ hai, thứ ba, thứ tư, rồi thứ năm, mà không có gì. Nó nghĩ: "Cây này trơ trụi, không có gì đáng hái ở đây" bởi thế nó mất nỗi hứng thú đối với cây ấy. Nó leo lên một cành thẳng, thò đầu qua khoảng trống trong kẻ lá, nhìn lên, bay lên không trung rồi đậu qua một cây khác.
92. Ở đây, thiền giả ví như con dơi. Năm uẩn trói buộc (thủ uẩn) như cây có 5 cành. Thiền giả giải thích năm uẩn như con dơi đậu trên cây. Vị ấy quán sắc uẩn và khi không thấy gì đáng lấy ở trong đó, tiếp tục quán các uẩn khác, ví như con dơi tìm ở một cành mà không thấy gì ở đó, thử các cành còn lại. Ba trí của vị ấy khởi từ trí dục thoát, sau khi đã trở nên ly dục đối với 5 uẩn, do thấy các đặc tính vô thường, v.v. của chúng, là ví như con dơi nghĩ: "Cây này không quả, không có gì đáng lấy" và mất hứng thú. Trí thuận thứ của vị ấy giống như con dơi leo lên cành cây thẳng tắp. Trí chuyển tánh của vị ấy giống như con dơi thò đầu qua kẽ lá mà nhìn lên trời. Ðạo trí ví như con dơi bay lên không trung. Quả trí ví như con dơi đậu trên một cây khác.
93. 2. Con Rắn Ðen. Ví dụ này đã được nói đến ở đoạn 49. Nhưng ở đây, ẩn dụ là: trí chuyển tánh ví như ném con rắn đi xa. Ðạo trí như khi anh ta đứng nhìn lại nơi mình đã bỏ đi, sau khi thoát ra khỏi nơi ấy. Quả trí ví như anh đang đứng ở một chỗ thoát khỏi nguy hiểm, sau khi đã đi xa. Ðó là chỗ khác biệt.
94. 3. Cái Nhà. Giả sử chủ nhân một ngôi nhà ăn chiều xong, vào giừơng rồi thiếp ngủ. Ngôi nhà bốc lửa. Khi ông ta thức dậy thấy nhà cháy, thì đâm hoảng, nghĩ: "Tốt nhất là ta được thoát ra không bị thiêu cháy". Nhìn quanh, ông ta thấy một lối đi. Thoát ra ngoài, ông vội vã đi đến một nơi an toàn và ở đấy.
95. Ở đây, kẻ phàm phu ngu si xem năm uẩn là "tôi" và của "của tôi" ví như chủ nhà ngủ quên sau khi ăn xong, vào giường. Trí bố úy sau khi gặp chánh đạo và thấy ba đặc tính, ví như người ấy hoảng sợ khi thức dậy trông thấy ngọn lửa. Trí dục thoát ví như người ấy tìm một lối để thoát ra ngoài. Trí thuận thứ ví như người ấy trông thấy lối ra. Trí chuyển tánh ví như người kia đi ra. Ðạo trí ví như người kia mau bỏ đi xa. Quả trí như người ấy đứng trên chỗ đất an ổn.
96. 4. Bò Ðực. Ví như vào một đêm người nông phu say ngủ, những con bò đực của anh ta sổng chuồng thoát ra. Sáng sớm hôm sau, đi đến chuồng anh ta thấy bò đã bỏ trốn. Anh ta đi tìm chúng, và gặp phải bò của vua, mà tưởng của mình, nên dắt chúng về. Khi trời sáng tỏ mới nhận ra rằng không phải bò của mình, mà là của vua. Anh ta hoảng sợ nghĩ: "Ta sẽ chạy trốn trước khi lính nhà vua bắt ta vì tưởng là kẻ trộm, đưa ta đến chỗ tàn mạt khốn đốn". Rồi anh bỏ những con bò kia, chạy thoát. Anh đứng lại ở một nơi đã thoát hiểm.
97. Ở đây, kẻ ngu phu cho 5 uẩn là "tôi" và "của tôi" cũng như người kia bắt nhầm bò của vua. Thiền giả nhận ra 5 uẩn là vô thường, khổ, vô ngã, nhờ ba pháp ẩn ví như người kia nhận ra bò của vua khi trời sáng tỏ. Trí bố úy ví như khi người hoảng sợ. Trí dục thoát ví như người kia mong muốn bỏ những con bò để đi xa. Ðạo trí ví như sự thoát ly của người ấy. Quả trí ví như người ấy đứng ở chỗ không còn sợ hãi sau khi đã đi thoát.
98. 5. Quỷ La Sát: Như có người đàn ông sống chung với một con quỷ cái ăn thịt người. Về đêm, khi tưởng anh ta đã ngủ, nó đi đến chỗ đặt tử thi để ăn thịt người chết. Anh ta tự hỏi, không biết nàng đi đâu, bèn theo dõi và thấy nàng ăn thịt người, mới biết đó là phi nhân. Anh ta sợ hãi nghĩ, ta sẽ thoát ra trước khi bị nó ăn thịt. Vội vàng trốn đi, anh đến một nơi an ổn, ở lại đấy.
99. Ở đây, xem 5 uẩn là tôi và của tôi là ví như người sống với quỷ. Nhận ra 5 uẩn là vô thường, nhờ thấy ba tướng, là như người kia nhận ra bà ấy là quỷ khi thấy bà ấy ăn thịt người. Trí bố úy ví như lúc người kia hoảng sợ. Trí dục thoát ví như khi anh ta mong muốn thoát ly. Chuyển tánh ví như anh ta rời khỏi rừng tử thi. Ðạo trí ví như anh ta vội vàng chạy thoát. Quả trí ví như lúc anh ta đứng ở chỗ thoát hiểm.
100. 6. Ðứa Trẻ: Như có người đàn bà rất yêu con, trong khi đang ngồi trên lầu, bà nghe tiếng trẻ khóc dưới đường cái. Tưởng có kẻ đánh con mình, bà vội chạy xuống. Vì tưởng lầm, bà bế một đứa con người khác lên. Khi nhận ra không phải con, bà hổ thẹn nhìn quanh, nghĩ, mong đừng ai nói ta là kẻ mẹ mìn. Bà vội vã thả ngay đứa trẻ tại chỗ, trở lên ngồi một mình.
101. Ở đây, xem 5 uẩn là tôi hay của tôi ví như bà kia lầm đứa trẻ là con mình. Khi nhận ra đây không phải là tôi, của tôi, là như khi bà kia nhận ra không phải con mình. Trí dục thoát ví như lúc bà nhìn quanh. Trí thuận thứ như khi bỏ đứa trẻ xuống. Trí chuyển tánh như bà đứng giữa đường sau khi bỏ đứa trẻ xuống. Ðạo trí như khi bà trở lên lầu. Quả trí như khi bà ngồi xuống.
102. (7-12) Ðói, khát, lạnh, nóng, bóng tối, và độc dược: Sáu ví dụ này được đưa ra để chỉ rằng, một người có tuệ dẫn đến xuất khởi thì khuynh hướng, thiên về, nghiêng về hướng các pháp siêu thế.
103. Như một người kiệt sức vì đói thì thèm ăn, cũng thế thiền giả thèm thức ăn chánh niệm về thân (thân hành niệm) có vị bất tử.
104. Như người khát cháy cổ khao khát được nước uống có nhiều vị, cũng vậy, hành giả khát khao thức uống diệu thánh đạo tám ngành.
105. Như người rét cóng khao khát hơi ấm, cũng vậy, thiền giả khát khao ngọn lửa đạo lộ đốt cháy phiền não.
106. Như người xỉu vì hơi nóng khát khao được mát, hành giả cũng vậy, khát ái Niết bàn.
107. Như người ngộp trong bóng tối khát khao ánh sáng, thiền giả cũng thế, bị trùm phủ trong bóng tối vô minh, khát khao ánh sáng của đạo trí.
108. Như người trúng độc khát khao liều thuốc giải, cũng vậy, thiền giả này trúng độc phiền não khao khát Niết bàn, vị thuốc bất tử hủy diệt độc tố phiền não.
109. Do đó trên đây nói: "Khi hành giả biết và thấy vậy, tâm vị ấy lùi lại, co lại, dội lại từ ba hữu, bốn sanh, năm thú, bảy thức trú và chín hữu tình cư, tâm vị ấy không còn đi đến chúng, như những giọt nước co lại trên ngọn lá sen...
110. Nhưng ở điểm này, vị ấy được gọi là "Người độc hành độc bộ". Về một ngư?i như vậy, có câu:
Khi tỷ kheo độc cư
đào luyện tâm viễn ly
Vị ấy không trở lại
ở trong các hữu này (Sn.810)
Cái Gì Làm Nên Sự Khác Biệt Trong Các Giác Chi v.v... Thuộc Thánh Ðạo?
111. Trí hành xả chủ yếu là khiến hành giả độc cư. Nó cũng làm nên sự khác nhau trong con số những giác chi, đạo chi và thiền chi của thánh đạo, cách thế tiến triển và loại giải thoát. Vì có ba thuyết, một nói chính thiền làm căn bản cho tuệ xuất khởi làm nên sự khác biệt trong con số những giác chi đạo chi và thiền chi, một nói chính các uẩn đối tượng của tuệ làm nên sự khác nhau, một nói khuynh hướng cá nhân làm nên khác nhau. Nhưng tuệ chuẩn bị và tuệ xuất khởi mới thực là yếu tố làm nên khác nhau trong thuyết của họ.
[Chú thích: Thuyết đầu là trưởng lão Cùlanàga, thứ hai của trưởng lão Mahadatta ở Moghavàpi, thứ ba của trưởng lão Cùla-Abhaya. -- Pm. 856].
112. Ta hãy tuần tự đề cập ba thuyết ấy. Theo thuyết đầu, đạo khởi lên nơi một hành giả càn tuệ, và đạo khởi lên nơi người có một thiền chứng nhưng chưa làm cho thiền ấy thành căn bản của tuệ, và đạo được làm khởi lên nhờ quán các hành không tương quan sau khi dùng sơ thiền làm căn bản cho tuệ, là những đạo lộ thuộc sơ thiền mà thôi. Trong mỗi trường hợp, có 7 giác chi, 8 đạo chi và 5 thiền chi. Vì trong khi tuệ chuẩn bị của họ có thể câu hữu hỉ hoặc xả, thì lúc tuệ đạt đến trạng thái hành xả vào lúc xuất khởi, nó câu hữu hỉ.
113. Khi những đạo được làm cho khởi lên bằng cách dùng nhị, tam và tứ thiền trong hệ thống năm thiền là căn bản cho tuệ, thì thiền trong các đạo lộ ấy tuần tự có 4, 3 và 2 thiền chi. Nhưng trong mỗi trường hợp, đạo chi có 7, và trường hợp thứ tư có sáu giác chi. Sự khác biệt này vừa do chủ yếu bằng thiền căn bản, vừa do chủ yếu bằng tuệ. Vì trong khi tuệ chuẩn bị của những vị ấy có thể câu hữu hỉ hay xả, tuệ đưa đến xuất khởi lại chỉ câu hữu hỉ mà thôi.
114. Tuy nhiên, khi đạo lộ được phát sinh nhờ lấy đệ ngũ thiền làm căn bản, thì khi ấy những thiền chi có hai, xả và nhất tâm, có 6 giác chi và 7 đạo chi. Sự khác biệt này cũng thế, là do cả hai loại chủ yếu. Vì trong trường hợp này, tuệ chuẩn bị hoặc câu hữu hỉ hay xả, nhưng tuệ xuất khởi thì chỉ câu hữu xả mà thôi. Cùng phương pháp ấy áp dụng cho trường hợp đạo được làm khởi lên do lấy thiền vô sắc làm căn bản.
Lại nữa, khi đạo lộ phát sinh sau khi xuất khởi từ thiền căn bản, nhờ quán bất cứ hành nào (không tương quan đến thiền ấy), thì khi ấy chính thiền chứng nổi lên từ cái điểm gần nhất với đạo lộ, làm cho nó giống với chính nó, như màu đất giống màu con cắc kè.
115. Nhưng trong thuyết thứ hai, đạo lộ giống với tất cả thiền chừng nào trợ lực trong việc làm phát sinh đạo lộ, qua sự quán bất cứ pháp gì của đạo lộ ấy, sau khi xuất khởi từ nó. Và ở đây, sự chủ yếu do tuệ cần hiểu tương tự như trước.
116. Trong thuyết thứ ba, đạo lộ giống với bất cứ thiền chứng nào hợp khuynh hướng mỗi người, trợ lực cho việc phát sinh đạo lộ, nhờ quán bất cứ pháp nào của đạo lộ ấy trong lúc dùng nó làm căn bản cho tuệ. Nhưng điều này không hoàn tất chỉ nhờ khuynh hướng mà thôi, nếu thiền ấy chưa được làm thành căn bản cho tuệ, hay nếu thiền ấy chưa được quán sát. Và ý nghĩa này cần làm sáng tỏ với kinh Giáo giới Nanda (M. ii, 277). Ở đây cũng thế, chủ chốt do tuệ cần hiểu như đã nói.
Trên đây nói trí hành xả làm nên số lượng các giác chi đạo chi và thiền chi như thế nào.
117. Sự tiến triển: Nhưng nếu từ đầu, tuệ chỉ có thể dẹp phiền não cách khó khăn, có nỗ lực, cần nhắc bảo, thì tuệ ấy gọi là "khó tiến", ngược lại là "dễ tiến". Và khi sự xuất hiện của đạo lộ, mục tiêu của tuệ, xảy đến cách chậm chạp sau khi các phiền não được dập tắt, thì gọi là "thắng trí chậm lụt", ngược lại là "thắng trí linh lợi". Như vậy trí hành xả này, khi đến đích, đem lại cho đạo lộ cái tên của nó theo từng trường hợp, cho nên đạo lộ có 4 tên, tùy theo loại tiến triển (D. iii, 228)
118. Với tỷ kheo này, thì sự tiến triển có khác nhau trong bốn đạo, với vị khác thì không thể. Ðối với chư Phật, thì bốn đạo dễ tiến, thắng trí linh lợi, và cũng vậy đối với bậc tướng quân chánh pháp, tôn giả Sàriputta. Nhưng trong trường hợp ngài Ðại Mục kiền liên, thì đạo lộ thứ nhất dễ tiến, thắng tri linh lợi, mà các đạo khác thì khó tiến, thắng trí chậm lụt.
119. Ưu thắng: Và cũng như các loaị tiến triển, cũng vậy với các loại ưu thắng [Chú thích: Bốn ưu thắng là dục, tinh tấn, nhất tâm, trạch pháp]. Khác nhau ở bốn đạo với một tỷ kheo này, giống nhau với tỷ kheo khác. Vậy, chính hành xả trí làm nên khác nhau trong tiến triển.
Giải thoát: Trên kia đã nói hành xả gây nên khác nhau thế nào trong giải thoát (đ.66 và kế tiếp).
120. Lại nữa, đạo lộ lấy tên của nó vì năm lý do: Một, do bản chất riêng nó, hai do cái nó đối lập, ba do đặc tính của nó, bốn do đối tượng của nó, và năm, do cách thức nó đạt đến.
121. (1) Nếu trí hành xả đem lại xuất khởi nhờ quán các hành vô thường, thì giải thoát xảy đến với vô tướng giải thoát. Nếu nó làm phát sinh sự xuất khởi do quán các hành là khổ, thì Giải thoát xảy đến với Ly dục Giải thoát. Nếu nó làm phát sinh xuất khởi nhờ quán vô ngã, thì Giải thoát xảy ra với Không Giải thoát. Ðây là tên của Giải thoát tùy theo bản chất của nó.
122. (2) Khi đạo lộ này được đặt với sự từ bỏ các tưởng thường, bền bĩ, bất diệt, bằng cách phân tích tính cách nguyên vẹn trong các hành bằng quán vô thường, thì nó được gọi là vô tướng. Khi đạo lộ được đạt đến cùng với sự khô ráo mọi dục vọng bằng cách từ bỏ lạc tưởng qua phương tiện quán khổ, thì đạo lộ ấy được gọi là ly dục. Khi các hành được thấy là trống không nhờ từ bỏ ngã tưởng hay tưởng về một cá nhân, con người, bằng quán vô ngã, thì đạo lộ có tên là Không. Ðây là tên của đạo lộ tùy theo cái nó chống lại.
123. (3) Nó trống không vì không có tham, v.v.. Nó không tướng, hoặc vì không có tướng sắc, v.v. hay chỉ là không có tướng tham, v.v. Nó vô dục vì không có dục tham, v.v. Ðây là tên gọi tùy theo đặc tính của chính nó.
124. (4) Nó cũng gọi là Không, Vô tướng, Vô dục, vì nó lấy Niết bàn không, vô tướng, vô dục làm đối tượng. Ðây là tên của nó tùy đối tượng.
125. Cái cách đạt đến có hai, là cách của tuệ và của đạo lộ. Cách của tuệ áp dụng cho đạo, và cách của đạo lộ áp dụng cho quả.
Lại, quán vô ngã gọi là Không, và đạo lộ đạt được nhờ Không tuệ ấy thì gọi là Không. Quán vô thường gọi là vô tướng, và đạo lộ đạt được nhờ vô tướng tuệ quán đó gọi là Vô tướng.
126. Nhưng trong khi tên này không được phương pháp Abhidhamma chấp nhận, nó lại được kinh điển chấp nhận, vì do phương pháp này mà Chuyển tánh lấy tên vô tướng bằng cách lấy Niết bàn vô tướng làm đối tượng của nó, và trong khi chính nó vẫn ở nguyên tại đạt điểm, nó cho đạo lộ cái tên của nó. Do vậy, đạo lộ được gọi là vô tướng, và quả của nó cũng có thể gọi là vô tướng theo cách đạt đến của đạo lộ.
127. Sau hết, quán khổ được gọi là Vô dục, vì nó đạt đến đạo lộ bằng cách làm cho khô ráo dục vọng đối với các hành. Ðạo lộ đạt nhờ ly dục tuệ quán gọi là Ly dục đạo. Quả của ly dục đạo cũng là ly dục.
Bằng cách ấy, tuệ quán chuyển cho đạo lộ cái tên của nó, và đạo lại chuyển tên cho quả. Ðây là tên gọi tùy theo cách chứng đạt.
Trên đây là nói hành xả làm nên sự sai biệt trong các giải thoát như thế nào.
Trí hành xả đến đây chấm dứt.
128. Khi hành giả tu tập, làm cho sung mãn trí hành xả, tín lực vị ấy trở nên quyết định hơn, tấn lực điêu luyện hơn, định lực an trú hơn, tâm định tĩnh hơn, còn hành xả thì tinh tế hơn.
129. Vị ấy nghĩ, bây giờ đạo lộ sẽ sanh khởi. Trí hành xả sau khi quán các hành vô thường, hay khổ hay vô ngã, bây giờ chìm vào hữu phần. Kế tiếp hữu phần, ý môn hướng tâm khởi lên, lấy các hành làm đối tượng kể như vô thường, khổ hay vô ngã tùy theo cách của hành xả. Rồi tiếp theo, tâm (tác ý, hay hướng tâm) duy tác khởi lên thay hữu phần, tốc hành tâm đầu tiên khởi lên lấy các hành làm đối tượng theo kiểu ấy, duy trì tính tương tục của tâm thức.
[Chú thích: "Duy trì tương tục tính của tâm thức" bằng sự không gián đoạn, nghĩa là, không sanh khởi tâm không giống với nó. Vì khi hữu phần, tức ý thức giới, được thay bằng duy tác ý giới của ngũ môn hướng tâm (70 trong đồ biểu) thì sự sanh khởi của tâm duy tác làm nên một kẽ hở, một gián đoạn giữa sự sanh khởi của tâm dị thực là hữu phần, và các tâm kế tiếp. Nhưng đây không phải như vậy, với ý môn hướng tâm (71) tức ý thức giới -- Pm. 862. Xem đồ biểu Lộ trình tâm].
Ðây gọi là chuẩn bị. Kế đó, một tốc hành tâm thứ hai khởi lên, cũng lấy các hành làm đối tượng như thế. Ðây gọi là thuận thứ.
130. Những tên gọi này là tên riêng của chúng, nhưng có thể gọi cả ba tốc hành tâm là tập hành, hay chuẩn bị, hay cận hành, hay thuận thứ, không phân biệt.
Thuận thứ là thuận theo cái gì? Theo cái đi trước và sau. Vì nó thuận theo các chức năng của chân lý, trong 8 thứ quán trí (insight knowledge) đi trước cũng như trong 37 bồ đề phần pháp đi sau.
131. Vì sự sanh khởi của nó liên hệ đến các hành qua quán các đặc tính vô thường, v.v. nên có thể nói: "Trí sinh diệt thấy được sự sinh và diệt của những pháp có sinh diệt", và "Hoại trí thấy sự tan rã của những pháp có tan rã", và "Chính cái gì kinh khủng là có vẻ kinh khủng đối với Trí bố úy", và "Trí quá hoạn thấy được nguy hiểm trong những gì nguy hiểm", và "Trí ly dục quả thực trở nên vô dục đối với những gì cần được nhìn với thái độ ly dục", và "Trí dục thoát pháp sinh ước mong giải thoát khởi những gì cần thoát khỏi", và " Cái gì được tư duy bởi Trí tư duy quả thật là những gì cần được tư duy", và "Cái được nhìn với xả bằng Trí hành xả, quả là cái cần được nhìn với xả". Như vậy, nó thuận theo những nhiệm vụ của sự thật về tám loại trí này, cũng như về 37 bồ đề phần pháp (trợ đạo pháp) tiếp theo, vì chúng cần phải đạt bằng cách thể nhập.
132. Như một ông vua công chính ngồi ở pháp đình để nghe những lời phán quyết của quan tòa, vừa để trừ khử thiên vị và giữ thái độ vô tư, ông vua đó phải thuận theo vừa sự phán quyết của họ, vừa theo tục lệ vua chúa truyền bằng câu nói: "Hãy là như vậy". Ở đây cũng thế.
133. Thuận thứ ví như ông vua. Tám loại trí như tám quan tòa. Ba mươi bảy trợ đạo phẩm ví như tục lệ vua chúa cổ truyền. Ở đây cũng như vua thuận theo lời nói: "Hãy như vậy", vừa theo quan tòa, vừa theo lệ cổ, trí thuận cũng thế, cái trí khởi lên liên hệ với hành nhờ quán vô thường, v.v. thuận theo nhiệm vụ của chân lý trong tám loại trí cũng như trong 37 trợ đạo phẩm tiếp theo. Do vậy nó được gọi là "Trí thuận thứ" với sự thật.
Trí thuận thứ đến đây chấm dứt.
134. Mặc dù trí thuận thứ này là kết thúc của tuệ dẫn đến xuất khởi có hành làm đối tượng, song trí chuyển tánh là trí cuối cùng của tất cả các loại tuệ dẫn đến xuất khởi.
135. Những tham chiếu kinh điển sau đây cần được biết, để khỏi lẫn lộn về tuệ dẫn đến xuất khởi. Vì tuệ dẫn đến xuất khởi này được gọi là atammayatà (xả ly) trong kinh Phân biệt sáu xứ (Salàyatana-vibhanga sutta) sau đây: .
"Này các Tỷ kheo, bằng cách tùy thuộc, y cứ vào tánh không bám víu này, hãy từ bỏ, vượt qua cái xả nhất diện, y cứ nhất diện (equanimity that is unified, based on untiy - P.iii, 220)".
[Chú thích: Chữ "atammayatà" này không có trong tự điển của Pali Texi Society, dịch là "aloofness". Nó được phân tích thành a + tam + maya + tà: "không được làm thành bởi một pháp nào cả", có nghĩa là không bám víu vào một hình thức hiện hữu nào]
Trong kinh Alagadda nó được gọi là "ly dục" (nibbidà) như sau: "Nhờ ly dục, tham của vị ấy đoạn tận. Với tham đoạn tận, vị ấy giải thoát" (M. i,139). Trong kinh Susìma nó được gọi là "Trí biết tương quan các pháp" như sau: "Này Susìma, trước hết, có trí về tương quan các pháp, sau đó trí về Niết bàn" (S. ii, 124). Trong kinh Potthapàda nó được gọi là "Tột đỉnh của tưởng" (sannagga) như sau: "Trước tiên, này Potthapàda, tột đỉnh của tưởng khởi lên, rồi sau đó là trí" (D. i, 185). Trong kinh Dasuttara nó được gọi là "yếu tố chính của thanh tịnh" (parisuddhi-padhaniyanga) như sau: "Ðạo trí kiến thanh tịnh là yếu tố chính của thanh tịnh" (D. iii, 288). Trong Pansembhidàmagga nó được gọi bằng ba tên như sau: Dục thoát, quán tư duy, và hành xả: cả ba thứ này chỉ có một nghĩa mà tên khác. (Ps. ii, 64). Trong Patihàna nó được gọi bằng hai tên là: "Thuận thứ chuyển tánh, và thuận theo sự thanh tịnh". Trong kinh Rathuvinìta nó vừa được gọi là "đạo tri kiến thanh tịnh" như sau: "Nhưng này hiền giả, thế nào là vì mục đích thanh tịnh tri kiến về đạo, mà đời sống phạm hạnh được sống dưới đức Thế Tôn?" (M. i, 147).
136.
Bậc Ðại Thánh tuyên thuyết
Tuệ vắng lặng thanh tịnh
Dẫn đến sự xuất khởi
Bằng nhiều tên khó chọn.
Vũng lầy khổ sinh tử
thật rộng và khủng khiếp.
Người trí hãy tinh cần
để đạt tuệ xuất khởi.
Chương thứ hai mươi mốt, gọi là "Mô tả về Ðạo tri kiến Thanh tịnh" trong luận về Tuệ tu tập, thuộc Thanh tịnh đạo, được soạn thảo vì mục đích làm cho những người lành hoan hỉ.
(Nanadassana-visudhi-niddesa)
-ooOoo-
1. Kế tiếp Thuận thứ là Trí chuyển tánh: Ðịa vị của nó là chú ý đến đạo lộ bởi thế nó không thuộc và Ðạo tri kiến thanh tịnh, cũng không thuộc và tri kiến thanh tịnh. Vì là trung gian, nó không thể được chỉ rõ, nhưng nó cũng được kể là tuệ quán vì nó ngang hàng với tuệ.
2. Tri kiến thanh tịnh gồm 4 đạo trí là Dự lưu đạo, Nhất lai đạo, Bất hoàn đạo, và A-la-hán đạo.
Trí Chuyển Tánh Là Trí Thuộc Dự Lưu Ðạo
3. Ở đây, không gì cần phải làm thêm bởi một vị muốn đắc đạo trí thứ nhất. Vì những gì vị ấy cần làm đã được làm bằng cách khơi dậy tuệ quán, kết thúc bằng trí thuận thứ.
4. Vừa khi trí thuận thứ sanh theo cách ấy nơi hành giả, khi mây mù che lấp chân lý đã được xua tan bằng năng lực tưong ứng với mỗi một trong ba loại thuận thứ trí (Ch. XXI, 129), thì khi ấy, tâm hành giả không còn đi vào, trú hay dừng lại trên bất cứ một lĩnh vực hành nào nữa, mà trái lại, rút lui, lùi lại, dội ngược lại, như nước rút lại trên một ngọn lá sen, và mọi tướng kể như đối tượng, mọi sanh kể như đối tượng, đều là một chướng ngại đối với vị ấy.
5. Khi mọi tướng và sanh đã thành chướng ngại với vị ấy, khi sự tập hành của thuận thứ trí đã chấm dứt, thì trí chuyển tánh sanh khởi nơi vị ấy, lấy làm đối tượng cái vô tướng, vô sanh, vô hành, diệt, Niết bàn, - trí này ra khỏi dòng họ, phạm trù, bình diện, của phàm phu mà đi vào dòng họ, phạm trù, bình diện của bậc thánh. Trí này, vì là tác ý đầu tiên, sự quan tâm đầu tiên, phản ứng đầu tiên đối với Niết bàn kể như đối tượng, nên nó làm một duyên cho đạo lộ theo sáu cách, là vô gián duyên, đẳng vô gián duyên, tập hành duyên, thân y duyên, vô hữu duyên, và ly khứ duyên. Trí ấy là đỉnh cao tột của tuệ quán không còn thối chuyển, về trí ấy đã được nói như sau: "Thế nào tuệ xuất khởi và quay đi khỏi ngoại giới gọi là trí chuyển tánh? - Nó vuợt khỏi sanh ... khởi, ... tướng... tích lũy,... kiết sanh, ... thú (cõi)... sanh hoạt (loài),... tái sanh,... sanh già bệnh chết,... sầu bi khổ ưu não, nên nó là chuyển tánh. Nó vượt khỏi tướng các hành ngoại giới, nên gọi là chuyển tánh. Nó đi vào vô sanh, nên gọi là chuyển tánh... Nó đi vào vô não, nên gọi là chuyển tánh. Sau khi vượt sanh nó đi vào vô sanh,... nên gọi là chuyển tánh". (Ps. i,66)
6. Ví dụ sau đây chứng minh thuận thứ và chuyển tánh sanh khởi như thế nào với những đối tượng khác nhau, mặc dù khởi lên trong một tâm lộ trình duy nhất, với một tác ý duy nhất. Ví như người muốn nhảy qua một dòng suối rộng để đứng bên bờ kia sẽ chạy thật nhanh, và nắm một sợi dây thừng buộc vào cành cây gần bờ này, mà đu người qua bờ kia, và khi đã tới bờ kia, sẽ thả sợi dây và rơi mình xuống, lúc đầu đi loạng choạng rồi sau mới đứng vững. Thiền giả này cũng thế, muốn an trú trong Niết bàn, bờ đối lại với các loại hữu, sanh, thú trứ và hữu tình cư, chạy nhanh nhờ quán sanh diệt, v.v.. và bằng trí thuận thứ tác ý vô thường, khổ vô ngã, nắm lấy sợi dây sắt,(hoặc thọ, tưởng..) buộc vào cành bản ngã mà đu mình. Vị ấy nhảy với tâm thuận thứ đầu tiên không buông thả (các hành), với tâm thứ hai vị ấy hướng đến, thiên về Niết bàn, như thân thể hướng về phiá bờ đối diện. Rồi với tâm thứ ba gần kề Niết bàn, ví như người kia đã đu đến bờ đối diện, hành giả buông xả hành đã làm đối tượng khi tâm ấy chấm dứt. Với tâm thuận thứ vị ấy rơi trên Niết bàn vô vị, bờ đối diện, nhưng còn loạng choạng, vì thiếu tập hành trước kia, nên chưa được vững vàng trên một đối tượng duy nhất ấy. Sau đó vị ấy đứng vững nhờ đạo trí.
7. Ở đây, thuận thứ có thể xua tan mù phiền não, che lấp sự thật, nhưng không thể làm cho Niết bàn thành đối tượng của nó. Chuyển tánh thì chỉ có thể làm Niết bàn thành đối tượng của nó, mà lại không thể xua đám mù phiền não che lấp chân lý.
8. Ví dụ một người có mắt ban đêm đi ra ngoài ngước nhìn trăng để tìm các chòm sao. Trăng không thấy được vì bị mây che phủ. Rồi một ngọn gió nổi lên thổi tan đám mây dày, một ngọn khác thổi tan đám mây trung bình, một ngọn khác nữa làm tan cả những sợi mây mong manh hơn. Khi ấy người kia thấy được trăng ở trên bầu trời không mây, và tìm ra liên hệ các vì tinh tú.
9. Trong ví dụ trên, ba loại đen tối dày, trung bình và mỏng che lấp sự thực là như ba loại mây. Ba loại tâm thuận thứ giống như ba ngọn gió. Trí chuyển tánh như người có mắt. Niết bàn như trăng. Sự xua tan bóng tối che lấp chân lý bằng từng loại tâm thuận thứ, và ví như mây được tuần tự thổi tan bởi mỗi luồng gió. Sự thấy được Niết bàn trong sáng của trí chuyển tánh ví như người kia thấy được trăng trên trời khi hết mây che.
10. Cũng như ba ngọn gió chỉ có thể thổi tan mây che trăng, mà không thể thấy mặt trăng, cũng vậy, ba loại trí thuận thứ chỉ có thể dẹp tan bóng tối che lấp chân lý nhưng không thể thấy Niết bàn. Cũng như người kia, chỉ có thể thấy mặt trăng mà không thể thổi tan những đám mây, trí chuyển tánh cũng thế, chỉ có thể thấy Niết bàn mà không thể dẹp tan phiền não. Do đó, được gọi là trí "tác ý đến đạo lộ" (đạo hướng trí)
11. Vì mặc dù nó không tác ý, nhưng nó chiếm địa vị của sự tác ý, và sau khi báo hiệu đạo lộ xuất hiện, nó chấm dứt. Và không ngừng lại sau dấu hiệu (tướng) được cho bởi trí chuyển tánh, đạo lộ tiếp theo nó trong một tương tục không gián đoạn, và khi xuất hiện, nó chọc thủng khối tham, khối sân, khối si chưa từng bị chọc thủng trước đây.
12. Ví dụ một ngưới bắn cung có một cái bia dựng cách một khoảng dài tám usabhas (khoảng 100 thước), che kín mặt với một tấm vải và trang bị một mủi tên, anh ta đứng trên một giá đứng có gắn bánh xe quay. Một người khác quay bánh xe, và khi mục tiêu (bia) đối diện với xạ thủ, người này ra dấu cho anh ta bằng một cây gậy. Không dừng lại sau dấu hiệu đó, xạ thủ bắn mủi tên ra và trúng được đích.
13. Ở đây, trí chuyển tánh ví như dấu hiệu bằng gậy. Ðạo trí giống như người bắn tên. Ðạo trí lấy Niết bàn làm đối tượng nhưng không ngừng lại sau tướng được chuyển tán đem lại, và nó đâm thủng khối tham, sân, si chưa từng thủng trước đây, là ví như người xạ thủ bắn trúng đích không dừng lại sau dấu hiệu (tướng).
14. Và không những nó chỉ gây nên sự chọc thủng khối tham, v.v. mà nó còn làm khô cạn cái biển khổ của vòng vô thủy sanh tử luân hồi. Nó đóng hết các cửa đi đến đọa xứ. Nó đem lại thực chứng về bảy thánh tài. Nó đoạn trừ tám tà đạo. Nó đoạn giảm mọi thù nghịch và bố úy. (S. ii, 68) Nó đem đến địa vị người con đích tử của đấng giác ngộ. (S. ii, 221) Và nó đưa đến sự chứng đắc hàng trăm phúc lạc khác nữa. Bởi thế, chính cái trí tương ứng với Dự lưu đạo này được gọi là Trí thuộc dự lưu đạo.
Loại trí đầu tiên đã bàn xong.
Quả Thứ Nhất: Bậc Hiền Thứ Hai
15. Kế tiếp ngay sau trí ấy, lại khởi lên hai hoặc ba quả tâm, tức hậu quả của nó. Chính vì sự kiện những thiện tâm siêu thế có hậu quả tức thì này, mà kinh nói: "Ðịnh với hậu quả tức thì" (Sn. 226) và "Chậm chạp, vị ấy đạt đến cái có quả báo tức thì, để đoạn tận lậu hoặc" (A. ii, 49) v.v..
16. Nhưng có vài vị cho rằng có một, hai, ba, bốn hoặc năm quả tâm. Ðiều này không thể chấp nhận. Vì trí chuyển tánh khởi lên ở cuối lặp lại của thuận thứ, nên ít nhất phải có hai tâm thuận thứ, vì chỉ có một thì không làm tập hành duyên được. Và một lộ trình tốc hành duy nhất có tối đa là bảy tốc hành tâm. Do vậy, lộ trình nào có hai thuận thứ và chuyển tánh làm tâm thứ ba và đạo tâm thứ tư, thì có ba quả tâm. Lộ trình tâm nào có ba thuận thứ, chuyển tánh là thứ tư, và đạo tâm thứ năm, thì có hai quả tâm. Bởi thế mà ở trên đã nói: Có 2 hoặc 3 quả tâm khởi lên.
17. Rồi một vài vị lại bảo, lộ trình có bốn thuận thứ, chuyển tánh là thứ năm, đạo tâm thứ sáu thì có một quả tâm. Nhưng điều ấy bị bác bỏ vì tốc hành tâm thứ tư hay năm mới đạt đạo, không phải những tâm sau đó, bởi vì những tâm ấy gần với hữu phần (xem Ch. IV, 75). Vậy không thể chấp nhận điều ấy.
18. Và ở điểm này, bậc dự lưu ấy được gọi là bậc thánh thứ hai. Dù có lơ là cách mấy, vị này nhất định cũng chấm dứt khổ khi du hành cái vòng sinh tử ở trong cõi trời và cõi người đến lần thứ bảy.
19. Ở cuối quả tâm, tâm vị ấy đi vào hữu phần. Sau đó khởi lên ý môn hướng tâm, gián đoạn dòng Hữu phần để quán sát lại đạo lộ. Khi tâm này đã chấm dứt, bảy tốc hành tâm để quán sát đạo lộ khởi lên. Sau khi nhập vào Hữu phần trở lại, ý môn hướng tâm, v.v. lại khởi lên để quán sát quả, v..v.. Với sự khởi lên những tâm này, hành giả quán sát lại đạo lộ, quán sát quả, quán sát những cấu uế đã được từ bỏ, quán sát những cấu uế còn lại, và quán sát Niết bàn.
20. Hành giả quán sát lại đạo lộ như sau: "Vậy, đây là đạo lộ ta đã gặp". Kế tiếp, vị ấy quán sát quả như sau: "Ðây là sự an lạc ta đã được". Rồi vị ấy quán sát những cấu uế đã được từ bỏ, "Ðây là những cấu uế đã được từ bỏ nơi ta". Rồi vị ấy quán sát những cấu uế còn lại cần phải được loại trừ ở ba đạo lộ cao hơn: "Ðây là các cấu uế còn lại trong ta". Và cuối cùng, vị ấy quán sát Niết bàn bất tử như sau: "Ðây là Pháp đã được ta thâm nhập làm mục tiêu". Như vậy, bậc thánh đệ tử là bậc dự lưu, có năm thứ quán sát.
21. Và cũng như trong trường hợp bậc dự lưu, trường hợp các bậc Nhất lai, Bất hoàn cũng vậy. Nhưng bậc A-la-hán thì không có việc quán sát những cấu uế còn dư tàn. Vậy tất cả loại quán sát tổng cộng có mười chín, đây là con số tối đa. Các bậc hữu học có thể có việc quán sát những cấu uế đã từ bỏ và những cấu uế còn lại, mà cũng có thể không có việc ấy. Quả thế, chính vì thiếu sự quán sát như vậy, mà Mahànàma đã hỏi Ðức Thế Tôn: "Pháp nào chưa được từ bỏ trong con, khiến cho vì vậy mà thỉnh thoảng tham xâm chiếm tâm và an trú?" (M. i,91)
Ðạo Trí Thứ Hai - Bậc Thánh Thứ Ba
22. Tuy nhiên, sau khi quán sát như vậy, hoặc trong cùng một thời tĩnh tọa hoặc vào một dịp khác, vị đệ tử là bậc Dự lưu khởi công đạt đến đạo lộ thứ hai nhờ làm cho muội lược (giảm bớt) dục tham và sân nhuế. Vị ấy dẫn phát (samodhàneti) các căn, lực và giác chi và nghiền ngẫm chính các hành thuộc sắc, thọ, tưởng, hành, thức với trí biết chúng là vô thường, khổ, vô ngã, và vị ấy bước lên lộ trình tuệ quán tuần tự.
23. Khi đã làm như vậy, và khi vào cuối giai đoạn "hành xả", trí thuận thứ và chuyển tánh đã phát sinh trong một tác ý duy nhất theo cách đã nói, khi ấy đạo lộ Nhất lai khởi lên kế tiếp chuyển tánh. Cái trí tương ưng với đạo lộ ấy gọi là Nhất lai đạo trí.
Quả Thứ Hai - Bậc Thánh Thứ Tư
24. Các quả tâm theo liền trí này theo cách đã nói. Và ở điểm này, bậc Nhất lai này được gọi là Bậc thánh thứ tư. Vị ấy đương nhiên chấm dứt khổ sau khi trở lại thế gian này một lần nữa.
Ðạo Trí Thứ Ba - Bậc Thánh Thứ Năm
25. Bây giờ, sau khi quán sát như vậy, hoặc trong cùng một thời tĩnh tọa, hoặc vào một dịp khác, bậc Thánh đệ tử này, một vị Nhất lai, khởi công đạt đến bình diện thứ ba bằng cách từ bỏ không dư tàn, cả tham lẫn sân. Vị ấy dẫn phát các căn lực, và các giác chi, và vị ấy tu tập trên chính lĩnh vực các hành là sắc, thọ, tưởng, hành, thức với trí biết chúng là vô thường, khổ, vô ngã, và bước lên lộ trình tuần tự của tuệ.
26. Khi đã làm như vậy, và khi, vào cuối giai đoạn hành xả, trí thuận thứ và chuyển tánh đã khởi lên, trong một tác ý duy nhất, theo cách đã nói, khi ấy Ðạo lộ bất hoàn phát sinh kế tiếp chuyển tánh. Cái trí tương ứng với đạo ấy gọi là Bất hoàn đạo trí.
Quả Thứ Ba - Bậc Thánh Thứ Sáu
27. Các quả tâm theo liền sau trí này theo cách đã nói. Ở điểm này, bậc Bất hoàn này được gọi là bậc thánh thứ sáu. Sau khi mạng chung, vị ấy hóa sanh ở nơi khác và tại đấy nhập Niết bàn, không bao giờ còn trở lui cuộc đời này nữa, qua kiết sanh.
Kế tiếp là quán sát như cách đã nói.
Ðạo Trí Thứ Tư: Bậc Thánh Thứ Bảy
28. Bấy giờ, sau khi quán sát như trên hoặc trong cùng một thời tọa thiền, hoặc vào một dịp khác, bậc Thánh đệ tử này, một vị Bất hoàn, khởi sự tu tập để đạt đến bình diện thứ tư bằng cách từ bỏ không dư tàn sắc giới tham và vô sắc giới tham, mạn, trạo cử và vô minh. Vị ấy dẫn phát các căn, lực và giác chi, và tu tập nhiều lần các hành ấy với trí biết chúng là vô thường, khổ, vô ngã, và vị ấy bước lên lộ trình tuần tự của quán tuệ.
29. Khi đã làm như vậy, và khi vào giai đoạn cuối của hành xả, thuận thứ và chuyển tánh đã khởi lên trong một tác ý duy nhất, khi ấy A-la-hán đạo khởi sanh kế tiếp chuyển tánh. Trí tương ứng với đạo lộ này là A-la-hán đạo trí.
30. Các quả tâm theo liền sau trí này theo cách nói trên. Ở điểm này, vị A-la-hán này được gọi là Bậc thánh thứ tám. Vị ấy là một trong những bậc thánh vĩ đại đã tận diệt lậu hoặc, thân của vị ấy là thân sau rốt, vị ấy đã đặt gánh nặng xuống, việc làm đã xong, đã phá hữu kiết sử, vị ấy chân chánh giải thoát với thứ trí sau rốt và xứng đáng sự cúng dường tối thượng của thế gian và chư thiên.
31. Bởi vậy, khi trên đây nói rằng: "Tuy nhiên, tri kiến thanh tịnh đích thực được gồm trong bốn đạo tri tức là Dự lưu đạo, Nhất lai đạo, Bất hoàn đạo và A-la-hán đạo" (đoạn 2) câu ấy ám chỉ bốn thứ trí cần phải đạt đến trong thứ tự này.
II. Các Pháp Tương Ưng Với Ðạo Lộ v.v...
32. Bây giờ, để thẩm định giá trị của Tri kiến thanh tịnh này với bốn loại trí của nó, có những vấn đề:
(1) Sự hoàn tất (viên mãn) các bồ đề phần pháp
(2) Sự xuất khởi (ngoi lên)
(3) Sự sóng đôi các lực
(4) Các hành cần từ bỏ
(5) Hành vi từ bỏ chúng
(6) Các nhiệm vụ liễu tri, v.v... khi bốn chân lý đã được thâm nhập,
(7) Mỗi thứ cần được nhận chân tùy theo tự tánh của nó.
33.
(1) Ở đây, sự viên mãn các bồ đề phần pháp là 37 pháp sau đây: Bốn niệm xứ (Trung 10), Bốn chánh cần (M. ii, 11), 4 thần túc (M. i,103), 5 căn (M. ii,12), năm lực (M. ii,12), Bảy giác chi (M. ii, 11), và Thánh đạo tám ngành (D. ii, 311). Những pháp này được gọi là "dự phần vào giác ngộ" vì chúng đóng vai trò của Thánh đạo tám ngành, được gọi là "Giác ngộ" trong nghĩa soi sáng, và những pháp ấy trợ giúp cho chánh đạo nên gọi là "dự phần"
34. "Bốn niệm xứ" (hay bốn niện trú): "trú" (patthàna) là an trú, bằng cách đáp xuống trên những đối tượng này khác. Sự an trú ấy chính là niệm, nên gọi là niệm trú hay niệm xứ. Nó gồm bốn loại, vì nó xảy ra liên hệ đến thân thể, cảm thọ, tâm và pháp, xem chúng là bất tịnh, khổ, vô thường, vô ngã, và nó cũng thuộc bốn loại vì nó hoàn tất nhiệm vụ từ bỏ tưởng về thường, lạc, ngã, tịnh.
35. Nhờ nó mà con người nỗ lực một cách chánh đáng, nên gọi là chánh cần. Hoặc nó tốt vì bỏ được những xấu xa của phiền não, nó là nỗ lực (cần) đem lại sự cải thiện, với ý nghĩa phát sinh an lạc. Ðó là tên chỉ nghị lực. Nó hoàn tất bốn nhiệm vụ trừ khử những bất thiện pháp đã sanh, ngăn ngừa sự sanh khởi những bất thiện chưa sanh, nó làm sanh khởi những thiện pháp chưa sanh, và duy trì những thiện pháp đã sanh, nó gồm có bốn, nên gọi là bốn chánh cần.
36. Lực (Iddhi) là nói theo nghĩa thành công (tjjhana) như đã nói ở Chương XII, đoạn 44. Ðó là con đường, (pàda) đi đến năng lực thành công, nó là tiền đạo cho sự thành công, cái nhân đi trư?c thành công, nên gọi là con đường đưa đến năng lực thành công, căn bản của thành công. Nó gồm bốn là dục, v.v. Do đó, mà "bốn như ý túc" hay "bốn thần túc" được nói, như đoạn: "Bốn như ý túc: dục như ý túc, tinh tấn như ý túc, nhất tâm như ý túc, trạch pháp như ý túc" (Vbh. 223) là những pháp thuộc siêu thế mà thôi. Nhưng khi nói: "Nếu một tỷ kheo có được định, có được nhất tâm nhờ dục tăng thạnh, thì đó là định nhờ dục" (Vbh. 216) v.v. thì đó cũng là những pháp thuộc thế gian có được nhờ dục tăng thạnh v..v..
37. "Căn" là nói theo nghĩa tăng thạnh, thắng lướt, bởi vì những pháp này, với tư cách là những căn thì thắng lướt được các pháp bất tín, giải đải, thất niệm, tán loạn và bất chánh tri (hoang mang).
"Lực" là nói theo nghĩa không "nao núng", bởi vì những pháp này, với tư cách là năng lực, sẽ không còn biết áp đảo bởi các pháp bất tín, v..v.. Căn và lực mỗi thứ gồm năm là tín, tấn, niệm, định và tuệ.
38. Niệm, trạch pháp, tinh tấn, hỷ khinh an, định và xả với tư cách là những yếu tố (chi phần) nơi một vị đang tiến đến giác ngộ, gọi là "Bảy giác chi". Và Chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tiến chánh niệm và chánh định, là tám "Ðạo chi" trong ý nghĩa một lối thoát, ngõ ra. Do vậy mà bảy giác chi và "Tám đạo chi" được nói đến.
39. Vậy, có tất cả ba mươi bảy pháp dự phần vào Giác ngộ. Trong giai đoạn đầu, khi tuệ thuộc thế gian đang sanh khởi, những pháp này được tìm thấy trong nhiều tâm như sau: Thân niệm xứ được tìm thấy nơi một người quán tâm theo mười sáu cách. Pháp niệm xứ được tìm thấy nơi một người quán pháp theo năm cách. Và khi ấy một pháp bất thiện nơi một người khác, chưa khởi lên nơi chính mình, vị ấy nỗ lực để đừng cho nó sanh, như sau: "Ta sẽ không làm như vị ấy, pháp bất thiện này đã sanh khởi nơi vị ấy sẽ không sanh nơi ta". Khi ấy, hành giả có được chánh cần thứ nhất. Khi thấy một pháp bất thiện trong hành động của chính mình, vị ấy nỗ lực từ bỏ nó, như vậy là chánh cần thứ hai. Khi nỗ lực phát sanh thiền và quán (tuệ) lâu nay chưa sanh là vị ấy có chánh cần thứ ba, và khi vị ấy làm sanh khởi nhiều lần những thiện pháp đã sanh để cho nó khỏi thối giảm, thì vị ấy có chánh cần thứ tư. Vào lúc phát sanh một thiện pháp nhờ dục kể như động lực hướng dẫn, thì đó là dục như ý túc, tương tự với ba pháp như ý túc còn lại. Vào lúc không nói là ngữ, là có chánh ngữ, không có tà mạng là chánh mạng vân vân..
Vào lúc sanh khởi bất cứ trí nào trong bốn đạo trí thì tất cả những pháp này được tìm thấy trong một tâm duy nhất.
Vào sát-na chứng quả, có 33 pháp, trừ 4 chánh cần.
40. Khi những pháp này được tìm thấy trong một tâm duy nhất theo cách ấy, thì chỉ có một loại niệm xứ với đối tượng là Niết bàn, mới được gọi là "bốn niệm xứ" vì nó hoàn tất nhiệm vụ từ bỏ bốn tướng là thường lạc, ngã, tịnh trong thân, thọ, tâm và pháp. Cũng vậy, chỉ một loại tinh tấn được gọi là "tứ chánh cần" vì nó hoàn tất 4 việc là ngăn ngừa sự sanh khởi các bất thiện pháp chưa sanh, v.v.. Với những pháp còn lại thì không có tăng hay giảm.
41. Lại nữa, về những pháp này được nói như sau:
Chín theo một cách, một theo hai cách
Rồi theo bốn cách và theo năm cách
Theo tám cách và lại theo chín cách nữa
Như vậy là có sáu đường phân chia.
42. (i) Chín theo một cách: chín pháp là dục, định, hỷ, khinh an, xả, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp và chánh mạng, chúng được tìm thấy theo một cách là "thần túc" (hay đường đến thành công) vì chúng không thuộc vào một nhóm nào khác.
(ii) Một theo hai cách: tín được tìm thấy theo hai cách, kể như căn và lực.
(iii) Rồi theo bốn cách và (iv) theo năm cách: có nghĩa rằng, một pháp khác được tìm thấy theo bốn cách và một pháp nữa tìm thấy theo năm cách. Ở đây, định là "một theo bốn cách" vì nó là căn, lực, giác chi, và đạo chi. Tuệ là "một theo năm cách" vì nó là bốn thứ này thêm như ý túc, (v) Theo tám cách và theo chín cách: Niệm là một pháp "theo tám cách vì nó là bốn niệm xứ, một căn, một lực, một giác chi, một đạo chi, tinh tấn là một pháp "theo chín cách" là bốn chánh cần, một như ý túc, một căn một lực, một giác chi và một đạo chi. Như vậy:
43.
Các pháp bồ đề phần
Có mười bốn nếu không chia
Chúng gồm ba mươi bảy
Nếu phân theo nhiều nhóm.
Mỗi pháp làm một việc
theo phận sự đặc biệt của nó,
nhưng tất cả đều xuất hiện
Khi bất thành đạo viên thành
Ðấy là sự "viên mãn các pháp bồ đề phần".
44.
(2). Xuất khởi: tuệ thế gian không dẫn phát sự "ngoi lên" khởi sanh sự các cấu uế nội tâm, vì nó không đoán được sanh, nghĩa là hành vi sanh khởi, nó cũng không làm "ngoi lên" khỏi tướng các hành bên ngoài, vì nó có tướng làm đối tượng.
[Chú thích: "ngoi lên" khởi tướng là từ bỏ tướng các hành và làm Niết bàn trở thành đối tượng. "Ngoi lên" khởi sanh là không sanh quả báo trong tương lai bằng cách gây nên sự chấm dứt cái "nhân" -- Pm. 874]
Trí chuyển tánh không dẫn phát sự ngoi lên khởi sanh (bên trong) vì nó không đoạn sanh, nhưng nó có làm ngoi lên khỏi tướng bên ngoài vì nó có Niết bàn làm đối tượng, vậy có sự ngoi lên từ một pháp. Do đó mà nói: "Tuệ ngoi lên và quay đi khỏi ngoại giới là trí chuyển tánh" (Ps. i, 66). Cũng thế toàn thể đoạn văn "Sau khi quay đi khỏi sanh, nó đi vào vô sanh, nên gọi là chuyển tánh... (xem Ch. XXI 37)... Sau khi quay đi khỏi tướng các hành ngoại giới, nó đi vào tịch diệt Niết bàn, nên gọi là chuyển tánh". (Ps. i,67).
Bốn loại (đạo) trí này "ngoi lên" khỏi tướng vì chúng có vô tướng làm đối tượng, và "ngoi lên" khởi sanh, vì chúng đoạn tận sanh. Vậy chúng "ngoi lên" khỏi cả hai. Cho nên nói:
45. Thế nào tuệ "ngoi lên" và "quay đi" khỏi cả hai gọi là đạo trí?
"Vào sát-na Dự lưu đạo, Chánh kiến theo nghĩa thấy (a) "ngoi lên" khởi tà kiến, "ngoi lên" khởi cấu uế và các uẩn do tà kiến sanh, (b) bên ngoài nó "ngoi lên" khỏi tất cả tướng, do đó nói: Tuệ "ngoi lên" và "quay đi" khỏi cả hai là đạo trí. Chánh tư duy theo nghĩa "hướng tâm về", "ngoi lên" khỏi tà kiến... Chánh ngữ theo nghĩa "bao dung", "ngoi lên" khỏi tà ngữ... chánh nghiệp theo nghĩa sanh khởi, "ngoi lên" khởi tà nghiệp... Chánh mạng theo nghĩa làm sạch, "ngoi lên" khỏi tà mạng... Chánh tinh tấn theo nghĩa nỗ lực, "ngoi lên" khỏi tà tinh tấn... Chánh niệm theo nghĩa an trú, "ngoi lên" khỏi tà niệm... Chánh định theo nghĩa không tán loạn, "ngoi lên" khỏi tà định, khỏi các cấu uế và khởi các uẩn sanh do hậu quả của tà định, và bên ngoài thì nó "ngoi lên" khỏi các tướng, do đó nói: Tuệ ngoi lên và quay đi khỏi cả hai, là đạo trí. Vào sát-na thuộc Nhất lai đạo, chánh kiến theo nghĩa thấy... Chánh định theo nghĩa không tán loạn (a) "ngoi lên" khỏi kiết sử thô là tham sân và tham sân tùy miên, khởi cấu uế, và các uẩn hậu quả cấu uế, và (b) bên ngoài nó ngoi lên khỏi tất cả các tướng, do đó nói, Tuệ "ngoi lên" và quay đi khỏi cả hai là đạo trí.
"Vào sát-na Bất hoàn đạo, chánh kiến theo nghĩa thấy... Chánh định theo nghĩa không tán loạn (a) "ngoi lên" khỏi tàn dư của tham sân và tham sân tùy miên, ngoi lên khỏi cấu uế và uẩn sanh từ đó, (b) bên ngoài, nó ngoi lên khỏi tất cả tướng, nên nói Tuệ ngoi lên và quay đi khỏi cả hai, là đạo trí.
"Vào sát-na A-la-hán đạo, Chánh kiến theo ý nghĩa thấy... Chánh định theo nghĩa không tán loạn, "ngoi lên" (a) khỏi sắc ái, vô sắc ái, mạn, trạo cử, vô minh, mạn tùy miên, hữu tham tùy miên, vô minh tùy miên, ngoi lên khỏi các cấu uế và các uẩn sanh từ đó, (b) bên ngoài, nó ngoi lên khỏi tất cả tướng, do đó nói: "Tuệ ngoi lên và quay đi khỏi cả hai, gọi là đạo trí" (Ps. i,69).
46.
(3) Sự sóng đôi các năng lực: Vào thời gian tu tập 8 thiền chứng thuộc thế gian, tịnh chỉ lục tăng thịnh, trong khi ở thời gian tu tập quán vô thường, v..v.. tuệ lực tăng thịnh. Nhưng vào sát-na thánh đạo, định tuệ song hành, không cái nào thắng lướt cái nào. Vậy, có sự sóng đôi của các lực trong trường hợp mỗi trí trong bốn trí này như được nói: "Khi vị ấy ngoi lên khỏi những cấu uế tương ứng với trạo cử và khỏi các uẩn, thì sự nhất tâm bất loạn, định của vị ấy có diệt là sở hành (gocara) của nó. Khi vị ấy ngoi lên khỏi các cấu uế tương ưng với vô minh và khỏi các uẩn, thì tuệ vị ấy theo nghĩa quán, có diệt làm sở hành của nó. Bởi thế chỉ và quán có một bản chất duy nhất ở giai đoạn xuất khởi, chúng song hành không cái nào thắng lướt cái nào. Do vậy, mà nói vị ấy tu tập chỉ và quán song hành theo nghĩa xuất khởi". (Ps. ii, 98).
47.
(4). Các loại pháp cần được trừ đoạn: Mỗi một trí trong bốn trí tự nó và cùng nhau, đem lại sự từ bỏ các pháp gọi là kiết sử phiền não. 8 tà, các thế gian pháp, các loại tham, điên đảo, trói buộc, tà hạnh, lậu hoặc, bộc lưu, hệ phược, triền cái, tà giải, chấp thu,û tùy miên, cấu uế, các bất thiện hành và tác ý bất thiện.
48. Kiết sử là mười pháp thời sắc tham, gọi là kiết sử vì chúng trói buộc các uẩn trong đời này với các uẩn đời kế tiếp, hoặc trói buộc nghiệp với quả hoặc trói buộc hữu tình vào đau khổ. Vì bao lâu cái này còn hiện hữu thì cái kia không chấm dứt. Trong những kiết sử này, thì sắc tham, vô sắc tham, mạn, trạo cử và vô minh được gọi là năm thượng phần kiết sử, vì chúng trói buộc hữu tình vào uẩn, v.v. sanh trong các cõi cao, còn thân kiến, nghị, giới cấm thủ, dục tham, và sân, gọi là hạ phần kiết sử vì chúng trói buộc hữu tình vào các uẩn, v.v.. sanh trong các cõi thấp.
49. Phiền não là mười pháp tham, sân, si mạn, tà kiến, nghị, hôn trầm, trạc cử, vô tàm, vô quý. Chúng được gọi như vậy vì tự chúng đã ô nhiễm mà còn làm nhiễm ô các pháp tương ưng với chúng.
50. Tám tà là tà kiến, tà tư duy, tà ngũ, tà nghiện, tà mạng, tà tinh tiến, tà niệm và tà định, thêm tà trí và tà giải thoát là mười.
[Chú thích: "Tà trí" là trí phát sinh không chơn chánh, không phù hợp với sự thật, bị lạc lầm do tà giải, v.v.. và chỉ là vọng tưởng. "Tà giải thoát" như cho rằng giải thoát là đi cho đến chỗ tận cùng của thế giới, v.v.. Xem Ch. XVI, đ. 35]
51. Các thế gian pháp là tám thú được thua vinh nhục lạc khổ khen chê. Chúng được gọi là pháp thế gian vì chúng cứ theo nhau tiếp diễn khi thế giới còn tồn tại. Sự vừa ý khi vinh, khi được v.v. và sự phẫn uất khi nhục, thua v.v.. cũng được bao gồm trong thế gian pháp.
52. Các loại tham có 5, là tham đối với chỗ ở, quyến thuộc, lợi lộc, pháp, và tiếng khen. Có nghĩa là không chịu nỗi sanh sẻ những thứ này với người khác.
53. Các thứ điên đảo. Gồm ba là tưởng điên đảo, tâm điên đảo và kiến điên đảo. Vô thường cho là thường, khổ cho là lạc, vô ngã cho là ngã, bất định cho là định.
54. Các trói buộc: có 4, khởi từ tham. Sở dĩ gọi trói buộc vì chúng cái thân tâm lý vào cái thân vật lý, còn gọi là thân hệ phược. Tham, sân giới cấm chủ và tà giải, nghĩa là cho rằng "chỉ đây mới là sự thật" (Vbh. 374).
55. Tà hạnh, là sự làm cái không nên làm, và không làm cần nên làm, do tham san si và sợ. Chúng được gọi là đường xấu vì đó là những con đường mà bậc thánh không đi.
56. Lậu hoặc (àsava): về phương diện tâm pháp, nó lọt khởi chuyển tánh, về phương diện các hữu, nó lọt khỏi hình thức hữu cao nhất, tức bốn vô sắc, vì tính chất hữu vi của nó. Ðây là từ để chỉ dục tham, hữu tham, tà kiến và vô minh, vì những cấu uế này tiết lậu từ các căn mởn không được phòng hộ, như nước rỉ từ bình chảy, hoặc vì chúng phải sinh những khổ sanh tử.
Bộc lưu là nghĩa càn quét, lùa vào biến hữu, và nghĩa là khó vượt qua.
Hệ phược vì chúng không cho phép gỡ ra khỏi một đối tượng, và không gỡ khỏi khổ. Cả hai, Bộc lưu và Hệ phược, đều chỉ lậu hoặc đã nói trên.
57. Triền cái có 5, tham sân hồn trầm trạo cử và nghi, nghĩa là chúng chướng ngại và che giấu thực tại khỏi tâm thức.
58. Tà giải chỉ tà kiến, vì nó sanh khởi dưới hình thức không thấy được tự tính của một pháp, lại thấy cách khác, thấy một tự tánh không thực.
59. Chấp thủ là dục thủ, v.v. đã nói đầy đủ trong phần Mô tả duyên khởi Ch. XVII, đoạn 240 trở đi.
60. Các tùy miên gồm 7, có tính chất thâm căn cố đế được kể là dục tham, sân, mạn, tà kiến, nghi, hữu tham và vô minh. Do chúng ăn sâu nên gọi là tùy miên, chúng là cái nhân cho dục tham, v.v. sanh lại mãi.
61. Các cấu uế là tham sân si, tự thân chúng đã ô nhiễm như dầu, lọ, bùn, mà chúng còn vấy bẩn các vật khác, nên gọi là cấu uế.
62. Các bất thiện nghiệp gồm 10 là: sát sinh, lấy của không cho, tà hạnh trong dục, vọng ngữ, ác ngữ, thô ngữ, phù phiếm ngữ, tham, sân và tà kiến. Chúng được gọi như vậy vì vừa là nghiệp bất thiện mà vừa là lộ trình dẫn đến ác thú.
63. Các tác ý bất thiện có 12, gồm 8 tâm gốc ở tham, hai ở sân và 2 ở si. (Ch. XIV, đ. 89).
64. Bốn trí này riêng biệt và chung nhau, trừ khử các pháp trên, khởi từ kiết sử. Bằng cách nào?
Về kiết sử, 5 thứ được đoạn bằng trí thứ nhất: thân kiến, nghi, giới cấm thủ, dục tham và sâm, thứ tham sân khá mạnh đủ để dẫn đến đọa xứ. Các dục tham thô và sân thô còn lại được đoạn bằng trí thứ hai. Dục sân vi tế được đoạn bằng trí thứ ba. Năm kiết sử kể từ sắc giới tham, v.v. (thượng phần) chỉ thực sự đoạn trừ với trí thứ 4.
Từ đây trở đi bất cứ pháp nào được nói là đoạn trừ bởi một trong ba trí bực trên thì cần hiểu là chỉ có dư tàn của pháp ấy mà thôi, vì phần thô đã được đoạn bởi trí đi trước nó để không dẫn đến đọa xứ.
65. Về các phiền não, thì tà kiến, nghi được đoạn bằng trí đầu tiên, sân đoạn bằng trí thứ ba. Tham, si, mạn, hôn trầm, trạo cử, vô tàm, vô quí đoạn bằng trí thứ tư.
66. Tám tà: tà kiến, tà ngữ, tà nghiệp, tà mạng, được đoạn bằng trí thứ nhất. Tà tư duy, ác ngữ, thô ngữ đoạn bằng trí thứ ba. Và ở đây ngữ là tư tâm sở (khuynh hướng muốn nói, chưa thốt ra). Phù phiếm ngữ, tà tinh tiến, tà niệm, tà định, tà giải thoát và tà trí đoạn bằng trí thứ tư.
67. Các pháp thế gian thì sân đoạn bằng trí thứ ba, khả ý đoạn bằng trí thứ tư. Có người cho rằng sự thích danh dự tiếng khen chỉ được đoạn bởi trí thứ 4.
Các loại tham được đoạn bằng trí đầu tiên.
68. Các điên đảo, thì tưởng điên đảo, kiến điên đảo, tâm điên đảo, cho vô thường là thường, vô ngã là ngã, và kiến điên đảo lấy khổ làm vui, bất tịnh làm tịnh, được đoạn với trí thứ nhất. Tưởng điên đảo, tâm điên đảo lấy bất tịnh làm tịnh, đoạn với trí thứ ba. Tưởng điên đảo, tâm điên đảo lấy khổ làm vui đoạn bằng trí thứ tư.
69. Các thân hệ phược, thì giới cấm thủ và kiến thủ "đây mới là chân lý" được đoạn bằng trí thứ nhất. Sân đoạn với trí thứ ba. Cái còn lại đoạn trừ bằng trí thứ tư.
Các tà hạnh được đoạn bằng trí thứ nhất.
70. Các lậu hoặc: kiến lậu đoạn bằng trí thứ nhất, dục lậu bằng trí thứ ba, hai lậu kia bằng trí thứ tư.
Bộc lưu và hệ phược cũng vậy.
71. Các triền cái thì nghi đoạn bằng trí thứ nhất, tham sân trạo cử bằng trí thứ ba, hôn trầm thụy miên và trạo cử vi tế được đoạn bằng trí thứ tư.
Tà giải được đoạn bằng trí thứ nhất.
72. Về chấp thủ, theo kinh điển, tất cả thế gian pháp đều là dục kể như đối tượng dục, bởi vậy sắc giới tham và vô sắc giới tham đều thuộc dục thủ, do đó dục thủ được trừ với trí thứ tư. Các thủ còn lại đoạn với trí thứ nhất.
73. Các tùy miên: tà kiến, nghi, đoạn với trí thứ nhất; dục, sân tùy miên bằng trí thứ ba. Mạn tùy miên, hữu tham và vô minh tùy miên đoạn bằng trí thứ tư.
74. Các cấu uế, thì sân được đoạn với trí thứ ba, các thứ khác nhờ trí thứ tư.
75. Các bất thiện nghiệp, thì sát sinh, lấy của không cho, tà hạnh trong dâm dục, nói dối, tà kiến, được đoạn bằng trí thứ nhất, ác ngữ, thô ngữ, sân, trừ bằng trí thứ ba, phù phiếm ngữ và tham được trừ bằng trí thứ tư.
76. Những tác ý bất thiện, thì bốn tương ưng tà kiến, 1. tương ưng nghi, vị chi năm, đoạn bằng trí thứ nhất, hai tâm tương ưng với sân đoạn bằng trí thứ ba. Còn lại được trừ bằng trí thứ bốn.
77. Và pháp nào đoạn trừ với trí nào thì đoạn tận với trí ấy, do đó trên đây nói: "Vậy 4 thứ trí này, riêng biệt và cùng nhau, đoạn tận các pháp khởi từ kiết sử".
78.
(5). Hành vi từ bỏ: Nhưng những trí này từ bỏ các pháp ấy như thế nào? Khi chúng là quá khứ hay hiện tại hay vi lai? Lập trường ở đây là thế nào? Vì nếu các trí ấy đoạn tận các pháp kia khi chúng đã qua hay chưa đến, thì kết quả là nỗ lực ấy vô hiệu, vì cái cần đoạn là phi hữu. Nếu đoạn trong khi chúng đang hiện hữu cũng vô ích, vì những pháp cần đoạn hiện hữu đồng thời với cái nỗ lực đoạn, và như vậy thành ra có sự tu tập một đạo lộ có cấu uế, hoặc thành ra cấu uế là bất tương ưng với tâm, mặc dù không có chuyện có một cấu uế đang hiện hữu mà lại bất tương ưng với tâm.
79. Ðó không phải một luận cứ mới mẻ gì. Bởi trong các kinh luận, câu hỏi đầu tiên được đặt ra là, khi một người trừ cấu uế, thì trừ cấu uế quá khứ chăng, vị lai chăng, hiện tại chăng? Nếu vị ấy đoạn cấu uế quá khứ, tức là phá hủy cái đã bị phá hủy, làm chấm dứt cái đã chấm dứt, làm tiêu tan cái đã tiêu tan, làm hạ xuống cái đã hạ. Cái gì đã qua, tức là phi hữu, vị ấy lại đoạn trừ cái ấy. Trả lời là, vị ấy không đoạn trừ cấu uế quá khứ. Bác luận lại lập: nếu vị ấy đoạn trừ cấu uế vị lai, tức đoạn một cái chưa sanh, chưa khởi, chưa hiển hiện; cái còn vị lai nghĩa là phi hữu, vị ấy đoạn cái ấy. Ðược cãi rằng, vị ấy không trừ cấu uế vị lai. Bác luận lại đặt ra: Nếu vị ấy đoạn cấu uế hiện tại, tức có nghĩa là đang bốc cháy với lửa tham, vị ấy đoạn tham, hư hỏng vì sân, vị ấy lại đoạn sân, và đang bị ảo tưởng vị ấy đoạn si, bị trói buộc bởi mạn, vị ấy trừ mạn, đang tà kiến mà trừ tà kiến, đang tán loạn lại trừ tán loạn, chưa quyết định, vị ấy đoạn nghi, đang có những tùy miên, vị ấy đoạn tùy miên. Những pháp tối sáng sóng đôi song hành, thành ra có sự tu tập một đạo lộ có cấu uế. Tất cả điều này được chối bỏ như sau: Vị ấy không đoạn cấu uế quá khứ, không đoạn cấu uế vị lai, không đoạn cấu uế hiện tại. Cuối cùng câu hỏi là, như vậy hóa ra không có sự tu tập đạo lộ, chứng quả, đoạn trừ cấu uế, không có sự thâm nhập các phái? Ðáp, có chứ. Hỏi, bằng cách nào? Trả lời: Ví như một cây chưa sanh quả, bị người chặt gốc, thì những trái chưa sanh sẽ giữ nguyên trạng thái không sanh, không sẽ sanh, không khởi, không sẽ khởi, không hiển hiện, không sẽ hiển hiện. Cũng vậy tập khởi là một nhân, một duyên cho sự sanh sản các cấu uế. Khi thấy nguy hiểm của cấu uế, tâm đi vào tình trạng không tập khởi. Với tâm đi vào trạng thái không tập khởi, cấu uế có thể sanh do duyên tập khởi sẽ không sanh, không đi đến trạng thái sẽ sanh... không đi đến trạng thái sẽ hiển hiện. Như vậy, với sự chấm dứt của cái nhân của khổ, có sự chấm dứt khổ. Khởi là một nhân..., tướng là một nhân.. Tích lũy là một nhân.. một duyên cho sự sanh sản các cấu uế. Thấy nguy hiểm trong tích lũy, tâm đi vào trạng thái không tích lũy. Do tâm đi vào không tích lũy, các cấu uế do duyên tích lũy sanh ra sẽ không sanh, không đi đến sẽ sanh, không hiện không đi đến sẽ hiện. Như vậy, với sự chấm dứt của nhân có sự chấm dứt của khổ. Vậy có sự tu tập đạo lộ, có sự chứng quả, có sự từ bỏ cấu uế, có sự thể nhập pháp" (Ps. ii, 217-9)
80. Ðiều ấy chứng tỏ cái gì? Nó chứng tỏ sự đoạn trừ những cấu uế nào có đất để sinh trưởng. Nhưng những cấu uế có đất để tăng trưởng ấy, là quá khứ vị lai hay hiện tại? Chúng chỉ là những cấu uế được mô tả là "sinh khởi nhờ có đất" để tăng trưởng, thế thôi.
81. Sanh có nhiều nghĩa, 1/ thực sự xảy ra, 2/ đã là, đã qua, 3/ sanh nhờ cơ hội tạo thành, 4/ sanh nhờ có đất để mọc.
1/ Tất cả những gì có 3 sát-na sinh, tru,ù diệt, gọi là "sanh kể như thực sự xảy ra". 2/ Các thiện và bất thiện nghiệp báo được kinh nghiệm do sự kích thích của một đối tượng, đã được nếm trải và đã qua mất, là sanh kể như đã qua. 3/ Nghiệp được mô tả theo cách sau: Những việc mà vị ấy đã làm trong quá khứ dù đã thực sự trôi qua, được gọi là "sanh do cơ hội tạo tác", vì nó đạt đến trú vị bằng cách ngăn chận nghiệp đang thuần thục khác và khiến cho nghiệp ấy trở thành cơ hội cho quả báo riêng nó (xem Ch. 19, đ. 16). Và nghiệp báo có cơ hội của nó được tạo theo cách ấy dù khi chưa sanh, cũng được gọi "sanh do cơ hội tạo" vì nó chắc chắn sẽ sanh khi gặp cơ hội. 4/ Trong khi bất thiện nghiệp chưa được từ bỏ ở một cảnh giới nào, thì gọi là "sanh nhờ có đất để tăng trưởng".
[Chú thích: "Ở trong một cảnh giới nào" có nghĩa các uẩn kể như đối tượng, bị chấp thủ, được xem là 1 vị trời hay người].
82. Và ở đây sự khác nhau giữa "đất" và "cái gì có đất" cần rõ. Vì "đất" có nghĩa là 5 uẩn trong ba hữu, đối tượng của tuệ. [Chú thích: "đối tượng của tuệ ám chỉ tình trạng không được hoàn toàn liễu tri của các uẩn, vì chính các uẩn không được liễu tri trong số các uẩn tạo nên căn cứ chủ quan, mới là đất của phiền não] "Cái gì có đất" chỉ cho phiền não có thể sanh khởi tương ưng với các uẩn ấy. Những cấu uế ấy có đất ấy, nên nói "nhờ có đất đề tăng trưởng".
83. Và điều ấy không có nghĩa về phương diện đối tượng, vì cấu uế đối với 1 đối tượng có thể khởi tương ưng với bất cứ uẩn nào, kể cả các uẩn quá khứ, vị lai hay hiện tại, và tương ưng với cả các uẩn đã hoàn toàn được liễu tri về phương diện chủ thể, nơi 1 người đã diệt lậu hoặc, như cấu uế khởi lên nơi thanh niên giàu có Soreyya khi thấy tôn giả Ca chiên diên, và cấu uế khởi lên nơi bà la môn Nanda đối với nàng Uppalavama. Nếu sự sanh nhiễm tâm nơi thanh niên ấy khi thấy các uẩn tôn giả Ca chiên diên, mà gọi là "sanh vì có đất để tăng trưởng" thì vô lý, nên phải hiểu "đất" theo nghĩa nội tại chủ quan. Vì các cấu uế gốc rễ sinh tử là tiềm tàng trong chính các uẩn của tự mình, các uẩn không được liễu tri bằng tuệ, ngay lúc chúng sanh khởi. Và chính điều ấy mới gọi là "sanh nhờ có đất", nghĩa là không được t? bỏ.
84. Khi những cấu uế là tiềm phục, nghĩa là không được từ bỏ trong 5 uẩn của một người, thì chỉ có các uẩn đó của y mới là căn bản cho những cấu uế ấy, chứ không phải các uẩn thuộc về 1 người khác. Và chỉ có các uẩn quá khứ mới là quá khứ căn bản cho cấu uế tiềm phục không được từ bỏ trong các uẩn quá khứ. Cũng thế, với trường hợp các uẩn vị lai, v.v... Tương tự, chỉ có các uẩn dục giới mới là căn bản cho những cấu uế tiềm phục chưa từ bỏ trong các uẩn dục giới. Trường hợp sắc và vô sắc giới cũng vậy.
85. Nhưng trong trường hợp bậc dự lưu, v.v... khi cấu uế gốc rễ của sinh tử, đã được đoạn trừ nhờ một đạo lộ, trong các uẩn của một bậc thánh, thì các uẩn của vị ấy không còn gọi là đất cho cấu uế, vì không còn làm căn bản cho cấu uế. Nhưng nơi 1 người thường, các cấu uế gốc rễ của sinh tử chưa được đoạn gì cả, bởi vậy bất cứ nghiệp gì y làm, luôn luôn là thiện hoặc bất thiện. Bởi thế đối với y vòng luân chuyển cứ mãi quay, với nghiệp và cấu uế làm duyên cho nó.
86. Nhưng trong khi cấu uế là gốc rễ của vòng sinh tử như vậy, ta không thể bảo nó chỉ ở trong sắc uẩn của người kia, hay chỉ ở trong thọ uẩn, tưởng, hành, thức uẩn của người kia, vì nó tiềm tang trong cả năm uẩn, như nhựa cây.
87. Khi một cây mọc trên đất nhỏ các tinh chất nhựa cây, nước... nó tăng trưởng rễ, uẩn, cành, nhánh, mầm, lá hoa, quả cho đến khi nó tỏa rộng giữa bầu trời, và tiếp tục dòng họ cây qua các hạt giống cho đến tận thế, ta không thể nói tinh chất chỉ có trong rễ, trong thân... mà thôi, vì nó lan khắp thân cây từ rễ trở lên.
88. Giả sử có người không ưa hoa lá của cây ấy, bèn chích cả bốn phía bàng kim độc gọi là gai manduka, thì vì nhiễm độc, cây không thể kéo dài thân tương tục của nó nữa, trở thành trơ trụi vì tích chất bị nhiễm. Cũng vậy, thiện nam từ khi cảm thấy chán ghét sự sanh các uẩn, khởi sự tu tập bốn đạo lộ, cũng giống như người kia chấm độc nhất vào cả bốn phiá cây. Tính tương tục của các uẩn nơi vị ấy được làm cho vô năng, không thể kéo dài đến một hữu kế tiếp. Bây giờ nó không sanh ra hữu vị lai, vì tất cả loại nghiệp khỏi từ thân nghiệp bây giờ chỉ là duy tác: vì hiệu lực của độc tố bốn đạo lộ làm cho diệt tận các cấu uế gốc rễ sinh tử, vì không chấp thủ, vị ấy đương nhiên đạt đến tịch diệt Niết bàn, như ngọn lửa đã hết nhiên liệu, khi tâm cuối cùng chấm dứt. Ðấy là sự khác nhau giữa "đất" và "cái gì có đất".
89. Ngoài ra, lại còn bốn cách xếp loại "sanh" nữa là: 5/ sanh kể như xảy ra, 6/ sanh với sự nắm giữ một đối tượng, 7/ sanh do không thể ngự, 8/ sanh do không từ bỏ.
5/ Sanh kể như xảy ra cũng giống như sự sanh kể như thực sự xảy ra đã nói ở (1),
6/ Khi một đối tượng đi vào chú ý của mắt, v.v. vào một thời gian trước, mà cấu uế không sanh ngay, lại nổi lên đầy mãnh lực về sau, chỉ vì đối tượng đã được ôm giư õ, thì cấu uế được gọi là "sanh do sự nắm giữ một đối tuợng". Như cấu uế khởi lên trong tôn giả Mahàtissa sau khi thấy hình dáng một phụ nữ trong lúc ngài đi khất thực.
7/ Bao lâu một cấu uế không được dập tắt bằng tuệ hay định thì mặc dù có thể nó chưa thực sự đi vào tâm tương tục, nó vẫn được gọi là "sanh do không chế ngự", vì không có nhân để ngăn sự sanh khởi của nó nếu gặp duyên thích hợp. 8/ Nhưng ngay khi dù đã dập tắt bằng chỉ hay quán, các cấu uế vẫn được gọi là "sanh do không từ bỏ", nếu chưa được đoạn tận bằng đạo lộ. Như vị trưởng lão đã đắc tám thiền chứng mà cấu uế vẫn còn khởi lên nơi ngài trong khi đang du hành trên hư không, vì nghe giọng hát du dương của một phụ nữ đang hái hoa.
90. Ba loại sanh khởi (6,7,8) nói trên, sanh do ôm giữ đối tượng, sanh do không chế ngự, và sanh do không từ bỏ, đều bao gồm trong loại "sanh do có đất để tăng trưởng"
91. Về các loại sanh đã nói, bốn loại 1,2,3,4 không thể từ bỏ bởi bất cứ loại nào trong bốn, vì chúng không thể loại trừ bằng đạo lộ. Các loại sanh 4,6,7,8 đều có thể được từ bỏ, vì một trí thế gian hay siêu thế nào, khi sanh khởi, sẽ vô hiệu hóa một trong nhưng kiểu sanh này.
Ðấy là trình bày về chứng pháp cần và có, và hành vi từ bỏ chúng.
Bốn Nhiệm Vụ
92.
Các nhiệm vụ liễu tri, v.v.
Khi bốn chân lý được thể nhập,
Mỗi nhiệm vụ cần được thay
Theo tự tính của nó.
Bốn Nhiệm Vụ Trong Một Sát-na Duy Nhất
(6) Các nhiệm vụ liễu tri:Vào các thời thế nhập bốn chân lý, mỗi trí trong bốn đạo thi hành bốn nhiệm vụ trong một sát-na duy nhất, đó là liễu trị, đoạn trị, chứng ngộ và tu tâïp. Mỗi nhiệm vụ này cần được nhận tùy theo tự tinh của nó. Cổ đức nói: "Cũng như ngọn đèn làm đòâng lúc bốn nhiệm vụ là đốt cháy bâùc, xua tan bóng tối, làm ánh sáng xuất hiện, và tiêu thụ dầu; cũng vậy đạo trí thể nhập bốn chân lý đồng thời qua một sát-na duy nhất: thâm nhập khổ đế bằng cách liễu trị, thâm nhập nguồn gốc khổ bằng cách đoạn trừ, thâm nhập Ðạo bằng sự tu tập, và thâm nhập Diệt bằng chứng ngộ. Nghĩa là bằng cách lấy Diệt làm đối tượng, đạo trí đạt đến, thấy và chọc thủng bốn chân lý.
93. Vì điều này được nói: " Này các Tỳ Kheo, ai thấy khổ, thấy luôn nguồn gốc khổ, thấy luôn sụụ chấm dứt khổ và con đường đưa đến diệt khổ. " (S. v, 437) Ðối với ba chân lý kia cũng vậy. Lại nữa, Kinh dạy: " Trí của một người có được đạo lộ là khổ trí, khổ tập trí, khổ diệt trí và khổ diệt đạo trí" (Ps. i,119)
94. Như đèn đốt cháy bấc, đạo trí liễu tri khổ, như đèn xua tan bống tối, đạo trí đoạn trừ nguồn gốc khổ, như đèn làm ánh sáng xuất hiẹn, đạo trí (kể như chánh kiến) tu tập đạo lộ, nói khác là tu các pháp chánh tư duy, v..v... bằng cách làm câu sanh duyên cho chúntg. Và như đèn tiêu thụ dầu cho đến hết, cũng vậy trí này chứng diệt, đem lại sự chấm dứt cấu uế phiền não.
95. Hoặc lấy một ví dụ khác như mặt trời mọc làm đồng lúc bốn nhiệm vụ, là soi sáng các sắc, xua tan bóng tối, làm cho ánh sáng được thấy, và làm bớt rét. Cũng vậu đạo trí thâm nhập diệt đế bằng sự chứng đạt. Ở đây cũng thế, như mặt trời soi sáng sắc đạo trí liễu tri khổ, như mặt trời xua tan bóng tối, đạo trí đoạn tập; như mặt trời làm ánh sáng hiện rõ, đạo trí kể như chánh kiến tu tập các đạo chi khác bằng cách làm câu sanh duyên cho chúng; như mặt trời làm giảm bớt lạnh, đạo trí chứng, diệt, sự tịnh chỉ các phiền não.
96. Một ví dụ khác: như chiếc thuyền làm đồng lúc bốn việc là rời bờ, rẽ sóng, chở hàng, và tiến gần bờ kia, cũng vậy đạo trí... thâm nhập diệt đế bằng cách chứng đạt. Như thuyền rời bờ này, đạo trí liễu trí khổ; như thuyền rẽ nước, đạo trí đoạn tập; như thuyền chở hàng, đạo trí tu tập các đạo chỉ khác bằng cách làm câu sanh duyên cho chúng; như thuyền tiến gần bờ bên kia, đạo trí chứng diệt, bờ bên kia.
97. Khi trí vị ấy sanh khởi như vậy, với bốn nhiệm vụ trong một sát-na duy nhất, vào lúc thể nhập bốn chân lý, thì bốn chân lý trở thành một thực tại nhất quán với 16 khía cạnh, như đư?c nói: "Có sự thể nhập nhất quán cả bốn chân lý với nghĩa là chắc thực, qua 16 khía cạnh: khổ có nghĩa bức bách, hữu vi, đốt cháy, biến đổi là nghĩa chân thực của nó; tập có nghĩa tích lũy, nguồn gốc, trói buộc, chướng ngại, là nghĩa chân thực của nó; diệt có nghĩa thoát, viễn ly, vô vi, bất tử, là nghĩa chân thực của nó; đạo có nghĩa là lối ra, nguyên nhân, thấy, siêu việt, là nghĩa chân thực của nó. Bốn chân lý với 16 khía cạnh này được gồm trong một chân lý duy nhất. Cái gồm tất cả gọi là nhất thể, và nhất thể thì được thâm nhập bằng một trí duy nhất. Như vậy, bốn chân lý có một sự thể nhập duy nhất" (Ps. ii, 107)
98. Ở đây, người ta có thể đặt câu hỏi: Có những nghĩa khác của khổ, như bệnh, như cục bướu, v.v. và của các chân lý khác, tại sao đây chỉ nói bốn nghĩa cho mỗi chân lý? Trả lời là, chính do cái gì hiện rõ khi thấy ba chân lý kia, trong mỗi trường hợp. Trước hết, trong đoạn: "Gì là khổ trí? Ðó là sự hiểu rõ, hành vi hiểu rõ khởi lên liên hệ khổ" (Ps. i, 119), thì trí về bốn chân lý được trình bày như có một chân lý duy nhất làm đối tượng cho nó. Nhưng với đoạn "Này các tỷ kheo, ai thấy khổ, cũng thấy luôn nguồn gốc khổ" (S. v, 437), thì trí ấy được trình bày như là hoàn tất nhiệm vụ nó đối với ba chân lý kia đồng thời với sự lấy một chân lý làm đ?i tượng.
99. Ðối với hai đoạn trên, khi trí lấy một chân lý làm đối tượng, thì, khi khổ được chọn làm đối tượng chẳng hạn, khổ có đặc tính bức bách kể như tự tánh nó, nhưng ý nghĩa hữu vi của nó trở nên rõ rệt do thấy Tập, bởi vì Khổ ấy được tích tập, được tạo thành, được kết tụ bởi Tập, cái có đặc tính tích lũy. Và đạo lộ thanh lương tẩy trừ nhiệt não cấu uế, nên ý nghĩa thiêu đốt của Khổ trở nên rõ rệt nhờ thấy Ðạo, như sự xấu xí của nàng Sundari hiện rõ cho tôn giả Nanda khi thấy thiên nữ. Ý nghĩa biến đổi của khổ trở nên rõ rệt nhờ thấy Diệt kể như pháp không bị biến dịch, điều này khỏi cần giảng giải.
100. Cũng thế, khi Tập được lấy làm đối tượng, thì nó có đặc tính tích lũy kể như tự tánh nó, nhưng ý nghĩa nguồn gốc trở nên rõ rệt do thấy khổ, như thực phẩm không thích hợp là căn do của chứng bệnh, sự kiện này rõ rệt khi thấy bệnh nổi lên do ăn thức ăn ấy. Ý nghĩa trói buộc của nó rõ rệt nhờ thấy Diệt, cái không còn bị trói buộc. Và ý nghĩa chướng ngại của nó trở nên rõ rệt do thấy đạo lộ là lối thoát ra.
101. Cũng vậy, khi Diệt được lấy làm đối tượng, thì diệt có đặc tính một lối thoát. Nhưng ý nghĩa viễn ly của nó trở nên rõ rệt do thấy Tập kể như không viễn ly. Ý nghĩa vô vi của nó rõ rệt do thấy đạo lộ, vì đạo lộ chưa từng thấy trước đây trong vòng vô thỉ sanh tử, tuy vậy đạo lộ cũng còn là hữu vi, vì là duyên sinh. Và bởi thế tính vô vi của cái vô điều kiện trở nên hoàn toàn rõ rệt. Ý nghĩa bất tử của nó trở thành hiển nhiên do thấy khổ, vì khổ là độc dược có Niết bàn thì bất tử.
102. Cũng vậy khi đạo được lấy làm đối tượng, thì nó có đặc tính là lối ra. Nhưng ý nghĩa nguyên nhân của nó trở nên rõ rệt do thấy tập như sau: "Ðó không phải nguyên nhân, mà trái lại, đây mới là nhân, để đạt Niết bàn. Ý nghĩa thấy của nó rõ rệt do thấy Diệt, như tính sáng của mắt trở nên rõ rệt khi một người thấy được sắc vi tế và nghĩ rằng, mắt ta tỏ thật. Ý nghĩa siêu việt rõ rệt do thấy khổ, cũng như tính thù thắng của những ông lớn càng nổi bật khi thấy những kẻ khốn cùng bị nhiều bệnh tật bức não.
103. Vậy trong đoạn văn trên bốn nghĩa được kể cho mỗi chân lý, bởi vì kể riêng từng cái, thì có một nghĩa rõ rệt, còn ba nghĩa kia rõ rệt nhờ thấy ba chân lý còn lại.
Tuy nhiên, vào sát-na thuộc Ðạo, thì tất cả ý nghĩa này được thâm nhập đồng thời bởi một tri duy nhất có bốn nhiệm vụ tương ưng với khổ, tập, diệt, đạo (là tri khổ đoạn tập chứng diệt tu đạo). Nhưng về những người chủ trương rằng bốn chân lý được thâm nhập riêng rẻ, thì có nhiều điều nữa được nói trong Abhidhamma trong bộ Kathàvatthu (Kv. 212 - 20).
Bốn Nhiệm Vụ - Mô Tả Riêng rẽ.
104.
(7). Bây giờ về bốn nhiệm vụ liễu tri, v. v. được nói trong đoạn 92 ở trên:
Liễu tri gồm có ba,
Cũng vậy đoạn và chứng
Tu tập thì có hai
Sự trình bày cần biết.
105. (a). Liễu tri có ba, đó là (i) Liễu tri kể như sở tri. (ii) Liễu tri kể như siêu đạt (investigating), và (iii) Liễu tri kể như từ bỏ, đoạn trừ (xem Ch. XX, 3)
106. (a). (i). Ở đây, liễu tri kể như sở tri được tóm tắt như sau: "Tuệ kể như thắng trí là trí theo nghĩa sở tri". (Ps. i, 87) "Bất cứ những pháp nào được thắng trí gọi là sở tri" (Ps. i, 87). Nó được trình bày chi tiết như sau: "Này các tỷ kheo, tất cả phải được thắng trí. Và tất cả đó là gì? Con mắt phải được thắng tri... " (Ps.i, 5). Phạm vi đặc biệt của nó là thắng tri danh sắc cùng với các duyên của nó.
107. (ii) Liễu tri kể như suy đạt được tóm tắt như sau: "Tuệ với tư cách liễu tri gọi là trí trong ý nghĩa suy đạt (phê phán). "Bất cứ những pháp nào được liễu tri đều được suy đạt" (Ps. i, 87). Nó được trình bày chi tiết như sau: "Này các tỷ kheo, tất cả phải được liễu tri. Và những gì là tất cả? Con mắt phải được liễu tri... " (Ps. i,22). Phạm vi đặc biệt của nó khởi từ Quán theo nhóm, và sanh khởi với tư cách suy đạt vô thường, khổ, vô ngã, nó trải rộng cho đến thuận thứ (xem Ch. XX, 41)
108. (iii) Liễu tri kể như đoạn trừ: "Liễu tri với nghĩa đoạn trừ, là trí theo nghĩa từ bỏ" (Ps. i,87). Ðược nói chi tiết: "Bất cứ pháp nào được đoạn trừ đều được từ bỏ. Nó xảy đến như sau: Do quán vô thường, vị ấy từ bỏ thường tưởng. Phạm vi của nó trải từ quán diệt cho đến đạo trí. Ðấy là điều muốn nói ở đây.
109. Hoặc, liễu tri kể như sở tri và suy đạt còn có loại thứ ba làm mục đích, vì bất cứ pháp nào được đoạn thì chắc chắn phải được biết (sở tri) và được suy đạt, vậy cả ba loại liễu tri có thể hiểu theo cách ấy, kể như nhiệm vụ của đạo trí.
110. (b) Ðoạn cũng có ba: (i) Ðoạn bằng cách ức chế. (ii) bằng cách thay vào một pháp ngược lại, (iii) bằng cách cắt đứt.
111. (i). Khi bất cứ một loại định thế gian nào ức chế một pháp đối lập, như triền cái, thì hành vi ức chế ấy như đè áp cây lau bằng cách đặt trên ngọn cây một cái bình đầy nước có lỗ. Ðó là đoạn trừ bằng cách ức chế. Nhưng sự đàn áp những triền cái được nói trong Kinh như sau: "Có sự đoạn trừ các triền cái bằng cách đàn áp vào lúc đó. Vì ngay cả trước và sau sơ thiền, những triền cái cũng không xâm chiếm tâm một cách đột ngột; nhưng tầm, v.v.. chỉ được đàn áp vào sát-na an chỉ ở thiền thứ hai, v.v. và như vậy sự đàn áp những triền cái là rõ rệt vào lúc ấy.
112. (ii) Ðoạn trừ bằng cách thay thế một pháp đối lập: Là đoạn một pháp nào bằng phương tiện một chi phần đặc biệt của trí, mà với tư cách một thành phần của tuệ, nó đối lập với pháp ấy, như sự từ bỏ bóng tối nhờ một bó đuốc. Kỳ thực đó là trước hết đoạn trừ thân kiến nhờ Phân biệt danh sắc, đoạn trừ cả hai kiến chấp vô nhân và nhân tưởng tượng, và cả cấu uế hoài nghi nhờ quán các duyên, đoạn trừ sự chấp thủ hợp tướng gọi là "tôi" và "của tôi" nhờ quán theo nhóm, đoạn trừ tưởng là đạo cái phi đạo nhờ định rõ cái gì là đạo, gì là chấp thường nhờ thấy diệt; đoạn trừ cái tưởng không đáng sợ ở trong cái đáng sợ nhờ bố úy trí; đoạn trừ tưởng lạc nhờ quá hoạn trí; đoạn trừ sự thiếu ưa thích giải thoát bằng dục thoát trí; đoạn trừ không tư duy bằng tư duy trí; đoạn trừ sự không nhìn với xả bằng xả: đoạn trừ tà giải bằng trí thuận thứ.
113. Lại nữa trong trường hợp mười tám tuệ quán, sự đoạn trừ bằng cách thay thế pháp đối lập là: (1) Ðoạn thường tưởng bằng quán vô thường, (2) đoạn lạc tưởng bằng quán khổ, (3) đoạn ngã tưởng bằng quán vô ngã, (4) đoạn thích thú bằng quán ly dục (5) đoạn tham bằng quán ly tham, (6) đoạn sinh bằng quán diệt, (7) đoạn chấp thủ bằng quán từ bỏ, (8) đoạn cái tưởng nguyên vẹn bằng quán hoại, (9) đoạn tích lũy bằng quán diệt, (10) Ðoạn tưởng bền bĩ bằng quán biến đổi, (11) đoạn tướng bằng quán vô tướng, (12) đoạn dục bằng quán vô dục, (13) đoạn tà giải bằng quán không, (14) đoạn tà giải do chấp thủ vào một cái lõi bằng tuệ quán đi sâu vào các pháp thuộc tăng thượng tuệ, (15) đoạn tà giải do mê mờ bằng chánh tri kiến, (16) đoạn tà giải do y cứ các hành bằng quán nguy hiểm trong các hành, (17) đoạn phải tư duy bằng quán tư duy, (18) đoạn tà giải do trói buộc bằng quán "quay đi". (Ps. i,47)
114. (1-7) Bảy pháp quán khởi từ quán vô thường, đã được giải thích ở chương XXI, đ, đoạn 15 trở đi.
(8) Quán hoại là trí nơi một người phân tích cái toàn vẹn, và như vậy thấy được vô thường theo nghĩa tan rã. Nhờ phương tiện trí này, mà có được sự từ bỏ tưởng về sự nguyên vẹn.
115. (9) Quán diệt được nói như sau:
"Ðịnh nghĩa cả hai đều giống nhau
Bằng cách suy diễn chính vật ấy
Chú tâm trên diệt - đây
là tuệ theo nghĩa quán diệt. (Ps. i,58)
Ðó là sự chú mục vào diệt, nói cách khác, vào ngay sự tan rã, sau khi thấy sự tan rã, của cả hai thứ hành được thấy và không thấy, do kinh nghiệm bản thân và do suy diễn. Nhờ phép quán ấy, chấm dứt tích lũy. Khi một người thấy với tuệ rằng "Những pháp vì chúng mà ta có thể tích lũy nghiệp đều phải diệt", thì tâm vị ấy không còn khuynh hướng tích lũy.
116. (10) Quán biến đổi là sự thấy rõ, theo Sắc bảy pháp, v.v. rằng những gì có sanh tương tục đổi khác như thế nào, bằng cách tuần tự dời khỏi bất cứ định nghĩa nào về nó. Hoặc đó là sự thấy rõ biến dịch trong hai khía cạnh già và chết của cái gì đã sinh ra. Bằng phép quán ấy, bỏ được tưởng về lâu bền.
117. (11) Quán vô tướng cũng giống như quán vô thường, qua đó thường tưởng bị từ bỏ.
(12) Quán vô dục cũng như quán khổ. Nhờ đó sự tham cầu dục lạc được từ bỏ.
(13) Quán không cũng như quán vô ngã. Nhờ phép quán này mà sự cố chấp có ngã được từ bỏ.
118. (14) Tuệ quán đi sâu vào các pháp thuộc tăng thượng tuệ được nói đến như sau:
Sau khi tư duy trên đối tượng
vị ấy quán hoại diệt
tướng khi ấy thành trống rỗng
đây là quán thuộc tăng thượng tuệ. (Ps. i, 58)
Tuệ được mô tả như vậy xảy đến sau khi biết rõ sắc kể như đối tượng, bằng cách thấy sự hoại diệt của cả hai, đối tượng lẫn tâm năng quán, và bằng cách nắm giữ cái tướng trống rỗng qua sự hoại diệt như sau: "Chỉ có các hành tan rã. Ðó là sự chết của các hành, ngoài ra không có gì khác". Lấy tuệ làm tăng thượng tuệ và làm tuệ quán các pháp, tín gọi là "tuệ quán đi sâu về vào các pháp thuộc tăng thượng tuệ". Nhờ phương tiện đó, tà giải (cố chấp), do chấp thủ một cái lõi được đoạn trừ, vì đã thấy rõ ràng, không có cái trung tâm của sự trường cửu và trung tâm của bản ngã.
119. (15) Chánh tri kiến là sự phân biệt rõ danh sắc với các duyên của nó. Nhờ phương tiện này, tà giải do mê mờ xảy ra như sau: "Ta có mặt hay không có mặt trong quá khứ". (M. i,8) và như sau: "Thế giới này do một thượng đế tạo ra" là giải ấy được từ bỏ.
120. (16) Quán nguy hiểm (Quá hoạn trí) là trí thấy nguy hiểm trong tất cả loại hữu, sanh, thú, trú, v.v... khởi lên do tướng kinh khủng. Nhờ phương tiện này, sự tà giải do nương tựa các hành được từ bỏ, vì hành giả không còn thấy có hành nào đáng nương tựa để trú ẩn.
(17) Quán tư duy là tư duy về một phương tiện giải thoát, nhờ đó sự không tư duy được từ bỏ.
121. (18) Quán "quay đi" là trí hành xả và trí thuận thứ. Vì ở điểm này, tâm vị ấy được nói là rút lui, lùi lại, co rút lại trước toàn diện, lĩnh vực các hành, như giọt nước co lại trên một ngọn lá sen. Bởi thế nhờ quán này, tà giải do trói buộc, được đoạn trừ, có nghĩa là, từ bỏ sanh khởi cấu uế, và cấu uế này là tà giải bị ô nhiễm vì trói buộc của dục tham v.v...
Sự đoạn trừ bằng cách thay thế những pháp đối lập cần hiểu chi tiết như vậy. Nhưng trong các bản kinh nó được đề cập vắn tắt như sau: "Sự trừ đoạn các kiến chấp bằng cách thay thế các pháp đối lập phát sinh nơi một người tu tập định dự phần vào thể nhập". (Ps. i,27).
122. (iii) Sự đoạn trừ các pháp khởi từ kiết sử trở đi, nhờ thánh đạo trí làm cho chúng không bao giờ sinh lại, như vậy bị sét đánh, thì gọi là đoạn trừ bằng cách tận diệt. Về điểm này, được nói: "Ðoạn trừ bằng cách tận diệt phát sinh nơi một người tu tập đạo lộ siêu thế đưa đến sự phá hủy cấu uế". (Ps. i,27)
123. Vậy, trong ba loại từ bỏ này, chỉ có loại từ bỏ bằng cách tận diệt là muốn nói ở đây.
Nhưng vì hai loại từ bỏ trước đấy của hành giả (bằng sự ức chế và bằng thay thế các pháp đối lập) đã có loại thứ ba làm mục tiêu, nên cả ba loại đều có thể xem nhiệm vụ của đạo trí. Như khi một người đã chinh phục được một đế quốc bằng cách giết hết các ông vua đối nghịch, thì bất cứ gì được người ấy thực hiện trước đấy cũng được gọi là "do vua làm".
124. (c) Chứng có hai là (i) chứng thế gian, và (ii) siêu thế. Và nó cũng còn được chia ra ba loại, khi sự chứng ngộ thuộc siêu thế lại chia làm "thấy" và "tu tập" (kiến đạo và tu).
125. (i) Ở đây, xúc thuộc sơ thiền, v.v. như khi một người nói: "Tôi là người đắc sơ thiền, làm chủ sơ thiền, sơ thiền đã được chứng với tôi" (Vin. iii, 93) gọi là "chứng thế gian". "Xúc" là sự tiếp chạm bởi xúc của trí, bằng kinh nghiệm cá nhân khi đạt đến. Về ý nghĩa này, chứng ngộ được tóm tắt như sau: "Liễu tri kể như thực chứng là trí theo nghĩa xúc chạm" (Ps. i, 87)
[Chú thích: "Bằng kinh nghiệm cá nhân" có nghĩa là không phải do suy luận]
Và sau đó cũng nói: "Bất cứ gì thực chứng đều được chạm xúc" (với trí).
126. Lại nữa, những pháp nào không được khơi dậy trong tâm tương tục của một người, mà được biết nhờ trí tùy thuộc một người khác, cũng được gọi là được thắng trí. Như nói: "Này các tỷ kheo, tất cả cần phải thắng trí. Và tất cả đó là gì? Con mắt cần được thắng trí... (Ps. i, 35) v.v. và sau đó lại nói: "Người nào thấy sắc thắng trí sắc, người thấy thọ.. tưởng hành.. thức.. thắng trí thọ tưởng hành thức, người thấy con mắt... già chết sầu bi... (xem đ 9, Ch.XX) Người thấy khổ... người thấy Niết bàn bất tử thắng tri Niết bàn. Bất cứ pháp nào được thắng trí đều được chạm xúc". (Ps. i,35)
127. (ii) Sự thấy Niết bàn vào sát-na đạo lộ khác, là chứng kể như tu tập. Và ở đây muốn nói cả hai. Bởi vậy sự thực chứng (thắng tri) Niết bàn kể như thấy và tu, cần được hiểu là một nhiệm vụ của trí này.
128. (d) Và hai sự tu tập được kể: Nhưng sự tu tập lại chia làm hai, là một, thế gian, hai xuất thế.
(i) Ở đây, sự khơi dậy giới định tuệ thế gian và ảnh hưởng vào tương mục (tâm) nhờ cách ấy, là tu tập thuộc thế gian. Và (ii) Sự khơi dậy giới định tuệ xuất thế và tác động trên tương tục bằng những pháp ấy, gọi là tu tập xuất thế. Chính sự tu tập xuất thế là điều muốn nói ở đây. Vì bốn trí này khơi dậy giới định tuệ siêu thế, là câu sanh duyên cho chúng, và qua chúng, ảnh hưởng đến tướng tục (tâm). Bởi thế, chỉ có tu tập siêu thế mới là một nhiệm vụ của trí ấy. Do vậy, đây là
Các nhiệm vụ liễu tri, đoạn, chứng tu
được nói khi các chân lý được thâm nhập
mỗi nhiệm vụ cần được nhận rõ
theo tự tánh của nó.
129. Bây giờ, về câu kệ "Người trú giới có trí, tu tập tâm và tuệ" (Ch. I, đ.1) trên đây đã nói: "Sau khi đã viên mãn hai thanh tịnh làm gốc, hành giả có thể tu tập năm thanh tịnh tức "thân cây" (Ch. XIV, đ 32). Ðến đây chấm dứt trình bày chi tiết về tu tập tuệ, đúng như cổ nhân đã lưu truyền.
Như vậy, câu hỏi: "Tuệ cần được tu tập như thế nào?" đã được trả lời.
Chương thứ 22 này, gọi là "Thanh tịnh tri kiến", trong luận về tu tập, thuộc Luận Thanh tịnh đạo, được soạn thảo với mục đích làm hoan hỉ các bậc hiền thiện.
-ooOoo-
(Pannàbhàvanànisamsa-niddesa)
-ooOoo-
Có hàng trăm lợi ích không thể nào nói cho xiết, nhưng vắn tắt là những điểm này:(A) Tẩy trừ các cấu uế đủ loại; (B) Nếm vị ngọt của thánh quả; (C) Có khả năng đạt đến tận diệt; và (D) Xứng đáng được cúng dường, v.v...
2. Một trong những lợi ích của tu tập tuệ thuộc thế gian là sự tẩy trừ các ô nhiễm đủ loại, khởi đầu là thân kiến. Việc này bắt đầu bằng sự phân biệt danh sắc. Và một trong những lợi ích của tu tập tuệ xuất thế là tẩy trừ, vào sát-na đạo lộ, những ô nhiễm đủ loại kể từ những kiết sử.
Như sét đánh tan tảng đá
Như gió tạt lửa cháy rừng
như mặt trời xua tan bóng tối
cũng vậy tuệ được tu tập
đoạn tận rừng phiền não thâm căn
nguồn gốc mọi khổ sầu
đấy hạnh phúc ngay đời này
mà con người có thể biết đến.
3. Không những tẩy trừ phiền não, tuệ tu tập còn có lợi ích là được vị ngọt của thánh quả. Quả Dự lưu v.v..., kết quả cuả sa môn hạnh được gọi là thánh quả. Vị ngọt của nó được nếm khi tuệ sanh khởi trong lộ trình đạo tâm và quả tâm. Tuệ sanh trong lộ trình tâm thuộc đạo đã được trình bày (Ch. XXII).
4. Có người nói rằng quả chỉ là sự đoạn trừ các kiết sử, không gì khác, nhưng đoạn kinh sau đây có thể trích dẫn để cho người ấy thấy họ đã sai:"Thế nào tuệ tịnh chỉ các nổ lực là trí về quả? Vào sát-na thuộc Dự lưu đạo, chánh kiến theo nghĩa thấy ngoi lên khỏi tà kiến, khỏi những ô nhiễm và các uẩn do tà kiến sanh. Bên ngoài, nó ngoi lên khỏi tất cả tướng. Chánh kiến sanh vì sự tịnh chỉ của nổ lực ấy. Ðây là quả của đạo lộ" (Ps. i, 71), và điều này cần trích dẫn chi tiết. Lại nữa những đoạn như: "Bốn đạo và bốn quả, các pháp này có một đối tượng vô lượng." (Ptn.1, ii, 227, bản Miến điện) những câu này thiết lập nên ý nghĩa ở đây.
5. Tuy nhiên, muốn chứng minh thế nào tuệ sanh khi chứng quả, có loạt vấn đề sau đây:
(i) Gì là đắc quả?
(ii) Ai đắc quả?
(iii) Ai không đắc quả?
(iv) Tại sao họ đắc quả?
(v) Sự đắc quả xảy ra như thế nào?
(vi) Ðịnh chứng kéo dài như thế nào?
(vii) Sự xuất định xảy ra thế nào?
(viii) Sau quả là gì?
(ix) Trước quả là gì?
6. (i) Gì là sự đắc quả? Ðó là diệt định, tức thánh quả.
(ii) Ai đắc quả? (iii) Ai không đắc? Không phàm phu nào đắc quả được, việc ấy vượt ngoài tầm cuả phàm phu. Chỉ có các bậc thánh đắc quả, vì ở trong tầm của thánh. Những vị đã đạt đến một đạo lộ cao không đắc một quả thấp hơn đạo lộ, vì trạng thái của mỗi Vị tuần tự thanh tịnh hơn bậc ở dưới. Và những người chỉ đạt đến một đạo lộ thấp cũng không đắc quả cao hơn đạo lộ, vì nó vượt ngoài tầm. Mỗi người chỉ đắc quả thuộc đạo lộ cuả mình. Ðây là những điểm đã được đồng ý.
7. Nhưng có một vài người bảo rằng, bậc Dự lưu và Nhất lai không chứng, mà chỉ có hai bậc trên chứng quả, chỉ vì hai bực này mới viên mãn về định. Nhưng đó không phải là lý do, bởi vì ngay cả những phàm phu cũng đạt đến những loại định thế gian thuộc tầm của họ. Nhưng tại sao còn cãi lý? Trong kinh đã nói rõ:
"Mười trí chuyển tánh nào sanh khởi do tuệ?
"Với mục đích đạt dự lưu đạo, tâm vị ấy vượt khỏi sanh, v.v... não, (xem Ch. XXII, 5) và bên ngoài, vượt khỏi tướng của các hành, như vậy là trí chuyển tánh."
"Với mục đích đắc dự lưu quả... "
"Với mục đích đắc Nhất lai đạo... "
"Với mục đích đắc Nhất lai quả... "
"Với mục đích đắc Bất hoàn đạo... "
"Với mục đích đắc Bất hoàn quả... "
"Với mục đích đắc A-la-hán đạo... "
"Với mục đích đắc A la hàn quả... "
"Với mục đích đắc không trả... "
"Với mục đích đắc vô tướng trú, vị ấy vượt khỏi sanh... não, và bên ngoài thì vượt khỏi tướng các hành, nên gọi là chuyển tánh" (Ps. i, 68). Từ đó, phải kết luận rằng tất cả các bậc thánh mỗi vị đều đắc quả riêng.
8. (iv) Tại sao đắc quả? Là để được hiện tại lạc trú, cũng như vua thưởng thức vương lạc và chư thiên thưởng thức thiên lạc, các bậc thánh cũng nghĩ rằng: "Ta sẽ thưởng thức thánh lạc siêu thể, và sau khi định thời gian bao lâu, những bậc thánh đạt đến các quả chứng bất cứ lúc nào họ muốn."
[Chú thích:Mặc dù đó là các quả dị thục, song trạng thái chứng quả chỉ xảy ra nơi các bậc thánh khi nào họ muốn, bởi vì các trạng thái ấy không phải khởi lên mà không có chuẩn bị (Pm. 895) ]
9. (v) Sự chứng quả phát sinh như thế nào? (vi) Kéo dài như thế nào? (vii) Sự xuất định x?y ra làm sao?
(v) Trước hết sự chứng quả xảy ra vì hai lý do: Không tác ý một đối tượng nào ngoài Niết bàn, và tác ý đến Niết bàn, như được nói. "Hiền giả, có hai duyên cho sự đắc vô tướng giải thoát:đó là không tác ý tất cả tướng, và tác ý vô tướng giới." (M. i, 296)
10. Tiến trình đắc quả như sau. Một bậc thánh đệ tử khi muốn tìm trạng thái đắc quả, hãy đi vào độc cư. Vị ấy phải thấy các hành bằng tuệ quán sinh diệt v.v... Khi quán tuệ đã đến giai đoạn thuận thứ thì trí chuyển tánh sanh khởi với các hành làm đối tượng.
[Chú thích: "Tại sao chuyển tánh không lấy Niết bàn làm đối tượng ở đây như khi nó đi trước đạo lộ? Bởi vì các quả tâm không tương ứng với một ngõ ra (như ở trường hợp đạo lộ) . Vì có nói: Các pháp nào là ngõ ra? Chính là bến đạo không gồm (quả)" (Pm. 895).]
Và ngay sau đó, tâm trở nên an chỉ trong diệt, cùng với sự đắc quả. Và ở đây chỉ có quả, không phải đạo, khởi lên ngay cả nơi một bậc hữu học, bởi vì khuynh hướng vị ấy là chứng quả.
11. Nhưng có vị (trong tu viện Anuradhapura) bảo rằng: Khi một bậc Dự lưu khởi sự trên đường tuệ quán, nghĩ:"Ta sẽ đạt đến trạng thái đắc quả", thì vị ấy trở thành một bậc Nhất Lai, và một vị Nhất lai thành Bất hoàn. Nên nói với những vị ấy:"Nếu thế thì một vị Bất hoàn thành A-la-hán, và một A-la-hán thành một Bích chi Phật, và Bích chi Phật cũng thành Phật. Vì lẽ ấy, và vì nó trái với kinh văn trích dẫn ở trên, cho nên không thể chấp nhận. Chỉ có điều này được chấp nhận là: Chính quả chứ không phải đạo khởi lên ngay cả nơi một bậc hữu học. Và nếu đạo lọä vị ấy đã đạt mà có sơ thiền, thì quả vị ấy cũng có sơ thiền khi nó sanh khởi. Ðạo có nhị thiền thì quả cũng có nhị thiền. Với các thiền khác cũng vậy.
Trên đây trước hết, là nói sự đắc quả xảy ra thế nào.
12. (vi) Nó được làm kéo dài theo ba lối, do câu: "Này hiền giả, có ba duyên cho sự kéo dài của vô tướng giải thoát: Không tác ý tất cả tướng, tác ý vô tướng giới, và quyết định trước" (M. i, 296-7) . Ở đây, quyết định trước có nghĩa là định thời hạn, trước khi (nhập định) đắc quả.
[Chú thích: ví dụ, "Khi mặt trăng, hay mặt trời đã lên đến chỗ ấy, ta sẽ xuất"]
Vì do quyết định như, ta sẽ xuất vào một giờ nào đó, mà sự đắc quả kéo dài đến đó.
13. (vii) Sự xuất định( đắc quả) xảy ra theo hai lối, do câu:"Hiền giả, có hai duyên cho sự ra khỏi vô tướng giải thoát: tác ý tất cả tướng, và không tác ý đến vô tướng giới, (M. i, 297) . Ở đây, tất cả tướng là tướng sắc thọ tưởng hành thức. Dĩ nhiên, không phải tác ý tất cả đó một lượt, nhưng nói như vậy để bao gồm tất cả. Vậy, sự xuất định đắc quả phát sinh nơi hành giả khi vị ấy tác ý bất cứ gì đối tượng của hữu phần.
[Chú thích: Hành giả được xem là "Xuất khởi định đắc quả" vừa khi tâm hữu phần khởi lên, nên nói:"Vị ấy tác ý bất cứ gì làm đối tượng của hữu phần:nghiệp, v.v... gọi là đối tượng của hữu phần." (Ch. XVII, 133)]
14. (viii) Cái gì kế tiếp quả? Quả kế tiếp quả hoặc hữu phần kế tiếp quả. (ix) Quả kế tiếp cái gì? Có 4: (a) quả kế tiếp đạo (b) quả kế tiếp quả (c) quả kế tiếp chuyển tánh, và (d) quả kế tiếp phi tưởng phi phi tưởng xứ.
(a) Quả kế tiếp đạo trong lộ trình tâm thuộc đạo, (b) Mỗi quả kế tiếp theo một quả đi trước là quả kế tiếp quả, (c) Mỗi quả đầu trong sự chứng đắc quả, là quả kế tiếp chuyển tánh, vì Patthàna nói: "Nơi vị A-la-hán, thuận thứ là một duyên kể như đẳng vô gián cho sự chứng quả. Nơi các bậc hữu học, thuận thứ là đẳng vô gián duyên cho sự chứng quả." (Ptn. 159), (d) Quả nhờ đó có sự xuất định diệt thọ tưởng, là quả kế tiếp phi tưởng phi phi tưởng xứ.
15. Ở đây, tất cả quả trừ quả khởi lên trong lộ trình tâm thuộc đạo, sanh khởi kể như sự chứng quả. Như vậy, dù nó sanh trong lộ trình tâm thuộc đạo hay trong sự chứng quả, thì:
Quả thù thắng của sa môn hạnh,
Ðều làm tịnh chỉ tất cả ưu phiền,
Vẻ đẹp của nó xuất từ Bất tử
Sự thanh tịnh của nó do vắng bóng thế gian
Ðây là nguồn suối
Của phúc lạc thuần tịnh
Nguồn cam lộ đem lại bất tử
Nếu người trí tu tập Tuệ,
Vị ấy sẽ biết được niềm phúc lại vô song này,
Vị ngọt của thánh quả đem lại,
Cho nên người ta gọi
Cái kinh nghiệm hiện tại
Về hương vị thánh quả
Là ân sủng của Tuệ quán.
C. Khả Năng Chứng Ðắc Diệt Tận Ðịnh
16. Và lợi ích của sự tu tập tuệ không những chỉ là cái kinh nghiệm về hương vị của thánh quả, mà còn là khả năng đạt đến sự chứng định diệt thọ tướng.
17. Bây giờ, để giải thích sự chứng diệt, có loạt vấn đề:
(i) Chứng diệt là gì?
(ii) Ai chứng?
(iii) Ai không chứng?
(iv) Ở đâu có thể chứng diệt?
(v) Tại sao chứng?
(vi) Sự chứng đắc phát sinh như thế nào?
(vii) Làm thế nào để kéo dài nó?
(viii) Sự xuất định xảy ra như thế nào?
(ix) Tâm của người xuất Diệt định hướng như thế nào?
(x) Gì là sự khác nhau giữa người chứng diệt định và người chết?
(xi) Diệt định là hữu vi hay vô vi, thế gian hay siêu thế, được tạo tác hay phi sở tạo?
18. (i) Gì là sự đạt đến Diệt định? Ðó là sự không sanh khởi của tâm và tâm sở, do sự chấm dứt của chúng.
(ii) Ai đắc diệt định? (iii) Ai không đắc? Không đắc là phàm phu, Dự lưu, Nhất lai, Bất hoàn và A-la-hán tu tập càn tuệ(bare inside workers) . Ðắc là những bậc bất hoàn và những vị lậu hoặc đã đoạn tận, có đư?c tám giải thoát. Vì được nói: "Tuệ nắm vững, làm chủ được là nhờ có hai năng lực - sự tịnh chỉ ba loại hành, mười sáu loại trí, chín loại dịnh, - chính là trí thuộc diệt định" (Ps. i, 97) và những điều kiện này không được tìm thấy dồng loạt trong bất cứ người nào, ngoại trừ những bậc Bất hoàn và những vị lậu hoặc đã đoạn tận, có dược tám giải thoát. Cho nên những vị này mới đắc Diệt định.
19. Nhưng hai năng lực là gì? Ba hành và làm chủ là gì? Trong phần mô tả đoạn tóm tắt trên, có nói:
20. "Hai lực" là định hay tịnh chỉ lực, và tuệ hay quán lực.
"Tịnh chỉ lực là gì? Là sự nhất tâm bất loạn do từ bỏ, do không có ác dục, do tưởng ánh sáng, do không tán loạn, do phân biệt các pháp, do trí, do hỷ, do tám giải thoát, do mười biến xứ, do mười niệm, do chín pháp quán nghĩa địa, và do ba mươi hai kiểu niệm hơi thở, do sự thở vô ra nơi một người quán từ bỏ (relinqquishment). Ðó là tịnh chỉ lực.
[Chú thích: Tịnh chỉ dược trình bày ở đây là Định cận hành -- Pm. 899]
21. "Trong ý nghĩa nào, tịnh chỉ được xem là một năng lực? Ở sơ thiền, tịnh chỉ không bị nao núng vì những triền cái, nên gọi là một lực. Ở nhị thiền, nó không bị nao núng vì tầm và tứ, nên gọi là một lực v.v... Ở phi tưởng phi phi tưởng xứ, nó không bị dao động vì tưởng vô sở hữu xứ, nên gọi là một lực. Nó không lay động, nao núng, dao động vì trạo cử, và cấu uế và các uẩn đi theo trạo cử, nên tịnh chỉ ấy là một lực. Ðây là tịnh chỉ lực.
22. "Gì là quán lực? Quán vô thường là quán lực. Quán khổ, quán vô ngã, quán ly dục, quán diệt, quán từ bỏ là quán lực. Quán sắc vô thường v.v... Quán từ bỏ đối với sắc là quán lực. Quán vô thường trong thọ, tưởng, hành, thức là quán lực... Quán từ bỏ đối với thức là quán lực. Quán vô thường trong con mắt v.v... (xem Ch. XX, 9)... quán vô thường trong già chết... Quán từ bỏ trong già chết là quán lực.
23. "Trong ý nghĩa nào, quán (tuệ) được gọi là một lực? Do quán vô thường, mà tuệ không bị dao động vì thường tưởng, nên nó là năng lực. Do quán khổ, nó không lay động vì lạc tưởng, nên nó là lực... Do quán vô ngã, nó không dao động vì ngã tưởng, nên nó là lực... Do quán ly dục, nó không dao động vì thích thú... Do quán hoại, nó không dao động vì tham... Do quán diệt, nó không dao động vì sanh... Do quán từ bỏ, nó không dao động vì chấp thủ, nên (tuệ) quán là một năng lực. Nó không dao động, không nao núng, không lay chuyển vì vô minh, cấu uế và các uẩn đi theo vô minh, do vậy nó là một lực.
24. "Do sự tịnh chỉ ba hành: tịnh chỉ ba hành nào? Nơi một người đắc nhị thiền, Ngữ hành là tầm và tứ được hoàn toàn làm cho tịnh chỉ. Nơi một người đắc tứ thiền, thân hành là hơi thở vô hơi thở ra được làm cho hoàn toàn tịnh chỉ. Nơi một vị đắc diệt thọ tưởng, ý hành là thọ (cảm giác) và tưởng (ý nghĩ) được làm cho hoàn toàn tịnh chỉ.
25. "Do mười sáu loại tu tập về trí: mười sáu loại nào? Quán vô thường là một loại tu tập về trí. Quán khổ ... quán vô ngã, quán ly dục, quán hoại, quán diệt, ... quán từ bỏ, quán "quay đi" là một loại tu tập về trí. Dự lưu đạo là một loại tu tập về trí. Dự lưu quả... Nhất lai đạo... Nhất lai quả... Bất hoàn đạo... Bất hoàn quả... A-la-hán đạo... A-la-hán quả... là một loại tu tập về trí này.
26. "Do chín loại tu tập về định: Ðó là sơ thiền, nhị thiền, tam thiền, tứ thiền không vô biên xứ, thức vô biên xứ, vô sở hữu xứ và phi tưởng phi phi tưởng xứ. Ðó là những loại định tu tập. Và các tầm, tứ, hỷ, lạc, nhất tâm với mục đích đạt đến phi tưởng phi phi tưởng xứ. ấy là do chín loại tu tập này.
[Chú thích: Chín loại là bốn thiền sắc giới và bốn thiền vô sắc, và cận hành định đi trước mỗi một trong tám thứ định này, được mô tả trong câu cuối và được kể như một thứ định tu tập].
27. "Làm chủ có năm: làm chủ sự tác ý, chứng đắc, quyết định, xuất và quán sát. Hành giả tác ý đến sơ thiền ở chỗ nào, lúc nào và trong bao lâu vị ấy muốn, không có khó khăn trong sự tác ý, như vậy gọi là làm chủ sự tác ý. Hành giả đạt đến sơ thiền ở chỗ nào, lúc nào, trong bao lâu vị ấy muốn, vị ấy không có khó khăn trong việc chứng đắc, như vậy là làm chủ sự chứng đắc. Hành giả quyết định thời gian nhập sơ thiền ở chỗ nào, lúc nào... như vậy là làm chủ về quyết định. Vị ấy xuất khỏi sơ thiền... như vậy là làm chủ xuất định. Vị ấy quán sát sơ thiền ở chỗ nào, lúc nào và trong bao lâu theo ý muốn, không có khó khăn trong sự quán sát, như vậy là làm chủ về quán sát. Ðây là năm thứ làm chủ. (Ps. i, 97-100)."
28. Và ở đây, câu "Do 16 loại tập luyện về trí" nói lên số tối đa. Nhưng ở một vị Bất hoàn, sự làm chủ là do 14 loại tu tập về trí. Nếu như vậy thì có phải là sự làm chủ xảy ra cho vị Nhất lai do 12 loại, và cho vị Dự lưu do 10 loại? -Không. Bởi vì 5 dục tham chướng ngại định, không được từ bỏ nơi những vị ấy. Chính vì tham không được từ bỏ mà tịnh chỉ lực không được viên mãn.
Vì chưa viên mãn tịnh chỉ lực nên vị ấy không thể chứng diệt cần phải được chứng nhờ hai lực. Nhưng tham đã được từ bỏ nơi vị Bất hoàn, do 2 lực, vị ấy có thể chứng diệt tận định. Bởi thế, Ðức Phật dạy:"Thiện tâm thuộc phi tưởng phi phi tưởng xứ nơi một vị xuất Diệt định là một duyên, kể như Ðẳng vô gián duyên, cho sự đắc quả" (Ptn. 1, 159). Vì điều này được nói trong tác phẩm lớn Patthàna chỉ liên hệ xuất diệt định nơi các vị Bất hoàn".
[Chú thích: chữ "thiện" được dùng trong đoạn văn Patthàna chứng tỏ rằng nó chỉ áp dụng cho các vị Bất hoàn, nếu không, thì đã nói "duy tác"]
Ở đâu có thể chứng diệt? Ở hữu năm uẩn, vì cần có sự chứng đắc liên tục tất cả thiền chứng (S. iv, 217) mà ở hữu 4 uẩn, thì không có sơ thiền v.v... nên không thể chứng diệt định ở trong loài 4 hữu uẩn. Có người bảo, vì thiếu căn cứ vật lý cho tâm (ở 4 hữu uẩn), nói trắng ra là vì thiếu một thân xác.
30. (v) Tại sao họ đắc diệt định? Tại vì thấm mệt với sự sinh và diệt của các hành, nên những vị ấy đạt đến diệt định, nghĩ rằng:"Ta hãy an trú trong lạc trú hiện tại bằng cách không tâm và dạt đến tịch Niết bàn".
[Chú thích: "Ðạt đến tịch diệt Niết bàn là như nhập vô dư Niết bàn"]
31. (vi) Sự chứng đạt xảy ra như thế nào? Diệt dịnh phát sinh nơi một vị thực hiện các công việc chuẩn bị bằng cách nỗ lực tịnh tiến với tịnh chỉ và (tuệ) quán, và làm cho tâm phi tưởng phi phi tưởng xứ chấm dứt. Người chỉ nỗ lực tinh cần với tịnh chỉ (định) mà thôi, thì dạt phi tưởng phi phi tưởng xứ rồi ở đấy, còn người chỉ nỗ lực tinh cần với tuệ mà thôi thì đắc quả rồi dừng mãi ở đấy, nhưng người nỗ lực tinh cần với cả hai (định và tuệ) và sau khi làm các công việc chuẩn bị, sẽ làm cho chấm dứt tâm phi tưởng phi phi tưởng xứ và đắc diệt định. Ðây là nói vắn tắt.
32. Nhưng chi tiết thì như sau: Khi một tỳ kheo muốn đắc diệt định đã ăn xong, rửa sạch chân tay, ngồi xuống nơi đã soạn sẵn trong một nơi vắng vẻ. Sau khi xếp hai chân ngồi kiết già để thân ngay thẳng, đặt niệm trước mặt, vị ấy đắc sơ thiền, và khi xuất thiền, vị ấy thấy các hành trong đó với tuệ là vô thường, khổ, vô ngã.
33. Tuệ này gồm ba, là tuệ phân biệt các hành, tuệ để đắc quả, và tuệ để đắc diệt định. Ở đây, tuệ phân biệt các hành, dù chậm lụt hay linh lợi, đều là nhân gần cho một đạo lộ mà thôi. Tuệ để chứng quả chỉ có giá trị khi nó linh lợi, thì giống như tuệ để tu tập một đạo lộ . Tuệ để đắc diệt định chỉ có giá trị khi nó không quá chậm lụt cũng không quá linh lợi. Bởi vậy, vị ấy thấy các hành ấy với tuệ không quá chậm lụt cũng không quá linh lợi.
34. Sau đó vị ấy đắc nhị thiền, và khi xuất, vị ấy thấy các hành như trên. Sau đó hành giả đắc tam thiền... (v.v... )... Sau đó vị ấy nhập không vô biên xứ, và khi xuất, vị ấy quán các hành như trên. Cũng vậy hành giả nhập vô sỡ hữu xứ. Khi xuất, vị ấy làm bốn sự chuẩn bị, đó là: (a) không hại tài sản kẻ khác, (b) tăng chúng chờ đợi, (c) vị đạo sư triệu tập và (d) định thời gian.
35. (a) Không hại tài sản kẻ khác ám chỉ những gì vị tỳ kheo có xung quanh mình mà không phải là tài sản cá nhân vị ấy: y bát, giường ghế, hay một gian phòng, hay bất cứ vật dụng nào khác mà vị ấy giữ nhưng thuộc sở hữu của nhiều người khác. Vị ấy phải khởi tâm nghĩ rằng, những vật như vậy sẽ không bị hại, không bị lửa đốt, nước cuốn, gió thổi, trộm lấy, chuột gặm v.v... Ðây là hình thức sự khởi tâm: "Trong bảy ngày này hãy để cho những vật như vậy không bị lửa cháy, nước trôi, gió làm hỏng, kẻ cắp lấy, chuột gặm v.v... " Khi vị ấy khởi ý như vậy, những vật kia sẽ không bị nguy hiểm trong vòng bảy ngày.
36. Nếu vị ấy không khởi tâm quyết định như trên, những vật kia có thể bị thiêu cháy v.v... như trường hợp đại đức Màhà-Nàga. Vị đại đức này đi khất thực nơi mẹ ngài, một tín nữ cư trú. Bà cho ngài ăn cháo và để ngài nằm trong phòng khách. Ngài ngồi xuống nhập định. Trong khi ngài nhập định, gian phòng bốc lửa. Những tỳ kheo khác cắp tọa cụ chạy. Dân làng bu lại, và trông thấy vị tỳ kheo họ la lên "Ôi ông thầy tu làm biếng, ông thầy tu làm biếng!" Ngọn lửa bốc cháy gian nhà tranh tre và gỗ, và bao vây vị đại đức. Người ta mang nước dập tắt lửa. Họ dời tro tàn ra, sửa chữa căn nhà, rải hoa và đứng cung kính đợi chờ. Vị đại đức xuất định như đã tính trước, khi trông thấy người đông, ngài tự nhủ: "Chúng thấy ta mất rồi". Và liền thăng hư không đi đến đảo Piyangu.
Ðấy là không làm hại đến tài sản người khác.
37. Không có quyết định nào đặc biệt phải làm đối với dụng cụ cá nhân vị ấy, như y ngoài, y trong và chỗ ngồi của ông ta. Ông che chở tất cả thứ ấy nhờ định lực, như trường hợp đồ đạc của đại đức Sanjiva. Và điều này được nói: "Có thành công do can thiệp của định trong đại đức Sanjiva, trong đại đức Sàriputta." (Xem Ch XII, 30) .
38. (b) Tăng chúng chờ đợi:là chúng tăng trông mong vị ấy, bởi vậy cần phải khởi tâm như sau: "Trong thời gian bảy ngày tôi nhập định, nếu tăng chúng cần, tôi sẽ xuất định trước khi một tỳ kheo nào tìm." Người nào nhập định sau khi đã làm quyết định này, thì sẽ xuất định đúng lúc.
39. Nhưng nếu vị ấy không làm như vậy, thì khi tăng chúng nhóm họp, không thấy ông, người ta hỏi: "Tỳ kheo X... đâu rồi? "Ðược trả lời:"Vị ấy nhập diệt định" người ta sẽ phái một tỳ kheo đi mời vị ấy nhân danh tăng chúng. Vừa khi vị tỳ kheo đến trong tầm nghe của tỳ kheo nhập định và bảo: "Hiền giả, tăng đoàn đang đợi," vị ấy liền xuất định. Mệnh lệnh của tăng chúng quan trọng là thế. Bởi vậy, hành giả nên nhập định cách nào để có thể tự mình xuất định nhờ đã làm quyết định trước.
40. Ðạo sư cho gọi: Ở đây cũng thế lưu tâm đến hiệu triệu của đấng đạo sư là công việc chuẩn bị, bởi thế cần phải khởi tâm trước như: "Trong thời gian bảy ngày tôi nhập định, nếu vị đạo sư, sau khi phân xử một vụ nào đó rồi công bố một học giới hay giảng Pháp, mà nguồn gốc bài Pháp là một nhu cầu đã khởi lên, thì tôi sẽ xuất định trước khi có người đến gọi."
[Chú thích: Danh từ "atthuppattit" tức nguồn gốc là một nhu cầu được phát sinh là một thuật ngữ Luận tạng: có 4 loại nguồn gốc (Duyên khói) cho kinh điển: một do phật tự nói, hai do người khác yêu cầu, ba do đáp câu hỏi, bốn do một nhu cầu mới phát sinh.]
Nếu hành giả nhập định sau khi đã làm quyết định như vậy, vị ấy sẽ xuất định đúng lúc.
41. Nhưng nếu vị ấy không làm như vậy, thì khi tăng chúng nhóm họp, vị Ðạo sư không thấy vị ấy sẽ hỏi, và khi biết ra sẽ cho một tỳ kheo nhân danh bậc Ðạo sư đến mời. Vừa khi tỳ kheo ấy đến trong tâm nghe và bảo, bậc đạo sư cho gọi ngài, vị ấy sẽ xuất định. Sự hiệu triệu của bậc đạo sư là quan trọng như thế, cho nên hành giả phải nhập định thế nào để, nhờ có tác ý trước, sẽ xuất định đúng lúc.
42. (d) Hạn định thời gian: là định thọ mạng của mình kéo dài đến lúc nào. Vị ấy chỉ nên nhập định sau khi đã tác ý như sau: "Các hành của ta sẽ tiếp tục trong vòng bảy ngày nữa không? "Vì nếu hành giả nhập định không tác ý trước, mà nửa chừng (chưa tới bảy ngày) chấm dứt thọ mạng, thì vị ấy sẽ phải xuất định, vì không có chuyện chết trong khi nhập diệt định. Do vậy hành giả chỉ nên nhập định diệt thọ tưởng sau khi đã tác ý thọ mạng. Trong khi có thể bỏ qua sự tác ý các việc kia, hành giả vẫn cần tác ý việc này.
43. Khi đã nhập và xuất định "Không vô biên xứ" rồi làm công việc chuẩn bị này xong, hành giả lại nhập Phi tưởng phi phi tưởng xứ. Sau một hoặc hai tâm trôi qua, vị ấy trở thành vô tâm, và đạt diệt định. Nhưng tại sao các tâm không tiếp tục khởi sau hai tâm ấy? Bởi vì nổ lực được hướng đến diệt. Trong khi vị tỳ kheo này tuần tự nhập tám thiền chứng, vận dụng song hành chỉ và quán lực, vị ấy cốt hướng đến diệt chứ không hướng đến chứng phi tưởng phi phi tưởng xứ. Bởi vậy chính vì nổ lực được hướng đến diệt, mà không quá hai tâm sanh khởi.
44. Nhưng nếu một tỳ kheo xuất định Vô sở hưũ xứ mà không làm công việc chuẩn bị trước như thế, và sau đó đắc "Phi tưởng phi phi tưởng xứ", thì vị ấy không thể trở thành vô tâm, mà lại quay về "Vô sở hữu xứ" và an trú tại đấy.
45. Ở đây có thể lấy ví dụ người đi trên một con đường chưa từng đi. Y gặp một mương nước, và một tảng đá nóng cháy dưới ánh mặt trời chói chang. Không vén khéo y phục, y lội xuống nước nhưng lại trở lên vì sợ làm ướt vật dụng tùy thân. Y đứng trên bờ, hoặc bước đến tảng đá nhưng bị bỏng chân, y lại trở lui đứng đợi bên bờ nước.
46. Cũng như người kia vừa xuống nước lại phải trở lên, hoặc vừa bước lên tảng đá lại phải trở xuống, vì đã không chuẩn bị vén khéo y phục trong ngoài, thiền giả này cũng thế, vừa đắc "Phi tưởng phi phi tưởng xứ" lại phải trở lui Vô sở hữu xứ và ở lại đấy, vì đã không làm công việc chuẩn bị.
47. Cũng như người đã từng đi con đường kia trước đấy, nên khi đến tại chỗ ấy, anh ta vén khéo y phục, cầm thượng y trên tay, vượt qua hố nước, hoặc sẽ dẫm lên tảng đá một cách nhẹ nhàng (cho khỏi bỏng chân) để qua bờ kia. Cũng vậy, khi vị tỳ kheo làm công việc chuẩn bị rồi mới nhập phi tưởng phi phi tưởng xứ, thì vị ấy đắc diệt định (dụ cho bờ kia) bằng cách tr? nên vô tâm.
48. (vii) Diệt định kéo dài như thế nào? Nó kéo dài tùy thời gian ấn định, trừ khi bị gián đoạn vì thọ mạng chấm dứt, hay vì tăng chúng chờ đợi, hay vì đấng đạo sư triệu tập.
49. (viii) Diệt định xuất như thế nào? Sự xuất định xảy ra theo hai cách: Nhờ chứng quả Bất hoàn trong trường hợp một vị Bất hoàn, hoặc nhờ chứng quả A-la-hán trong trường hợp một vị A-la-hán.
50. (ix) Tâm thức một vị xuất Diệt định hướng về cái gì? Hướng về Niết bàn, như kinh dạy: "Khi một tỳ kheo xuất Diệt định, này hiền giả Visakha, Thì tâm vị ấy nghiêng về viễn ly, tựa vào viễn ly, khuynh hướng viễn ly." (M. i, 302)
51. (x) Gì là sự khác biệt giữa một vị đắc diệt định và một người chết? Ðiều này cũng đã được nói trong kinh: "Khi một tỳ kheo chết, này hiền giả, thì thân hành vị ấy hoàn toàn chấm dứt, tịnh chỉ, ý hành vị ấy hoàn toàn chấm dứt, tịnh chỉ, mạng căn đã dứt, hơi ấm không còn, các căn hư hoại. Khi một tỳ kheo đi vào diệt định, thì thân hành vị ấy chấm dứt, hoàn toàn tịnh chỉ, ngữ hành vị ấy hoàn toàn chấm dứt, tịnh chỉ, ý hành vị ấy hoàn toàn chấm dứt, tịnh chỉ. Nhưng thọ mạng vị ấy chưa tận, hơi nóng chưa hết, và các căn còn nguyên vẹn." (M. i, 296)
52. (xi) Diệt định là hữu vi hay vô vi? v.v... ? Không thể xếp loại nó là hữu vi, vô vi, thế gian hay xuất thế. Vì nó không tự tánh. Nhưng, vì nó được đạt bởi người chúng đắc nó, cho nên có thể nói nó có được tạo, không phải phi sở tạo.
[Chú thích: Tính cách tế nhị của danh từ "sở tạo" (nipphanna) có thể làm sáng tỏ bằng cách trích dẫn một đoạn từ sammohavinodani (Vbh. A. 29): "Năm uẩn là những pháp sở tạo có tính cách quyết định (parinipphanna), không phải sở tạo không quyết định; chúng luôn luôn là hữu vi, không phải vô vi. Vì trong những pháp có tự tánh, chỉ có Niết bàn là "quyết định phi sở tạo". Vậy, "sở tạo quyết định" và"sở tạo" khác nhau chỗ nào? Một pháp có tánh, có đầu có cuối về thời gian, do nguyên sanh, có ba đặc tính vô thường, v.v... gọi là "sở tạo quyết định". Ngoài ra, cái gì "được tạo" nhưng không tạo một cách tích cực, quyết định, thì gọi là pháp không tự tính, asabhàva-dhamma, khi nó sanh khởi nhờ có một cái tên, hoặc nhờ sự chứng diệt. "-- Vbh. AA. 23. Xem Ch. XIV, 72, 77]
Ðây cũng là một sự chứng đắc
Mà một bậc thánh có thể tu tập
Niềm an tịnh nó đem lại
được xem là Niết bàn bây giờ và ở đây.
Người trí tu tập thánh tuệ
Có thể đắc thiền chứng ấy
Bởi thế khả năng này
Ðược gọi là ơn ích của Tuệ
Mà thánh đạo cho ta.
D. Thành Tựu Sự Xứng Ðáng Cúng Dường...
53. Và không những tuệ đem lại khả năng chứng diệt, mà còn thành tựu sự xứng đáng cúng dường, đó là lợi ích của tu tập tuệ xuất thế.
54. Vì nói chung, chính vì tuệ đã được tu tập theo bốn cách này, mà một người tu tập nó trở nên xứng đáng với sự dâng cúng của thế gian và chư thiên, đáng được mời thỉnh, cúng dường, đảnh lễ, và là ruộng phước cho thế gian.
55. Nhưng đặc biệt, trước hết một người đạt đến tuệ thuộc đạo lộ thứ nhất, với tuệ quán chậm lụt, các căn còn khập khiễng, thì gọi là một vị "còn tái sinh tối đa bảy lần nữa", vị ấy đi qua vòng sinh tử bảy lần trong các thiện thú. Người thành tựu với tuệ trung bình, căn trung bình thì gọi là một bậc"gia gia" đi từ gia đình bậc thánh này qua gia đình bậc thánh khác, với hai hay ba lần tái sinh trong các gia đình thánh thiện, vị ấy chấm dứt khổ sanh tử. Người đắc quả với tuệ sắc bén, thì gọi là bậc "chỉ còn một lần tái sanh", với một lần sanh lại trong loài người, vị ấy chấm dứt khổ. (A. i, 133)
Do tu tập tuệ thuộc đạo lộ thứ hai, vị ấy được gọi là một bậc Nhất lai. Vị ấy trở lui thế giới này một lần nữa, và chấm dứt đau khổ.
56. Do tu tập tuệ thuộc đạo thứ ba, vị ấy là một vị Bất hoàn. Tùy các căn của vị ấy khác nhau thế nào, vị ấy hoàn tất quá trình tu của mình theo một trong năm cách sau khi từ giã cõi đời này: Hoặc trở thành một vị đạt Niết bàn sớm trong hiện hữu kế tiếp, hoặc một vị đạt Niết bàn khi sống quá nửa đời sau, hoặc "một vị đạt Niết bàn không cần nhắc bảo", hoặc "có cần nhắc bảo", hoặc là một vị "ngược dòng đến cõi chư thiên cao nhất" (D. iii, 237) .
57. Ở đây, "người đạt Niết bàn sớm trong đời sau" là sau khi tái sanh trong cõi tịnh cư thiên, đạt Niết bàn ngay không đạt đến chặng giữa đời sống tại đấy. "Ðạt Niết bàn khi đã quá nửa đời sau" là đạt Niết bàn khi sống tại đấy quá nửa đời". "Ðạt Niết bàn không cần nhắc bảo" là phát sinh đạo lột tối cao không cần được nhắc nhủ, không có nỗ lực. "Có cần nhắc bảo" là ngược lại. "Ngược dòng đi đến cõi chư thiên cao nhất" là tiếp tục lên các cõi cao tuần tự trong 5 cõi tịnh cư thiên, rồi đạt Niết bàn tại đấy.
58. Nhờ tu tập đạo lộ thứ tư, người ta trở thành một bậc Tín giải thoát, hoặc Tuệ giải thoát, Câu phần giải thoát, bậc Ba minh, Sáu thông, bậc đoạn tận lậu hoặc đã đắc bốn vô ngại giải. Chính ám chỉ một vị đã tu tập đạo lộ thứ tư này mà ở đầu sách nói: "Nhưng chỉ vào sát-na chứng đạo, vị ấy mới được g?i là đã gỡ xong trói buộc (triền) và xứng đáng sự cúng dường tối thượng của nhân loại và chư thiên."(Ch. I, 7)
59.
Thánh tuệ khi được tu tập
sẽ có những phúc lạc này
do vậy người có trí
rất hân hoan tu học.
60. Ở điểm này, sự tu tuệ với những lợi ích của nó, được trình bày trong thanh tịnh đạo dưới các mục Giới Ðịnh Tuệ trong đoạn:
Người trú giới có trí
Tu tập tâm và tuệ
Nhiệt tâm và thận trọng
Tỳ kheo ấy thoát triền. (Ch. I, đoạn1) đã hoàn tất.
Chương thứ Hai mươi ba gọi là"Mô tả lợi ích của tuệ" trong Thanh tịnh đạo, được soạn vì mục đích làm hoan hỉ những người lành.
--ooOoo--
Chương Kết
Sau khi trích dẫn đoạn kệ:
"Người trú giới có trí,
tu tập tâm và tuệ,
nhiệt tâm và thận trọng,
tỳ kheo ấy thoát triền" (Ch. I, 1),
Chúng tôi có nói:
Bây giờ tôi sẽ, đưa ra ý nghĩa chân thực
chia làm giới, vân vân...
của câu kệ do bậc Ðại thánh nói.Trong giáo pháp đấng Chiến thắng
Có những người tâm đạo đã từ bỏ
Gia đình, sống không nhà-những người mặc dù khát khao sự thanh tịnh
nhưng vẫn chưa có được cái chánh kiến về con đường thắng, bảo đảm,
gồm Giới, Ðịnh và Tuệ.Con đường khó tìm, dẫn đến thanh tịnh
Cho những người chưa được an, dù đã cố gắng,
Tôi sẽ giảng Ðạo lộ an ổn
Về Thanh tịnh
Y cứ lời dạy của những vị cư trú
Trong ngôi Ðại tinh xá
Những người ưa thích thanh tịnh
Hãy chú tâm nghe trình bày. (Ch. I, đoạn 4)
Ðến đây, tất cả những điều trên đã nói xong.
Sự trình bày đưa ra trên đây
Hầu như không có lầm lỗi
Sau khi đối chiếu tất cả các Luận
Về ý nghĩa Giới định tuệ
Trong năm bộ Nikàyas
Bởi thế, những thiền giả yêu mến thanh tịnh
Hãy kính lễ Ðạo lộ đưa đến Thanh tịnh này.
* * *
Bao nhiêu công đức có được
Do muốn an trú trong diệu pháp này
Do nhận lời đề nghị của trưởng lão Sanghapàla(Người được sanh vào hàng trưởng lão danh tiếng
cư trú trong ngôi Ðại tịnh xá,
Ngài là một nhà Phân tích chân chánh, một bậc trí giả,
sống đơn giản, giữ giới luật,
tâm vị ấy đầy đủ đức nhẫn nhục
hoà nhã, từ bi, vân vân)Nhờ năng lực kho tàng công đức ấy,
mong cho tất cả hữu tình an lạc.
Và cũng như 58 chương Thanh tịnh đạo này
đã hoàn tất không trở ngại,
mong cho tất cả người lành trên thế giới
sẽ thành công nhanh chóng vui vẻ.
Thanh Tịnh Đạo này được soạn bởi vị trưởng lão đầy đủ tín, tuệ và tấn thuần tịnh, nơi đức các ngài chính trực, từ hòa,... đều tập hợp do sự thực hành giới luật. Ngài là người có khả năng thăm dò sở kiến của chính mình và tin tưởng của những người khác, người có tuệ sắc bén, có hiểu biết không lầm về giáo pháp của đấng đạo sư gồm ba tạng và luận giải, Ngài là bậc thuyết giảng vĩ đại, có ngôn từ cao quý êm dịu lưu loát nhờ nắm vững cú pháp. Ngài đúng là bậc giảng sư tối thượng, một thi sĩ lớn, một người làm đẹp dòng dõi các trưởng lão trong ngôi Ðại tịnh xá, một ánh sáng chói lọi trong dòng các đại đ?c có thực chứng các pháp thượng nhân, như sáu thông, bốn biện... Người có trí tuệ dồi dào thanh tịnh ấy mang tên Buddhaghosa do các trưởng lão đặt, và thường được gọi là "người thuộc tự viện Moranda."
Mong rằng sách này tiếp tục chỉ đường
đưa đến thanh tịnh tri kiến
cho những thiện nam tử tìm cách
vượt qua các thế gian.
Vì bao lâu thế giới còn tồn tại
thì đấng Giác ngộ sẽ còn
được những người có tâm thanh tịnh như thế
gọi là đấng Ðại thánh, chúa tể thế gian.
[Những câu sau đây chỉ có trong bản Tích lan:]
Do công đức của tác phẩm này,
và bất cứ tác phẩm nào khác,
nguyện cho tôi đời sau
thấy được thiên lạc ở cõi Tam thập tam thiên,
hoan hỉ trong những giới đức,
không vướng ngũ dục,
Sau khi đắc Sơ quả, sau khi thấy được
Di lặc Thế tôn, trong đời cuối cùng của tôi
và được nghe Ngài giảng diệu pháp,
mong tôi làm sáng Giáo pháp của đấng Chiến thắng,
bằng cách chúng quả tối thượng trong giáo lý này.
[Những câu sau chỉ có trong bản Miến điện:]
"Sự trình bày Thanh tịnh đạo, được thực hiện để làm hoan hỉ những người lành. Theo bản tiếng Pàli, thì sách này có 58 chương tụng đọc."
Dịch từ bản Anh ngữ của Ðại đức Nanamoli, 1981.
Trí Hải - Tuệ uyển. Vu Lan 2536 (1991)
-ooOoo-
HẾT
-ooOoo-